Thế nhưng, câu hỏi nhói lên trong thao thức của cộng đồng là số phận những người bán hàng rong. Nhịp sống đô thị sầm uất, càng thấu hiểu vẻ đẹp trắc ẩn của tiếng rao dọc theo các con phố nhộn nhịp!
Gánh hàng rong (Ảnh minh họa) |
1. Tuổi thơ tôi trôi đi lặng lẽ ở một góc phố miền Trung. Trước nhà tôi có một cây dừa rất cao, tán xòe ra tỏa bóng mát yên lành. Nơi ấy tôi đã thấy mỗi trưa nắng, những người bán hàng rong dừng lại nghỉ chân. Những chiếc nón lá được tháo xuống để lộ ra những khuôn mặt chất phác và rám nắng.
Có thể họ là những người xa lạ, nhưng khi đặt gánh hàng cạnh nhau thì lập tức trở thành thân thiết. Họ chân tình nói cho nhau nghe về vụ mùa, về giá cả, và về những đứa con đang từng ngày lam lũ lớn lên bên những mái tranh hiu quạnh. Câu chuyện của họ cứ tạo thành những làn sóng âm thanh xô dạt mãi vào ký ức tôi.
Ngày đó, tôi chưa mường tượng được sự cực nhọc của những người bán hàng rong. Tôi chỉ nhớ mỗi mùa mưa đến, trước khi đi làm mẹ tôi thường dúi chìa khóa cổng vào tay tôi và bảo rằng: “Trông nhà cẩn thận. Nếu trời mưa thì mở cổng cho mấy cô, bác hàng rong vào trú chân”.
Tôi thắc mắc: “Những người bán hàng rong lúc nào cũng có áo mưa kia mà”. Mẹ tôi giải thích: “Khi trời mưa, người bán hàng rong chỉ dùng áo mưa để che hàng hóa, còn bản thân họ thì chịu ướt”.
Từ đó, mỗi khi mưa như trút nước thì thay vì đứng nấp dưới tán dừa, những người bán hàng rong ngồi chật trong sân nhà tôi. Và khi dứt cơn mưa, những người bán hàng rong lại cho tôi một trái ổi sẻ hay mấy hạt đậu phộng, rồi tất tả quẩy gánh ra đi. Những tiếng rao lại vang lên. Những tiếng rao sau mưa sao cứ nghe dai dẳng và day dứt!
2. Lớn lên, vào Sài Gòn học đại học, tôi trọ ở một xóm nhỏ gần Bến xe Miền Đông. Cùng trọ xung quanh tôi có rất nhiều người bán hàng rong. Họ đến từ những miền đất khác nhau, và thứ hàng rong họ bán cũng khác nhau.
Sống cạnh những người bán hàng rong, tôi càng thấm thía hơn nỗi vất vả của họ. Lịch trình mưu sinh của họ bắt đầu lúc mờ sáng và đến tối mịt. Mỗi ngày bàn chân một người bán hàng rong đã đi bao nhiêu cây số? Có lẽ chính họ cũng không biết được.
Họ cứ đi và đi. Họ cứ đi qua những ngả phố, dáng họ nhấp nhô cạnh những quán xá ầm ĩ, bóng họ liêu xiêu dưới những tòa cao ốc. Họ cứ đi giữa biển người chen lấn, chỉ dừng bước khi tiếng rao có người đáp lại. Suốt mấy năm gần gũi những người bán hàng rong, tôi nhìn nhịp điệu bàn chân của họ quay lại xóm trọ khi trời chạng vạng để biết ngày hôm ấy có mua may bán đắt hay không? Và sự thật thà của những người bán hàng rong xuất thân từ nông thôn khiến tôi không cần dò hỏi gì.
Hôm nào đôi chân hớn hở của họ trở về thì gặp ai họ cũng khoe lời được 30 chục ngàn đồng hay 50 chục ngàn đồng. Còn hôm nào đôi chân nặng trĩu của họ trở về thì đôi mắt buồn gián tiếp báo trước một giấc ngủ khuya khoắt nhọc nhằn. Đôi lần tôi đã âm thầm trông sang phòng trọ của những người bán hàng rong, để hy vọng hiểu thêm sự lầm lụi của những số phận thua thiệt.
Dưới cái bóng điện tờ mờ chỉ đủ xoa dịu một vùng đêm u uẩn, họ bỏ tất cả số tiền kiếm được sau một ngày bươn bả ra nền nhà, và chậm rãi đếm từng tờ như kiểm chứng thành quả lao động lương thiện. Tôi thấy những tờ giấc bạc nhàu nhò được những bàn tay thô ráp vuốt phẳng phiu một cách cẩn thận, mà tự nhủ không thể rạch ròi ở đó có bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, không thể rạch ròi ở đó chống đỡ bao nhiêu cuộc đời!
3. Tốt nghiệp cử nhân, tôi chuyển sang cư ngụ tại Gò Vấp, và suốt ngày đi làm nên không rõ có bao nhiêu tiếng rao của những người bán hàng rong vang lên ở khu vực nhà tôi. Thế nhưng, có một buổi sáng khi tôi chuẩn bị đến công sở thì gặp một bà cụ bê thúng đậu phộng đứng ngay đầu ngõ. Bà cụ hàng rong trỏ ngôi biệt thự, ngập ngừng hỏi: “Bà già trong đó sao mấy ngày nay không thấy vậy chú?”.
