| Hotline: 0983.970.780

Gắn kết chuỗi giá trị nông sản châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Ba 20/02/2024 , 19:04 (GMT+7)

Từ 19-22/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT tham dự Hội nghị APRC 37, cùng các nước trong khu vực thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực.

Phiên họp chuyên đề tại Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO lần thứ 37. Ảnh: FAO.

Phiên họp chuyên đề tại Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO lần thứ 37. Ảnh: FAO.

Hợp tác quốc tế vì hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

Phiên họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) lần thứ 37 (APRC 37) diễn ra trực tiếp tại Colombo, Sri Lanka. Đây là dịp để lãnh đạo Bộ NN-PTNT gặp gỡ những người đứng đầu ngành của các quốc gia trong khu vực, trao đổi sâu về những định hướng hợp tác cụ thể.

Hiện nay, nhu cầu ngày càng tăng về lương thực, thực phẩm, biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý đất đai không bền vững đang gây thêm áp lực lên rừng, đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên, đe dọa tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, cũng như hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP).  FAO dự báo, đến năm 2030, gần 670 triệu người sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói; gần 3,1 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh.

Theo đó, các nội dung chính của Hội nghị APRC 37 gồm hiện trạng nông nghiệp và lương thực châu Á - TBD; tài chính để chấm dứt nạn đói hiện nay (SDG2), đầu tư tài chính cho xóa đói giảm nghèo và sáng kiến Hand-in-Hand, thúc đẩy các mục tiêu SDG thông qua khoa học, đổi mới sáng tạo; giảm thiểu thất thoát và lãng phí LTTP; chuyển đổi, nâng cao khả năng chống chịu của nghề cá theo hướng bền vững cho các nước trong khu vực; áp dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP; tăng cường khả năng chống chịu và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị APRC 37, đoàn Bộ NN-PTNT đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Indonesia và Bangladesh, tìm hiểu các khía cạnh hợp tác xây dựng hệ thống LTTP toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Tiềm năng tiếp cận thị trường nông sản Halal

Những năm qua, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Indonesia có nhiều chuyển biến tích cực. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đã nhấn mạnh hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương nhằm triển khai tốt các Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết, tạo động lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển lên tầm cao mới, hướng tới Đối tác Chiến lược Toàn diện trong thời gian tới.

Cuộc gặp song phương giữa Việt Nam - Indonesia trong khuôn khổ Hội nghị APRC 37. Ảnh: ICD.

Cuộc gặp song phương giữa Việt Nam - Indonesia trong khuôn khổ Hội nghị APRC 37. Ảnh: ICD.

Dựa trên nền tảng đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tiếp ông Dida Gardera, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia để trao đổi về những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

“Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề nghị hai nước duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2028; đề nghị Chính phủ hai nước cùng thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững”, Bộ trưởng thông tin. 

Đáp lại, Thứ trưởng Indonesia đề cao tầm quan trọng, cũng như cam kết của nông nghiệp Việt Nam nhằm đảm bảo cung cấp lượng lương thực cho Indonesia trong mọi tình huống. 

“Việt Nam đã có những bước chuyển đổi nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh, bền vững, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh. Hạt gạo xuất khẩu sang Indonesia đem cả hương vị và văn hóa trù phú của vùng ĐBSCL, chúng tôi rất trân trọng những bữa cơm ngon nhờ các bạn”, ông Dida Gardera bày tỏ.

Ông nói thêm, quan hệ đối tác Việt Nam - Indonesia ngày càng được coi trọng, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024, khi Indonesia có nhu cầu ngày càng cao cao tiêu thụ lúa gạo từ Việt Nam. 

Tiềm năng khai mở thị trường Halal ở các nước Hồi giáo như Indonesia là rất lớn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiềm năng khai mở thị trường Halal ở các nước Hồi giáo như Indonesia là rất lớn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Gardera cam kết tạo điều kiện cho sản phẩm Halal có xuất xứ Việt Nam được tiếp cận thị trường Indonesia. Doanh nghiệp Indonesia và Bộ Ngoại giao nước này cùng tham gia buổi họp, tạo tiền đề cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xuất khẩu thực phẩm Halal sang các nước thứ ba. Cụ thể, phía Indonesia cam kết tư vấn doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal. Indonesia cũng mong muốn có những thảo luận sâu hơn về tiềm năng mở cửa thị trường này trong tương lai.

