Những con số biết nói
Về công tác tổ chức của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang năm 2023, ông Ngô Thế Hiên, Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau hơn 4 tháng tổ chức, hơn 1 tháng tập trung triển khai các công việc của Festival và 1 tuần diễn ra chuỗi sự kiện, các nhiệm vụ của sự kiện đã hoàn thành và được đánh giá thành công tốt đẹp, tạo được hiệu ứng lớn trong và ngoài nước.
Về công tác chuẩn bị, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6512/VPCP-NN ngày 10/8/2023 giao Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ đã thành lập các Tổ công tác, Tổ tư vấn, Ban chỉ đạo, phân công công việc giữa Bộ và tỉnh Hậu Giang trong việc tổ chức Festival. Bộ NN-PTNT và tỉnh đều xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, quy mô lớn, tầm ảnh hưởng rộng, vì vậy ngay từ đầu đã tập trung, quyết liệt trong triển khai thực hiện các nội dung công việc.
Điểm lại những sản phẩm và hoạt động chính của Festival, ông Hiên nhắc đến cuốn sách song ngữ “Lúa gạo Việt Nam – Con đường đổi mới đến thịnh vượng và bền vững” do Báo Nông nghiệp Việt Nam biên soạn được người đọc đón nhận nhiệt tình với nội dung có tính chuyên môn cao và toàn diện về ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật.
Một sản phẩm khác của Báo Nông nghiệp Việt Nam là bộ phim “Việt Nam - Con đường lúa gạo mới” được các đài truyền hình tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp phát sóng. Một số đài tại khu vực ĐBSCL tiếp tục phát sóng bộ phim này. Bộ phim là nguồn tư liệu phong phú, được đánh giá cao về hình thức, nội dung; đặc biệt về phần hình ảnh tư liệu; gây xúc động đối với người xem.
Lễ cắt băng khánh thành "Triển lãm con đường Lúa gạo Việt Nam" sáng 11/12/2023 đã tổ chức dọc kênh xáng Xà No, đường Trần Hưng Đạo, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tạo hiệu ứng tốt đẹp. Theo đó, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất sẽ lưu giữ con đường lúa gạo đến qua Tết Âm lịch và tổ chức chợ đêm để đón tiếp người dân địa phương và du khách.
Tại buổi họp tổng kết, công tác truyền thông sự kiện trước, trong và sau Festival được đánh giá cao. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao) cung cấp thông tin về nội dung và hình ảnh cho báo chí quốc tế. Theo đó, có 26 bài báo từ các báo và hãng tin lớn trên thế giới đăng tải như Bloomberg, AP, Financial Times, Dow Jones, AFP, Reuters...; 424 trang tin điện tử ở Mỹ, Canada, Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Hong Kong, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Anh, Campuchia, Thái Lan, UAE, Qatar, Jordan, Kuwait, Ảrập Xêút, Nam Phi, Nigeria... cũng có bài phản ảnh về các sự kiện của Festival. Ngoài ra, 97 cơ quan báo, đài, tạp chí trung ương đã tham gia sản xuất hơn 390 tin, bài, phóng sự về Festival.
Bên cạnh đó, Lễ Phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, “Trình diễn máy móc thiết bị, công nghệ canh tác lúa gạo kết hợp với giới thiệu Đề án cơ giới hóa nông nghiệp" đã thu hút khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đại diện lãnh đạo các Bộ, địa phương, tổ chức quốc tế. Mặc dù có sự thay đổi trong trình diễn máy móc thiết bị, nhưng phía tỉnh (Sở NN-PTNT) đã phối hợp với IRRI và các đơn vị của Bộ (Cục KTHT-PTNT, Cục Trồng trọt) thực hiện tốt công tác chuẩn bị và được các lãnh đạo, đại biểu đánh giá thành công tốt đẹp.
Lễ Khai mạc Festival đón khoảng 1.200 đại biểu tham dự gồm Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các Bộ, ngành trung ương như Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT; Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT các nước Nepal và Venezuela; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, đại sứ, tham tán các nước; các tổ chức quốc tế; thường trực UBND các tỉnh, thành phố... Có gần 300 đại biểu quốc tế tham gia Festival từ 37 quốc gia, 19 tổ chức quốc tế; có sự tham gia của 9 đoàn thuộc Bộ Nông nghiệp các nước Campuchia, Lào, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Nepal, Venezuela, Nigeria, Sierra Leone. Ngoài ra, tại quảng trường có sự hiện diện của hơn 5.000 người dân.
Ông Hiên đánh giá, từ những con số trên có thể thấy Festival nói riêng cũng như ngành hàng lúa gạo nói chung nhận được sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông trong nước và quốc tế.
Chia sẻ tại buổi tổng kết, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ, hội thảo quốc tế Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo được tổ chức thành công với sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Trung cùng đại diện các đơn vị của Bộ NN-PTNT; các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế...
Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến của đại diện khối Viện, trường, tổ chức IRRI, FAO... về kết nối kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới. Cùng đó là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng cơ giới hóa, quy trình canh tác tiên tiến thích ứng biến đổi khí hậu, giống mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn và có năng suất, chất lượng tốt, phát thải thấp...
Theo bà Thủy, nội dung trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp dù thời gian chuẩn bị gấp rút trong 3 tuần, với quy mô trên khoảng 2.000m2, nhưng chương trình vẫn thành công, thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự và tìm hiểu thông tin về những máy máy móc, thiết bị được giới thiệu.
Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao sự chủ động, tích cực và nhiệt huyết của các đơn vị thuộc Bộ trong đó có Báo Nông nghiệp Việt Nam trong công tác tổ chức Festival.
Về phía Vụ Hợp tác quốc tế, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định, Vụ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao với quyết tâm chính trị cao trong khoảng thời gian ngắn, gấp rút, nhờ sự chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc của lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan thuộc Bộ. Ông Tuấn cho rằng thành công từ Festival cũng có sự đóng góp không nhỏ của bạn bè đến từ các tổ chức và đối tác quốc tế như IRRI, FAO..., theo đó kiến nghị Bộ trưởng có thư cảm ơn tới 6 tổ chức hỗ trợ tài chính và bằng khen tới một số cá nhân thuộc tổ chức quốc tế đã hỗ trợ nhiệt tình trong công tác truyền thông.
Bên cạnh đó, hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững và hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới cũng thu được kết quả tốt với nhiều tham luận, ý kiến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Những nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng
Đồng ý với báo cáo tóm tắt công tác tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, Festival đã được tổ chức thành công, có hiệu ứng tốt không những trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn gây được tiếng vang hậu sự kiện.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh những điểm tốt cần phát huy, những thiếu sót liên quan đến kỹ thuật, hậu cần cũng cần được nhìn nhận lại và khắc phục ở những sự kiện sau.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, Festival là "sự kiện làm thật, có kết quả thật", đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đây là một bài học giúp Bộ NN-PTNT tự tin hơn và thúc đẩy phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc tốt hơn cho những sự kiện tiếp theo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây chỉ là một sự kiện khởi đầu cho những công việc sắp tới, trong đó có triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Những kinh nghiệm, chia sẻ và đóng góp ý kiến từ các hội thảo trong khuôn khổ Festival cần được tham khảo và nghiên cứu để đưa vào thực hiện đề án này.
Bên cạnh đó, tiếp nối năng lượng từ sự kiện Festival, Bộ trưởng cũng yêu cầu những chương trình hợp tác được ký kết tại các hội thảo cần được triển khai ngay và có hiệu quả.