| Hotline: 0983.970.780

Gần 820 tỷ đồng đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn

Thứ Bảy 09/03/2024 , 16:16 (GMT+7)

Năm 2024, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn sẽ được đầu tư gần 820 tỷ đồng để phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng.

Dự án trồng dược liệu gắn với chế biến tại chỗ hứa hẹn sẽ giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Ba Bể thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dự án trồng dược liệu gắn với chế biến tại chỗ hứa hẹn sẽ giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Ba Bể thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đây là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn triển khai 10 dự án hỗ trợ các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý là dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy thế mạnh các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Chương trình sẽ hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với hơn 57.000ha, hỗ trợ bảo vệ hơn 67.000ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất hơn 560ha, trợ cấp gạo cho gần 4.630 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn lực từ chương trình sẽ hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gắn với chế biến tại huyện Ba Bể, tổng nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh Bắc Kạn thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sẽ hỗ trợ 479 hộ chưa có nhà ở hoặc nhà tạm, dột nát. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 200 hộ, thực hiện 25 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho hơn 2.600 hộ và cấp nước sinh hoạt phân tán gần 1.400 hộ. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ đầu tư 7 dự án bố trí ổn định dân cư cho khoảng 626 hộ.

Trồng rừng gắn với chế biến lâm sản giúp người dân miền núi ở Bắc Kạn có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trồng rừng gắn với chế biến lâm sản giúp người dân miền núi ở Bắc Kạn có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nguồn lực lớn nhất của chương trình tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, tổng số 368 công trình. Trong đó có 200 công trình giao thông, 97 công trình thủy lợi, 45 nhà văn hóa, 5 trường học và một số công trình quy mô nhỏ khác.

Ngoài ra, chương trình còn có các dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với du lịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân nâng cao thể trạng người dân tộc thiểu số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số. Đời sống người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giúp tỉnh có nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng thiết yếu.

Xây dựng chuỗi liên kết, trồng, chế biến nông sản là hướng đi giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững. Ảnh: Ngọc Tú. 

Xây dựng chuỗi liên kết, trồng, chế biến nông sản là hướng đi giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững. Ảnh: Ngọc Tú. 

Với nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh tập trung xây dựng mô hình liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã. Trong đó chú trọng trồng chế biến cây dược liệu, mô hình trồng rừng gỗ lớn, sản xuất nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP tạo ra sản phẩm chất lượng cao có tính đặc hữu hướng đến thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 của tỉnh Bắc Kạn gần 820 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương hơn 754 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 41 tỷ đồng và nguồn vốn tín dụng hơn 23 tỷ đồng.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.