Tất cả các tỉnh, thành ĐBSCL có nuôi, chế biến cá tra đều tán thành việc áp dụng ngay Nghị định này từ ngày 20/6/2014.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA): Không thể chần chừ cứu ngành cá tra
Ngành cá tra nhiều năm liền bị thua lỗ nặng nề, giá bán có lúc thấp hơn giá thành đầu tư. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào như thuốc thủy sản và thức ăn luôn tăng cao, chính vì vậy diện tích nuôi cá tra ở An Giang ngày một giảm dần, cụ thể năm 2008 diện tích tăng trên 1.100 ha, nay còn khoảng trên dưới 600 ha.
Hiện nay giá cá tra ở ĐBSCL chỉ còn khoảng 20.500 - 21.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 1.200 - 1.500 đồng/kg. Một mặt người nuôi chịu cảnh giá đầu vào tăng, một mặt là các DN cạnh tranh thiếu lành mạnh. Một số đơn vị hạ giá bán, mua nhỏ giọt để ép giá, việc ký hợp đồng với người nuôi lỏng lẻo.
Nghị định 36 ra đời được kỳ vọng chấn chỉnh những bất cập và đồng thời để cứu ngành cá tra thoát khỏi khó khăn. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014, không thể chần chừ gì nữa. Đó là công cụ pháp lý cần thiết, tạo cơ chế có thể kiểm soát SX, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng liên quan trong quá trình SX, chế biến XK cá tra.
Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp Hội thủy sản Đồng Tháp: Ủng hộ không hoãn thi hành Nghị định 36 về cá tra
Nghị định này ra đời đưa cá tra là ngành SX kinh doanh có điều kiện, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thiết lập lại trật tự mới. Đây không chỉ là kỳ vọng của người nuôi mà cả cộng đồng DN. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cần thiết để nhà quản lý, các địa phương điều hành SX. Hạn chế tình trạng bán phá giá, đảm bảo cho nông dân có lời.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh trong vùng ĐBSCL có diện tích và sản lượng cá tra nhiều nhất. Thời gian qua tình hình XK cá tra gặp khó khăn. Quan điểm của địa phương chúng tôi là không hoãn thi hành Nghị định 36 về cá tra.
Ông Đặng Ngọc Giao, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Thực hiện ngay sẽ giúp ngành cá tra sớm ổn định
Về góc độ người nuôi, khi nghị định này có hiệu lực thì họ sẽ ít gặp rủi ro hơn. Trước hết là theo quy định doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra phải có vùng nguyên liệu, do đó họ phải ký kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu.
Tiếp đến là việc nuôi cá tra sẽ phải đăng ký diện tích, sản lượng có sự xác nhận của Chi cục Nuôi trồng thủy sản các địa phương sẽ giúp quản lý tốt hơn về mặt sản lượng, tránh tình trạng khi thừa, khi thiếu. Và khi xuất khẩu có được giá sàn, tránh tình trạng cạnh tranh phá giá, sẽ giúp cho giá cá nguyên liệu trong nước ổn định hơn, giảm được rủi ro cho người nuôi.
Về chế biến xuất khẩu, Nghị định cũng quy định rất kỹ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Như vậy, sẽ không có chỗ cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối để trục lợi. Từ đó sẽ giúp cho chất lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam được nâng lên, trở về với giá trị vốn có của nó.
Theo tôi, việc áp dụng Nghị định 36 ngay sẽ làm cho ngành cá tra sớm ổn định hơn. Còn trong quá trình thực hiện nếu có gì bất cập thì ta vẫn có thể điều chỉnh. Và thực tế cũng không thể chần chừ được nữa. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra chỉ tăng lên được một thời gian rất ngắn rồi lại quay đầu giảm, thấp hơn cả giá thành SX.
Tình trạng này kéo dài thì người nuôi sẽ phá sản hết và không còn nông dân nào mặn mà với con cá tra nữa. Nếu thực hiện nghiêm và Nghị định thực sự đi vào cuộc sống thì chắn chắn ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu sẽ ổn định, tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thủy sản Thới An - Cần Thơ: Khôi phục thương hiệu cá tra
Thực hiện Nghị định 36 nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ chẳng còn bao nhiêu người nuôi nhỏ lẻ. Hơn nữa, mấy năm qua đã sàng lọc gần hết hộ nuôi nhỏ lẻ nên giờ chẳng còn bao nhiêu. Nghị định ra đời kịp thời cứu con cá tra mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng giúp những DN mạnh, người nuôi có khả năng trụ vững để lấy lại thương hiệu cá tra Việt Nam.