| Hotline: 0983.970.780

Đường ray và đầu máy là kinh tế tư nhân

Thứ Tư 31/05/2017 , 08:01 (GMT+7)

Không còn quan niệm kinh tế Nhà nước mới là chủ đạo, không còn thuật ngữ “cú đấm thép”, “đầu tàu kinh tế”… khi nói đến DN Nhà nước, mà hiện nay, kinh tế tư nhân (KTTN) mới là “từ khóa” để hiện thực hóa giấc mơ đột phá kinh tế.

Nhưng, dù cho đổi mới tư duy thượng tầng, thì từ lời nói đến hành động vẫn cần rút ngắn lại khoảng cách đang còn khá xa.
 

Từ lời nói đến hành động

Trong một hội nghị bàn giải pháp phát triển KTTN được tổ chức mới đây, ngay sau Hội nghị TƯ5, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình, cho biết, KTTN ngày càng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

13-39-08_dsc_3378
KTTN ngày càng cần nhận được sự thừa nhận về vị trí, vai trò, động lực trong nền kinh tế

“Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của khu vực KTTN giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm, số lượng DNTN tăng mạnh, từ 55.236 DN năm 2002 lên gần 600.000 DN vào năm 2016. Tổng doanh thu của DNTN từ năm 2007 đến 2015 tăng 4,4 lần, từ 3,5 triệu tỷ đồng lên 15,5 triệu tỷ đồng”, ông Bình cho hay.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc nhưng đến nay, KTTN vẫn chưa đáp ứng được vai trò “là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Nội lực của KTTN còn yếu, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của KTTN chỉ chiếm 7,88% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm những năm gần đây, xuống còn 7,54% trong giai đoạn 2011-2015.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH- ĐT), nhận xét: “Có một câu nói đã thành thuật ngữ là từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau là một khoảng cách rất xa, nhưng từ lời nói đến hành động còn là khoảng cách xa hơn thế, để nói về hạn chế trong thực thi chính sách. Nay, Nghị quyết TƯ5 đã cụ thể hóa các giải pháp trên cơ sở đúc kết thực tiễn phát triển KTTN 15 năm qua. Nhưng để thực thi nó còn mất nhiều thời gian”, ông nhận định.

Từ câu chuyện ở New York và Cu-ba, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã so sánh hai nền kinh tế có sự tương phản điển hình trong việc đổi mới. Cu-ba có dân số 11 triệu người và TP New York là 8 triệu người, thế nhưng tổng GDP khu vực KTTN của New York đạt trên 1.000 tỷ USD, trong khi tổng GDP khu vực KTTN của Cu-ba chỉ đạt trên 70 triệu USD.

“Ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta đều có thể thấy được bức tranh tương phản của các nền kinh tế, nhưng nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận KTTN mới chính là động lực để phát triển nền kinh tế. Vai trò của nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển lại chính là KTTN”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Hiện, Cu- ba mới đang trong quá trình cập nhật mô hình kinh tế, chậm hơn Việt Nam khoảng 1/4 thế kỷ, nhưng New York thì đã là TP phát triển lớn mạnh. Sự khác biệt của 2 nền kinh tế này nằm ở chỗ Cu-ba gần như không có DNTN, chủ yếu là DN Nhà nước. Trong khi đó, New York lại chủ yếu là DNTN. Ngoài lý do tác động bởi chính sách cấm vận của Mỹ, thì đây là sự khác biệt quan trọng nhất.
 

“Từ khóa” của sự thay đổi

Theo ông Lộc, nếu 30 năm trước, khi nước ta bắt đầu cải cách, chúng ta thường dùng đến từ nền kinh tế nhiều thành phần – thực chất là kinh tế thị trường; và sau này chúng ta mới chính thức dùng từ kinh tế thị trường trong các văn kiện của Đại hội Đảng. Nhưng tại thời điểm hiện nay, ông Lộc cho rằng KTTN mới chính là "từ khóa", chính là sự thay đổi nhất của thị trường. Chúng ta đã chấp nhận sự thay đổi của kinh tế thị trường, chấp nhận KTTN là động lực.

“Thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn KTTN chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là KTTN”, ông Lộc khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh: “KTTN là kinh tế của toàn dân. Trước đây, chúng ta chiến thắng quân xâm lược bởi chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân. Ở thời bình, nếu muốn chiến thắng trên thương trường, thì phải huy động toàn dân làm kinh tế. Nếu muốn trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta phải phấn đấu sao cho con số gần 600.000 DN hiện nay phải trở thành 5 triệu DN trong tương lai”.

Ảnh: Văn Nguyễn

Ông Lộc cũng ví DN chính là các chiến sĩ, chiến đấu trên mặt trận hội nhập. Để có thể chiến thắng, các chiến sĩ cần hậu phương vững chắc, đó chính là nhà nước. Ông khẳng định: “DN Việt Nam sẽ không thua kém DN ở các nước trên thế giới nếu nhà nước làm tốt vai trò là hậu phương vững chắc, là bệ đỡ, là điểm tựa cho DN”.

Ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, trong thể chế hiện nay, có thể chế chính thức (luật lệ do nhà nước ban hành) và phi chính thức (chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp…). “Thực tế, luật của Việt Nam gần như không thay đổi, nhưng các thông tư lại thay đổi liên tục, tác động trực tiếp tới tài sản, cũng như hoạt động kinh doanh, kế hoạch đầu tư, dòng tiền… của DN. Một thể chế như vậy sẽ khiến DN bấp bênh, rủi ro lớn, và chi phí cực cao. Một môi trường như vậy, không thể đầu tư, tính toán dài hạn được. Chính vì vậy, DN phải chủ động thay đổi, chứ không chờ thay đổi”, ông Cung nói.

Ngoài ra, theo ông Cung, bên cạnh các luật, nghị định, thông tư…, hiện tại Việt Nam còn có “luật rừng”. Luật này tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đời sống của chúng ta. Nếu như thể chế chính thức và phi chính thức phát triển mạnh thì có thể áp đảo được “luật rừng” và ngược lại. Chính vì vậy, DN phải làm sao để thể chế chính thức phải minh bạch, phải bao dung, có như vậy nền kinh tế mới phát triển được.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết Hội nghị TƯ5 đưa chuyên đề KTTN vào chương trình là thông điệp quan trọng. Điều đó cho thấy chúng ta ngày càng “thấm” hơn vai trò của khu vực kinh tế này và khẳng định đó chính là lực lượng cơ bản bảo đảm bền vững của phát triển kinh tế. DN Nhà nước chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt, còn lại phải thoái vốn, tạo điều kiện để phát triển KTTN, để tư nhân có thể tiếp cận nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mà khu vực kinh tế nhà nước đang nắm giữ.

Gánh nặng thanh tra, kiểm tra

Theo kết quả điều tra của VCCI, có tới 74% số DN từng đón tiếp các đoàn thanh, kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Một hiện tượng vô cùng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DN vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam “ngại lớn”, vì càng lớn thì càng nhiều “xiềng xích”.

Cụ thể, thông thường các DNVVN phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh, kiểm tra trong năm. Khoảng 11% số DN cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của DN. Với các DN lớn, con số này là 7%.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.