Bất giác tôi giật mình vì sự hờ hững của bản thân. Ngôi biệt thự ấy của ông X, một quan chức cấp quận. Khi ông X đang thịnh vượng thì lúc nào trước cổng cũng có dăm bảy chiếc ô tô sang trọng tới lui. Ông X bị dính một vụ án gian lận địa ốc nên đã bị tù. Vợ con của ông X cũng bỏ đi đâu mất biệt, trong ngôi biệt thự chỉ còn lại bà mẹ của ông X năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Một dạo ông X tiệc tùng rộn ràng tài tử giai nhân, riêng bà mẹ của ông X thì vẫn áo quần giản dị ra vào như một cái bóng. Từ khi sự cố liên quan đến ông X xảy ra, cái bóng bà mẹ càng trở nên lẩn khuất hơn phía sau cánh cổng nặng nề của ngôi biệt thự.
Tôi trả lời bà cụ hàng rong: “Nghe nói bà mẹ của ông X bị bệnh, đang nằm điều trị ở Trung tâm Y tế”. Bà cụ hàng rong thoáng lưỡng lự rồi đề nghị: “Chú chở tui đi thăm bà ấy được không?”. Tôi gật đầu. Ngồi sau xe, bà cụ hàng rong luôn miệng kể: “Bà ấy tốt lắm. Mỗi khi nghe tiếng tui rao là bà ấy chạy ra mua dùm 10 ngàn đậu phộng luộc. Có hôm thấy tui mồ hôi nhễ nhại, bà ấy còn kêu vô nhà, lấy nước ngọt cho uống”.
Đến nơi, thấy bà cụ hàng rong ái ngại nhìn thúng đậu phộng, tôi nói: “Bà cứ vô thăm mẹ ông X đi. Cháu đứng đây giữ dùm”.Bà cụ hấp tấp bước vào phòng bệnh nhân, lát sau trở ra, hai mắt đỏ hoe: “Tội nghiệp lắm chú ơi! Bà ấy thấy tui đến thăm là òa khóc. Hồi trước bà ấy chỉ mới hắt hơi đã có ô tô đưa đi khám bệnh. Còn giờ đây sốt cả tuần cũng không ai biết, bà ấy tự đón xe vào đây. Bà ấy nằm chỗ này ba ngày rồi, có mỗi mình tui đến thăm nên tủi thân, cứ khóc hoài, khóc hoài…Tội nghiệp lắm, chú ơi”.
Tôi đứng bùi ngùi nhìn theo bà cụ hàng rong đi lẫn giữa dòng người đông đúc. Cái thúng đậu phộng khiến vai bà cụ lệch sang một bên, chỉ có tiếng rao nghẹn ngào dội lại: “Ai đậu phộng luộc không? Ai đậu phộng luộc… đậu phộng luộc…”. Bà cụ hàng rong tên gì, tôi chưa kịp hỏi, vẫn nghe nhói lên một sự trân trọng! Đôi mắt đỏ hoe của bà cụ hàng rong, bước chân thất thểu của bà cụ hàng rong, tiếng rao nghẹn ngào của bà cụ hàng rong, thỉnh thoảng hiện về tâm trí tôi khi chợt nghĩ đến sự đối đãi giữa con người với con người!
4. Tôi còn nhớ, trong đêm chung kết Hoa hậu những miền đất võ của Festival Tây Sơn - Bình Định, khi xướng danh cô gái Bùi Thị Thanh Thảo đăng quang Hoa hậu, phía dưới khán giả có tiếng reo: “Con của bà Dung bán hàng rong đó”. Liên tưởng giữa cô gái Hoa hậu lộng lẫy kia với người mẹ bán hàng rong tận tụy, tôi bỗng thấy bất ngờ thú vị.
Vì sự nổi tiếng của Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo, không ai khó khăn gì để tìm gặp bà Trần Thị Dung với gánh hàng ở một góc phố Qui Nhơn. Gánh hàng của bà Dung đơn sơ mấy nải chuối và mấy quả cam, nhưng bà đã cùng người chồng làm nghề đạp xích lô nuôi 6 đứa con nên người, riêng cô gái út trở thành hoa hậu. Khi có người nhận ra mình là mẹ của hoa hậu, bà Dung ngượng nghịu cười.
Bà Dung kể rằng, sau đêm con gái Bùi Thị Thanh Thảo được trao vương miện cùng số tiền thưởng 100 triệu đồng, hôm sau nhiều người ngỡ bà không đi bán hàng rong nữa. “Đêm đó tui mừng quá, không ngủ được, sáng ra đi bán hơi muộn thôi!”. Bằng phép tính độ lượng của bà Dung thì mỗi ngày bà vẫn phải đi bán hàng rong để kiếm mấy chục ngàn, còn tiền thưởng Hoa hậu thì để dành cho Bùi Thị Thanh Thảo trang trải theo học khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Quang Trung.
Nhìn khuôn mặt chịu thương chịu khó của bà Trần Thị Dung dưới vành nón lá giữa cái nắng miền Trung gay gắt, tôi nghĩ trên sân khấu Hoa hậu những miền đất võ có một sự đăng quang, còn trên hè phố Qui Nhơn cũng có một sự đăng quang khác. Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo lung linh vẻ đẹp của nhan sắc, còn bà Trần Thị Dung lấp lánh vẻ đẹp của đức hạnh.
Lâu rồi, tôi không có tin tức về Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo, nhưng tôi tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào cô cũng có quyền kiêu hãnh hát: “Với đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng ngày. Khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên. Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời. Tiếng ru thuở còn trong nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi”.