* Thủy điện tiếp tục được ưu tiên phát triển
Đại diện Bộ Công thương sáng 19/3 cho biết, giá điện thời gian tới sẽ được điều chỉnh để tiệm cận giá thị trường, phản ánh đúng chi phí trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối.
Cải cách thị trường điện – câu chuyện dài
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020.
Mặc dù vậy, theo ông Hưng, hiện nay, phần lớn các nguồn năng lượng thủy điện cơ bản đã được khai thác hết. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tối ưu vận hành các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang thủy điện để đạt tối đa khả năng khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện.
Tuy nhiên, tại hội thảo về cải cách thị trường điện và thủy điện, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề xóa độc quyền của ngành điện vẫn là một câu chuyện dài. Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty Phát triển năng lượng Sơn Vũ cho hay, việc phát điện cạnh tranh cần phải có cơ chế hợp lý chứ như hiện nay không cân sức cân tài.
“Như lên võ đài hạng cân đấu phải bằng nhau chứ không thể hạng cân lớn đấu với hạng cân nhỏ. Đơn cử việc đầu tư nhà máy thủy điện, các nhà máy thủy điện lớn của nhà nước như: Thủy điện Hòa Bình, Yaly… được đầu tư xây dựng đã lâu hết khấu hao, còn một số nhà máy mới như Sơn La, Lai Châu... được đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài như vốn ODA, ADB được nhà nước bảo lãnh.
Còn ngược lại các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng thương mại đến 70 - 80% và lãi suất lại cao không được ưu đãi. Từ nguồn vốn khác nhau dẫn đến giá thành sản xuất của nhà máy thủy điện nhỏ và vừa sẽ cao hơn nhà máy thủy điện lớn của nhà nước”, ông Ngọc nói.
Về vấn đề giá điện, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới giá điện phải tiệm cận được với giá thị trường, phản ánh đúng được với chi phí thực của các khâu sản xuất, truyền tải cũng như phân phối. Còn đối với những hộ nghèo, Chính phủ sẽ có chương trình hỗ trợ riêng.
Cũng theo ông Phúc, hiện nay, theo quy định của Chính phủ, giá điện tăng trên 10% sẽ phải xin ý kiến của Thủ tướng trước khi điều chỉnh, còn ở mức dưới mức này, EVN được phép điều chỉnh, nhưng dưới sự kiểm soát của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. “Mặc dù vậy, đến thời điểm này, Bộ Công thương chưa nhận được phương án nào về việc điều chỉnh giá điện của EVN”, ông Phúc chia sẻ.
Thủy điện vẫn được ưu tiên phát triển
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm. Trong đó, miền Bắc chiếm khoảng 60%, miền Trung chiếm khoảng 27% và miền Nam chiếm khoảng 13%.
Đánh giá của Bộ TN-MT cho thấy, các hồ thủy điện sẽ chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56 tỷ m3 trong tổng số 65 tỷ m3). Đây là nguồn dung tích trữ nước cực kỳ quan trọng, trong những năm qua đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo chủ động điều tiết cấp nước và chống, giảm lũ cho hạ du, đặc biệt là khu vực miền Bắc.
Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ), một số cơ sở hạ tầng KT-XH như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trong các khu vực tái định cư được nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ và kiên cố, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH và văn hóa cho người dân địa phương.
Mặc dù vậy, việc đầu tư xây dựng các DATĐ cũng đã gây ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực dự án, đời sống sản xuất của nhân dân vùng tái định cư chưa được ổn định và phát triển bền vững, chiếm dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng.
Điều này, phần nào làm thu hẹp không gian sống, ảnh hưởng tới phong tục tập quán, văn hóa của người dân bản địa và tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội. Đây là những vấn đề lớn còn tồn tại và cần phải tiếp tục giải quyết, đặc biệt là tại các DATĐ vừa và lớn.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương, Việt Nam là quốc gia thiếu nước, vì vậy việc xây dựng các hồ chứa lợi dụng tổng hợp, thủy điện kết hợp thủy lợi vẫn được ưu tiên phát triển.
Cũng theo Bộ Công thương, để đảm bảo phát triển thủy điện một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường – xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, các nhà máy thủy điện vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, cắt giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực đối với hạ du.
“Cùng với đó, nghiên cứu ban hành quy định về giám sát thực hiện công tác bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ du các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa kiệt trên các lưu vực sông, tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành các công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho công trình, người dân”, ông Hưng nói.