Ngày 14/4, UBND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, Festival nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" được thành phố Huế tổ chức từ ngày 28/4 đến 5/5.
Đây là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế: "Cố đô xanh - di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện", gắn các sản phẩm nghề truyền thống đến gần hơn với du lịch với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Festival nghề truyền thống Huế 2023 gồm 21 nhóm nghề: dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh Tét bánh Chưng; mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghè rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ,…
Có 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước: Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế sẽ tham dự Festival lần này.
Bên cạnh đó, tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2023, có 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự: thành phố Takayama, thành phố Shizuoka, thành phố Saijo, thành phố Sasayama (Nhật Bản), thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc) và 1 Hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc.
Theo ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế, thông qua các hoạt động Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh cố đô Huế; phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước.