Sáng 16/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15. Lễ công bố quy tụ sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hoạch định chính sách Việt Nam và châu Âu. Đây là cầu nối thương mại và chính sách cho sự hợp tác giữa hai bên.
Tại ấn phẩm lần thứ 15, EuroCham đưa ra nhiều khuyến nghị và kiến thức chuyên sâu cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển xanh bền vững, chăm sóc sức khỏe làm đẹp, lựa chọn của người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp.
Trong đó, xác định nông nghiệp sinh thái là hướng đi toàn cầu, ông Paul-Antoine Croizé, Phó Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản của EuroCham cho biết, việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh học có thể đặt ra một số thách thức ban đầu cho Việt Nam.
Năng suất có thể thấp hơn so với phương pháp thâm canh thông thường sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, cải thiện độ an toàn và bền vững môi trường.
Quá trình canh tác sinh học có thể đạt khoảng 90% năng suất thông thường. Mức chênh lệch 10% về năng suất có thể được giảm thiểu theo thời gian bằng cách tinh chỉnh các hệ thống canh tác tích hợp.
Trên cơ sở đó, Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản của EuroCham (FAABS) khuyến nghị ngành nông nghiệp Việt Nam khuyến khích giảm sử dụng và giảm nguy cơ từ thuốc trừ sâu hóa học.
Mức đề xuất của Liên minh Châu Âu là giảm 50% sử dụng, rủi ro từ thuốc trừ sâu hóa học và sử dụng các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm hơn vào năm 2030.
Đồng thời, FAABS khuyến nghị Việt Nam tăng tổng diện tích nông nghiệp được sử dụng trong canh tác hữu cơ (UAA). EU đã tăng từ khoảng 14,7 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2020, từ 9,1% lên 25% vào năm 2023.
Ngoài ra, FAABS cũng cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng nông nghiệp sinh thái thông qua tăng cường canh tác trên diện tích nhỏ hơn, xen canh và luân canh cây trồng.
Ông Paul-Antoine Croizé phân tích, ở Việt Nam, chủ yếu là quy mô trang trại nhỏ, trung bình 2ha. Điều này khiến việc xin chứng nhận hữu cơ gặp nhiều khó khăn và tốn kém chi phí. Do đó, việc thành lập các nhóm hợp tác và hợp tác xã cho phép các nhóm nông dân kết hợp sản xuất sẽ giúp quá trình đạt được chứng chỉ hữu cơ khả thi hơn.
Cùng với đó, việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho nông dân chuyển đổi sang phương pháp hữu cơ, tăng cường nỗ lực và đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo là động lực để chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái một cách suôn sẻ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ông Paul-Antoine Croizé cho rằng, Bộ NN-PTNT cùng các Bộ/ngành liên quan và tổ chức tài chính nên tổ chức các hội thảo để đào tạo cho doanh nghiệp về lợi ích của vốn lưu động.
Các nhà hoạch định chính sách cũng cần có một chương trình khuyến khích ESG (môi trường - xã hội -quản trị) được trợ cấp từ Chính phủ, để khuyến khích doanh nghiệp bắt đầu thực hiện kế hoạch ESG đưa phát thải ròng về 0.
“Các Bộ/ngành có thể xây dựng chính sách có tác động liên kết với nhau. Ví dụ, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII có thể sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản”, Phó Chủ tịch FAABS khuyến nghị.
Định hình một tương lai hợp tác thân thiện
Tại buổi lễ, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham khẳng định, mối quan hệ quý giá giữa châu Âu và Việt Nam thể hiện sức mạnh của sự hợp tác chung cùng nhau vượt qua các thách thức. EuroCham luôn nỗ lực để cởi mở đối thoại giữa tất cả các bên liên quan.
“Sách Trắng là một bản tóm tắt hợp tác đưa ra khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Ấn phẩm được công bố hôm nay giúp định hình một tương lai nơi các doanh nghiệp có trách nhiệm thúc đẩy đổi mới và mang lại lợi ích tích cực cho người dân và môi trường Việt Nam”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.