| Hotline: 0983.970.780

Đưa tinh thần Nghị quyết 120 đến với nông dân ĐBSCL

Thứ Sáu 27/08/2021 , 10:04 (GMT+7)

Chiều 26/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp về việc thực hiện các nhiệm vụ của Bộ về Nghị quyết 120 - Phát triển bền vững ĐBSCL.

Tập trung nguồn lực xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển

Ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ NN-PTNT ưu tiên tập trung thực hiện 4 lĩnh vực then chốt đó là: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; Phát triển thuỷ lợi vùng ĐBSCL; Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai và nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Đến thời điểm này, hầu hết nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển (với tổng số khoảng 157km).

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay cần tiếp tục xử lý 76 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 140km, tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo giống nông nghiệp chủ lực, ĐBSCL đang phát triển 3 sản phẩm nông nghiệp chính là lúa gạo, cây ăn quả và thuỷ sản (cá tra, tôm nước lợ), phấn đấu đến năm 2025 sẽ xác định được bộ giống tốt nhất cho vùng.

Hiện nay, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận mới chiếm 65%. Còn đối với cây ăn quả, số lượng vườn và cây đầu dòng cây trồng chủ lực như thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng,... còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất đại trà.

Đối với thuỷ sản, Bộ đã giao Viện Nghiên cứu Thuỷ sản II nghiên cứu, chọn tạo giống cá bố mẹ để cung cấp đàn cá tra bố mẹ cho cơ sở sản xuất giống;... trong Đề án giống cá tra 3 cấp; giao các Viện phối hợp với doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, an toàn với bệnh nguy hiểm, tiến tới kháng bệnh, chủ động cung cấp cho các cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh cùng với khuyến khích mở rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh

Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản ĐBSCL cũng đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và cấp kinh phí để chọn tạo giống tôm càng xanh, sản xuất tôm càng xanh toàn đực, chọn tạo giống cá dứa và nhiều đối tượng vật nuôi khác. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngay từ năm 2017, Bộ NN-PTNT đã có các văn bản chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác rất bài bản, từ thủ tục hành chính đến kế hoạch, giải pháp. Qua đó, các địa phương triển khai và đạt hiệu quả rất cao.

Riêng ở ĐBSCL, năm 2017 có hơn 100.000ha đã được chuyển đổi; năm 2018 có xấp xỉ 128.000ha, đến năm 2020 xấp xỉ 68.000ha. Điều này phù hợp với xu thế, bởi những năm đầu tiên bà con chủ yếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phong trào, nhưng dần dần, khi quỹ đất có thể chuyển đổi không còn nhiều, nông dân sẽ chuyển đổi cây trồng thận trọng hơn dựa theo tín hiệu của thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Chăn nuôi có vai trò rất quan trọng đối với đời sống dân sinh của ĐBSCL, đặc biệt là chăn nuôi thủy cầm (nhất là vịt – chiếm khoảng 38% tổng đàn vịt toàn quốc). Tuy nhiên, ở các địa phương này rất ít cơ sở cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi. Đây là vấn đề khó khăn.

Do đó, thời gian qua Cục đã phối hợp với một số đơn vị khoa học triển khai và tạo một số giống vật nuôi thích ứng với xâm nhập mặn, điển hình là giống vịt biển phục vụ nhu cầu 8 tỉnh ven biển và một số giống phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là vùng duy nhất xuất khẩu được trứng vịt muối nhiều năm qua.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng được một Trung tâm giống vật nuôi của Bộ tại Đồng Tháp, qua đó thúc đẩy hình thành các đơn vị cung cấp giống chuyên nghiệp cho không chỉ 13 tỉnh vùng ĐBSCL mà còn cho 5 tỉnh của Campuchia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Nói về những điểm nhấn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 những năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Dự kiến đến năm 2023, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho 100.000 hộ dân (như kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục năm 2020).

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều công trình điểm nhấn trong phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng ĐBSCL, đó có công trình cống Cái Lớn, Cái Bé. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như tôm, cá tra, lúa…

Quan trọng nhất là đưa Nghị quyết đến với người dân

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa các chương trình, đề án, chiến lược; giữa các ý kiến hiến kế của nhà khoa học, các chuyên gia đến đời sống xã hội, người nông dân. Thậm chí, tôi gặp từ ông Bí thư xã thì thấy ông vẫn còn lơ mơ. Bản thân ông Chủ tịch Hội Nông dân xã tối ngày gần gũi với bà con mà ông cũng không biết rõ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

“Kế hoạch hành động của Bộ về triển khai thực hiện Nghị quyết 120 đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, các giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị rồi. Vậy chúng ta ngồi thảo luận ở đây để xem những cái đó đã xuống với nông dân chưa? Bởi người nông dân là trung tâm trong trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL, chúng ta chia ra các vùng. Nhưng liệu người nông dân ở vùng thượng nguồn, vùng hạ nguồn có nắm được mình ở vùng nào không? Và các vùng đó theo điều chỉnh chiến lược thì bà con phải làm gì? Cái này còn chưa rõ lắm. “Tôi đã từng nói rồi, nếu không hiểu người nông dân nghĩ gì thì mọi chiến lược đều không thành công”, Bộ trưởng lưu ý.

Đề cập đến câu chuyện tích hợp chính sách các ngành, lĩnh vực của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, chúng ta cũng cần phải xác định cái gì phải có trước, cái gì phải có sau. Ví dụ, quy hoạch thuỷ lợi có trước, kế hoạch sản xuất của ngành thuỷ sản, ngành trồng trọt đi theo hay ngược lại? Tôi có cảm giác vấn đề này chưa rõ ràng. Các đơn vị phải làm việc chéo với nhau là như vậy.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, chúng ta không thể ngồi ở Hà Nội để điều hành, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của ngành ở ĐBSCL được. Do đó, các đơn vị phải chuẩn bị và xúc tiến thành lập Văn phòng của Bộ NN-PTNT tại vùng ĐBSCL (có thể là tại Cần Thơ) để định kỳ hàng tháng, lãnh đạo Bộ sẽ mời 13 Giám đốc Sở NN-PTNT, các doanh nghiệp và hợp tác xã để thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển ngành.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Điều chỉnh nhiệm vụ, cân đối lại giải pháp cứng và giải pháp mềm

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, chia sẻ: Trong giai đoạn vừa qua, tư duy phát triển ĐBSCL vẫn mang tính hành chính, có phần chủ quan và chú trọng vào đầu tư công trình.

Ví dụ, trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống, chúng ta khẳng định những vùng nhiễm mặn rồi thì dứt khoát không trồng lúa. Bởi xét về đặc tính nông học, không có giống lúa nào chịu được độ mặn 4‰ mà gạo nấu thành cơm ngon cả. Do đó, lãnh đạo Bộ-NN-PTNT không ủng hộ nhiều đề tài chọn tạo giống lúa chịu hạn, chịu mặn. Trong khi đó, chỉ cần một gói kỹ thuật dịch chuyển vụ rất đơn giản, 8 tỉnh ven biển đã đẩy sớm vụ lúa đông xuân với diện tích 400.000ha trước 1 tháng là gần như không bị thiệt hại trong đợt xâm nhập mặn lịch sử 2019–2020.

“Thực tiễn đời sống là bất biến, do đó, Bộ NN-PTNT cần rà soát lại danh mục các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 120 để điều chỉnh theo hướng cân đối lại giải pháp cứng và giải pháp mềm. Qua đó thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch ở Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn

Hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân đang kỳ thu hoạch tại Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn…

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.