Hiện nay, nhu cầu ngày càng tăng về lương thực thực phẩm, biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý đất đai không bền vững đang gây thêm áp lực lên rừng, đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên, đe dọa tính bền vững của sản xuất nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP). FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) dự báo gần 670 triệu người sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030. Gần 3,1 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2020.
Phiên họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO lần thứ 37 (APRC 37) diễn ra trực tiếp tại Colombo, Sri Lanka. Hội nghị APRC 37 thảo luận các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng và bất ổn địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng.
“Chúng ta hiện đang trải qua thời kỳ khủng hoảng hội tụ. Những tác động kinh tế - xã hội lâu dài và sâu sắc của đại dịch Covid-19 đối với an ninh lương thực và sinh kế đã trở nên rõ ràng. Thế giới đang chứng kiến các xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhiều hiểm họa và rủi ro, bao gồm cả sâu bệnh xuyên biên giới và mất đa dạng sinh học, đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp,” ông Jong-Jin Kim, Trợ lý Giám đốc Đại diện FAO khu vực châu Á - TBD phát biểu khai mạc.
Để các Quốc gia Thành viên FAO đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP, Hội nghị FAO tại Sri Lanka đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Đầu tiên, xác định các yếu tố tác động đến hệ thống LTTP, từ đó hoạch định lộ trình chuyển đổi sản xuất, chuỗi cung ứng tại từng quốc gia.
Thứ hai, để chấm dứt nạn đói, cần đầu tư tài chính từ Chính phủ các nước, khu vực tư nhân và tổ chức tài chính quốc tế.
Thứ ba, khu vực châu Á - TBD cần xây dựng khả năng phục hồi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp; thúc đẩy các giải pháp thuận thiên, đổi mới sáng tạo trong khoa học; chuyển đổi số; phổ biến các thực hành canh tác thông minh.
Theo đó, các nội dung chính của Hội nghị APRC 37 gồm hiện trạng nông nghiệp và lương thực châu Á - TBD; tài chính để chấm dứt nạn đói hiện nay (SDG2), đầu tư và tài chính cho xóa đói giảm nghèo và sáng kiến Hand-in-Hand, thúc đẩy các mục tiêu SDG thông qua khoa học và đổi mới sáng tạo; giảm thiểu thất thoát và lãng phí LTTP; chuyển đổi và nâng cao khả năng chống chịu của nghề cá theo hướng bền vững cho các nước trong khu vực; áp dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP; tăng cường khả năng chống chịu và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực thực phẩm.
Ngoài ra, Hội nghị APRC 37 cũng là dịp để đoàn Việt Nam gặp gỡ ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc FAO để trao đổi về những định hướng ưu tiên hợp tác cụ thể của FAO và Việt Nam giai đoạn 2024-2026. Bên cạnh đó, đoàn Bộ NN-PTNT đàm thảo sâu hơn về hợp tác Nam-Nam thông qua FAO; hỗ trợ kỹ thuật của FAO cho Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản (IUU); phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi (tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…), cây trồng (sâu keo mùa thu…); tín chỉ cacbon trong lâm nghiệp; cải tạo và phục hồi dinh dưỡng đất và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Hội nghị FAO khu vực châu Á - TBD được tổ chức định kỳ 2 năm/lần để xây dựng chính sách và phê duyệt các chương trình, ngân sách cho 2 năm tiếp theo. Hội nghị cũng là một diễn đàn để các quan chức cấp cao, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và chuyên gia của các nước trong khu vực châu Á - TBD trao đổi những quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề nông, lâm, ngư nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và những vấn đề khác có liên quan. Việt Nam đã tổ chức Hội nghị FAO châu Á - TBD lần thứ 31 tại Hà Nội (năm 2012) và được FAO, các tổ chức Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.