“Để thúc đẩy hợp tác, cần có sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, cả trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lúa gạo. Theo đó, để Việt Nam - Indonesia cung cấp sản phẩm Halal cho cộng đồng theo đạo Hồi ở khu vực và trên thế giới, hai nước cần hành động toàn diện ở cả ba cấp Bộ, cộng đồng và doanh nghiệp”.

Nâng tầm thương mại nông sản Việt Nam - Bangladesh

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APRC 37, đoàn Bộ NN-PTNT gặp mặt Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Bangladesh Abdus Shahid.

Trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bangladesh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, với kim ngạch song phương đạt 1,06 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, thương mại nông, lâm, thủy sản song phương mới chỉ đạt 11,7 triệu USD. Đây là mức kim ngạch rất khiêm tốn so với quy mô thị trường và thế mạnh sản xuất nông nghiệp của hai nước.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, ngành dệt may Bangladesh đã và đang hướng tới nền sản xuất xanh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho thế giới.

Bộ trưởng Abdus Shahid trao đổi cởi mở: “Bangladesh có nhiều kinh nghiệm trong phát triển ngành dệt may xanh và có thể chia sẻ với Việt Nam, trọng tâm phối hợp đào tạo nhân lực sản xuất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi quốc gia sẽ có một không gian trong chuỗi giá trị".

Ngành dệt may Bangladesh đã và đang phát triển theo định hướng xanh, bền vững.

Ngành dệt may Bangladesh đã và đang phát triển theo định hướng xanh, bền vững.

Ông nhận định thêm, việc tăng cường trao đổi thương mại, kinh nghiệm trong công nghiệp chế biến, giống cây trồng, quản lý nguồn nước sẽ tạo đà thúc đẩy nông nghiệp song phương.

“Chúng tôi quan tâm đến sản xuất hạt điều ở các vùng núi cao và sẵn sàng mở cửa thị trường tiêu thụ sản phẩm này của Việt Nam. Với những nét tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng, mong rằng Việt Nam cũng hỗ trợ Bangladesh chuyển giao khoa học công nghệ, canh tác cà phê bà con trong nước”, ông nói.

Bộ trưởng Abdus Shahid ngỏ lời mời Bộ NN-PTNT đến thăm Bangladesh để hiểu thêm nền nông nghiệp nơi đây, xem xét những khía cạnh hợp tác trong ngành công nghiệp chế biến.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đồng tình và cho rằng, hợp tác song phương là chìa khóa để nông nghiệp hai nước tiến xa hơn, tạo ra môi trường hợp tác tích cực, cạnh tranh công bằng. Việt Nam có thế mạnh lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, trái cây nhiệt đới, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi đó, Bangladesh cũng có thế mạnh về khoai tây, hạt vừng, hạt có dầu, đay, bông sợi. 

“Nông sản hai nước đều đa dạng, có tính bổ trợ lẫn nhau. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Bangladesh xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu đặc biệt trong bối cảnh triển vọng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ NN-PTNT Việt Nam - Bangladesh sẽ đẩy mạnh thương mại nông sản song phương. Ảnh: ICD.

Bộ NN-PTNT Việt Nam - Bangladesh sẽ đẩy mạnh thương mại nông sản song phương. Ảnh: ICD.

Theo đó, Việt Nam sẵn lòng cung cấp hàng nông sản chất lượng cao cho thị trường Bangladesh, ưu tiên là thịt gia cầm. Hai bên cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước trực tiếp liên doanh, hợp tác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp hai nước sẽ xem xét, gia hạn các thỏa thuận hợp tác đã ký kết trước đó, thể hiện quyết tâm chung về hợp tác đồng bộ, bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội nghị FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức định kỳ 2 năm/lần để xây dựng chính sách và phê duyệt các chương trình, ngân sách cho 2 năm tiếp theo. Hội nghị cũng là một diễn đàn để các quan chức cấp cao, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và chuyên gia của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao đổi những quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề nông, lâm, ngư nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và những vấn đề khác có liên quan. Việt Nam đã tổ chức Hội nghị FAO châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31 tại Hà Nội (năm 2012) và được FAO, các tổ chức Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Xem thêm
Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ: 'Trời hạn gặp mưa'

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị mang đến cho các nhà khoa học động lực mới, có thể nói như 'trời hạn gặp mưa'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.