Ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả là người đưa ra quyết định làm thương hiệu “Gạo sữa Dương Xuân Quả” trên cánh đồng 8 ha này, cho biết: Giống lúa OM 4900 đã có hơn 10 năm rồi. Tôi sấy loại lúa này đạt tới 97% gạo nguyên mà lại chuyển màu đục như nếp nên mới đặt tên là gạo sữa. Hương vị hạt cơm thơm, mềm, ngọt và để hai ngày không ôi thiu. Tôi thấy nó có những ưu việt như vậy nên mới bắt tay vào làm thương hiệu gạo sữa".
Khi mới bắt tay vào làm ông chỉ lấy lúa của nông dân sản xuất bình thường, từ đó đã bán ra thị trường được 45 tấn. Sau ông suy nghĩ phải nâng tầm giá trị hạt gạo và trồng theo quy trình không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV.
Kết quả 3 tháng ông đã thành công. Ruộng không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV mà năng suất đạt 7 tấn/ha. Lúa này cắt về đưa vào lò sấy hai ngày đêm cho ra hạt gạo đục như nếp, khô dưới 10% ẩm độ.
Hiện nay, gạo sản xuất theo quy trình này có giá bán là 25.000 – 26.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, ông Năm Nhã đã nhờ Viện Khoa học công nghệ sinh học miền Nam tư vấn dùng Vôi Lân Địa Long. Theo đó, ông không phải dùng đến phân hóa học và thuốc BVTV. Hiện nay, một số tỉnh, HTX đến tham quan học hỏi đã đánh giá rất cao mô hình này.
Giữ mùi thơm và năng suất
GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL - tác giả giống lúa OM 4900 cho biết: Giống OM 4900 được lai tạo từ năm 2005 và được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2009. Đây là giống lúa phẩm chất gạo thơm xuất khẩu, năng suất cao.
Lúa OM 4900 khi sấy cho ra hạt đục, vì thế bà con và doanh nghiệp hay gọi là lài sữa hoặc lài thơm. Nguồn gốc của giống OM 4900 được lai với phương pháp cổ truyền áp dụng với giống bố là Jasmine 85 và giống mẹ là C53 (Lemont).
Về quy trình canh tác, OM 4900 cũng giống như các giống lúa khác, nhưng ở đây có sự khác biệt là không sử dụng phân hóa học mà thay thế sử dụng phân Vôi Địa Long. Đây là mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả trên diện tích 8ha, phẩm chất gạo vẫn giữ được mùi thơm.
Trên cánh đồng này tuy mới dùng thử nghiệm phân bón Địa Long vụ đầu tiên, nhưng chúng tôi thấy nó hiệu quả về năng suất đạt trên 7 tấn/ha. Thứ hai, hạn chế được sâu bệnh và giữ được phẩm chất gạo thơm đó là điều rất quan trọng.
Có thể mở rộng diện tích trồng giống lúa này rộng khắp được không? GS.TS. Nguyễn Thị Lang cho biết: Giống OM 4900 đã phổ rộng trồng được khắp cả nước. Đặc biệt, đến nay giống này đã hơn 10 năm mà vẫn còn phát triển rất tốt.
Riêng huyện Phú Tân (An Giang) chuyên trồng nếp thì cũng có thể nhân rộng mô hình này ra. Có thể luân phiên làm 2 vụ lúa nếp và 1 vụ lúa tẻ, hoặc ngược lại. Làm sao cho hạn chế được dịch bệnh và đa dạng hóa nguồn gạo để phục vụ cho người tiêu dùng.
Đến lúc chúng ta phải thay đổi
Có mặt trên cánh đồng lúa 8 ha tại xã Phú Xuân, huyện Phú Tân (An Giang) đúng ngày thu hoạch, GS.TS. Võ Tòng Xuân chia sẻ: Phú Tân và nguyên dải các cù lao nhỏ nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu là vùng đất suốt hơn 40 năm qua sản xuất rất thâm canh.
Nơi đây, có thể điều tiết được nguồn nước nên các giống lúa ngắn ngày, cao sản được đem tới phát triển. Đây là cái nôi vùng lúa thâm canh nhất vùng ĐBSCL.
Trong thâm canh, bà con nông dân sử dụng rất nhiều phân hóa học. Vì khi bón phân hóa học ta thấy năng suất tăng lên rõ rệt. Nhưng qua các kết quả nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, An Giang đều cho thấy rằng, trong hơn 20 năm qua bà con nông dân mùa sau vẫn phải bón phân và xịt thuốc nhiều hơn mùa trước. Hiện tượng này, bà con nông dân gọi là đất chai. Để giữ cho năng suất được ổn định bà con phải tốn thêm tiền đầu tư cho cây lúa.
GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết: Qua số liệu của các cơ quan khoa học, giá thành để sản xuất được 1 kg lúa lên đến 3.800 – 4.000 đồng/kg. Trong khi giá lúa thương lái mua 4.300 - 4.500 đồng/kg thì lời không đáng kể.
Sau này, nhiều bà con đã nhận thấy vấn đề và thay đổi cách sử dụng phân bón. Hiện nay, có những sản phẩm phân bón cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cây với giá thành sản xuất chỉ đến 2.200 - 2.500 đồng/kg lúa và sản lượng đạt 6-7 tấn/ha.
Đất vùng ĐBSCL nói chung, nhất là vùng thâm canh nói riêng, đã kinh qua một thời gian dài do bón phân không cân đối. Sử dụng phân hóa học, nhất là phân đạm, phân urê quá nhiều khiến cây lúa mỗi ngày phải đào sâu để rút lên các dưỡng chất vi lượng.
