Tại Việt Nam, chỉ hơn 1 tháng phát hành, tiểu thuyết “Lolita” (người dịch: Dương Tường) đã trở thành “bestseller” trong thời gian qua trên thị trường sách. Tuy nhiên, ngay khi cuốn sách đến tay độc giả, có một chi tiết trong sách bị độc giả quy kết dịch sai.
“Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita”. Không hiểu một người Việt bình thường có hiểu nổi “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” là cái gì hay không”?
Với những độc giả biết tiếng Anh thì tiểu thuyết “Lolita” vốn không xa lạ, bởi lẽ tác phẩm này được rất nhiều các diễn đàn mạng chia sẻ bởi sự nổi tiếng “đóng mác” Vladimir Nabokov. Với những người biết tiếng Anh, dĩ nhiên, ai cũng hiểu “in the dotted line” chính là trên giấy tờ tùy thân, một số trường hợp khác, có thể hiểu là giấy khai sinh, hay giấy kê khai...
Theo dịch giả Hương Ly (người dịch cuốn “Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu”) cho rằng: “Đó là chi tiết gây tranh cãi chứ không phải lỗi sai. Cũng có thể dịch giả Dương Tường cho rằng, dùng như thế mới sát được bản gốc của “Lolita”.
Dĩ nhiên, để phổ biến một tác phẩm bằng tiếng Việt với đại đa số độc giả chưa được tiếp cận với bản gốc, hẳn dễ hiểu phải là vấn đề cần được giải quyết đầu tiên. Sẽ khó có thể đưa ra nhận định dịch sai nhưng nếu tối nghĩa hay không rõ nghĩa với đa số độc giả, thì đây không hẳn là nhận định không có cơ sở.
Sự việc của dịch giả kỳ cựu Dương Tường trong “Lolita” được nhiều dịch giả cho rằng, đó là điểm gây tranh cãi, còn nếu bảo dịch sai thì hơi thiếu căn cứ, bởi dù là tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc hay Nga… thì ngôn ngữ luôn biến hóa và đa tầng ý nghĩa. Hơn nữa, với điểm gây tranh cãi của Dương Tường, cũng có nhiều độc giả hiểu được ý và nghĩa của câu văn đó, chứ không hẳn ai cũng "bó tay".