Vì vậy, mỗi ngày chất vi lượng càng thiếu đi và cuối cùng nó hết. Khi nó hết cái gì sẽ xảy ra? Thứ nhất, trong đất không còn các chất vi lượng là đúng, nhưng quan trọng nó không còn các loại vi sinh vật hữu ích để cây lúa hấp thụ nên thân cây để đối kháng được các loại sâu bệnh.
GS.TS. Võ Tòng Xuân ví von: Cũng giống như con người, nếu không tiêm chủng ngừa thì dễ bị bệnh. Cây lúa bây giờ cũng vậy, suốt thời gian dài 40 năm qua bà con nông dân lạm dụng hóa học nhiều quá thì các loại vi sinh vật ở trong đất tiêu tan. Trên mặt ruộng cũng tiêu tan, các con thiên địch bị thuốc BVTV xịt chết hết, thành ra cây lúa bây giờ không có cái gì tự nhiên để nó tự bảo vệ được hết.
Hiện một số bà con nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, phân vi sinh, phân khoáng có nhiều chất vi lượng trả lại cho đất tốt hơn.
Cụ thể ở vùng này, anh Năm Nhã đã mạnh dạn sử dụng Vôi Lân Địa Long là một quyết định rất đúng. Bởi vì đây là vùng đất nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, vùng này sản xuất 3 vụ không có phù sa đổ làm đất cằn cỗi. Khi sử dụng phân bón Địa Long và Vôi Lân Địa Long đã làm cho đất lấy lại được sinh lực của nó.
Nhổ bụi lúa lên nhìn bộ rễ trắng khỏe, GS.TS. Võ Tòng Xuân nói: Chứng tỏ trong đất có đầy đủ các dưỡng chất vi lượng, trung lượng. Khi có nhiều vi sinh vật rễ lúa mạnh hơn, hấp thụ sẵn nên có sâu bệnh gì thì nó sẽ đối kháng diệt các mầm bệnh một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, làm cho giá thành sản xuất 1kg lúa thấp xuống. Quan trọng hơn nữa là chất lượng hạt gạo ngon hơn vì không có hóa chất. Đây là một điển hình cho bà con nông dân.
Chia sẻ ở tầm vĩ mô GS.TS. Võ Tòng Xuân nói: Việt Nam chúng ta vừa ký với Châu Âu Hiệp định thương mại tự do thì đây là giải pháp cho bà con nông dân. Nếu chúng ta cứ làm theo kiểu cũ bón quá nhiều phân hóa học, nhất là lúc cây lúa vừa trổ phải xịt thuốc rất độc chống lại đạo ôn cổ bông thì gạo đó đưa qua Châu Âu sẽ bị trả về.
Đây là lúc bà con cần phải quan tâm cho sản phẩm của mình không bị chê trong nước và khi xuất khẩu không bị trả về. Chúng ta nên chuyển sang dùng các sản phẩm sinh học, các chất khoáng tự nhiên như mô hình phân bón Địa Long trên cánh đồng 8 ha này.
Gạo thêm ngon từ nguồn dinh dưỡng của đất
Ông Dương Hùng Đỗ, Chủ tịch Viện Công nghệ sinh học miền Nam - người trực tiếp tư vấn sử dụng phân bón trên cánh đồng này giải thích: Chúng ta cần phân biệt hai loại sản phẩm phân bón Địa Long và Vôi Lân Địa Long. Một vụ mùa chúng ta chỉ cần bón hai lần là xong không cần bón thêm gì nữa. Cụ thể, trước khi sạ ta bón Vôi Lân Địa Long và sau khi sạ 15 - 20 ngày dùng phân bón Địa Long.
Thứ nhất, dùng Vôi Lân Địa Long để trả lại những gì cây lấy đi của đất để cải tạo lại môi trường đất. Còn việc ngâm Vôi Lân Địa Long phun trên lá sẽ thay thế được thuốc BVTV. Vôi Lân Địa Long sẽ làm cho lá lúa đứng lên, hấp thu năng lượng cao hơn để chuyển hóa ion tốt hơn, lượng sâu bệnh sẽ giảm. Đặc biệt, lá đài cây lúa đến khi lúa chín rồi mà vẫn còn xanh thì lép cổ bông không còn.
Về công thức pha chế để phun như sau: 100 lít nước pha 16kg Vôi Lân Địa Long, để lắng lấy nước pha với bình 25 lít cộng 2 trứng gà và 2 hộp sữa Vinamilk khuấy đều lên cho vào bình phun trên cây lúa. Cứ thế phun 4 cử trong suốt mùa vụ.
Dung dịch này, nó cung cấp một nguồn dinh dưỡng trực tiếp qua khí khổng giúp bản lá to lên hấp thu năng lượng nhiều hơn. Đặc biệt, nó diệt được một số loại sâu ăn lá, cuốn lá và nhện đỏ.
"Trong Vôi Lân Địa Long có 3 loại vi sinh vật rất tốt cho môi trường đất: một là cenllulose, hai là cố định đạm, ba là phân giải lân khó tan để cung cấp thêm vi sinh vật vào trong đất. Đặc biệt, hai vật liệu sinh phèn khống chế, chuyển hóa từ dạng khó tiêu sang dễ tiêu. Chính vì vậy, cây lấy được dinh dưỡng rất nhiều, hạt gạo có thể đạt được trên 45 nguyên tố hóa học đất tạo ra nguồn dinh dưỡng rất tốt", ông Dương Hùng Đỗ.