| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai 'đặt cược' cho 20.000ha chanh leo

Thứ Hai 02/01/2023 , 09:00 (GMT+7)

Vượt qua những năm đại dịch, ngành chanh leo tỉnh Gia Lai đã có một năm tỏa sáng, với những bứt phá ngoạn mục cả về năng suất, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.

z3959662281309_7a5b52d97279f82510aa9ab9f0155b67

Chị Nguyễn Thị Nữ bên vườn chanh leo trĩu quả, được trồng từ giống Thông Đỏ. Ảnh: Đăng Lâm.

“Sàn diễn” của các doanh nghiệp lớn

Ngay giữa thời kỳ cao điểm dịch Covid-19, vào tháng 5/2021, Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 12.000m2 nhà màng tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Đây là Trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, mà chủ lực là giống chanh leo.

Đến tháng 12/2021, Trung tâm này đã được đưa vào khai thác sản suất kinh doanh, với công suất 5 triệu cây giống chanh leo/năm. Từ đây, giống chanh leo chất lượng cao mang thương hiệu Thông Đỏ đã có mặt ở hầu khắp địa bàn Tây Nguyên, mà chủ lực là các địa phương thuộc tỉnh Gia Lai.

Giai đoạn 2 cũng đã kịp hoàn thành ngay sau đó, nâng tổng quy mô diện tích nhà màng lên 30.000m2, đã  đưa vào hoạt động vào tháng 12/2022. Hiện trung tâm này có khả năng cung ứng ra thị trường 11 triệu cây giống chanh leo/năm. Giai đoạn 3 của Dự án đã khởi công từ ngày 19/10/2022, nâng tổng diện tích nhà màng và các khu chức năng liên quan lên gần 60.000m2, kế hoạch đến tháng 3/2023 hoàn thành và đưa vào vận hành sản xuất, với công suất cung ứng ra thị trường khoảng 16 triệu cây giống/ năm...

Ông Lê Văn Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ cho biết, Trung tâm đã và đang ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại được chuyển giao từ Đài Loan. Diện tích của Trung tâm ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, không những thị trường trong nước mà còn xuất khẩu giống chanh leo chất lượng cao sang Lào, Trung Quốc…

Nhận xét về giống chanh leo Thông Đỏ, nông dân Ngô Sỹ Linh (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai) cho biết: “Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với giống chanh leo tốt như thế này. Tôi trồng 4.000m2 chanh leo, vườn hiện tại đã được 8 tháng, năng suất đã đạt được trên 15 tấn”.

Còn chị Nguyễn Thị Nữ (làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) thì không giấu nổi niềm vui, bởi 1 ha chanh leo của chị trồng từ giống Thông Đỏ, vườn 7 tháng tuổi đã thu được 35 tấn quả. “Quả rất to, đều, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, chị Nữ cho biết.

Hiện Thông Đỏ đã có trên 50 đại lý cấp 1, tham gia cung ứng giống chanh leo trên địa bàn Tây Nguyên.

z3958909837558_64a9be866a9239c89db5506a052912be

Vườn ươm giống chanh leo chất lượng cao của Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ tại huyện Chư Pưh, Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng tại Gia Lai, Tập đoàn Đồng Giao đã đặt nhà máy với tên gọi Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai). Năm 2022, đơn vị này dự kiến sản xuất được 1.000.000 cây giống, cung cấp cho các hộ nông dân và đầu mối cung cấp sản phẩm chanh quả cho Doveco tại Tây nguyên, Sơn La, Lai Châu…

Năm 2022, Doveco Gia Lai đã thu mua được 35.000 tấn quả chanh leo, giá thu mua tăng từ 50 - 60% so với năm 2021, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu do thị trường thế giới có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là từ khi có Hiệp định EVFTA với EU và Nghị định thư với Trung Quốc.

Cũng trong năm 2022, sản lượng, doanh thu từ xuất khẩu chanh leo của đơn vị tăng 125%. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt từ khi có Nghị định thư tăng 137%.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai, cho biết: “Thị trường Trung Quốc có sực tiêu thụ lớn sản phẩm ruột chanh leo đông lạnh. Đây là một trong những thị trường chính của Doveco xuất khẩu các sản phẩm chanh leo chế biến. Đặc biệt kể từ khi có Nghị định thư, sản lượng xuất khẩu chanh chế biến và chanh quả đã tăng xấp xỉ 137%”.

Hướng đến 20.000ha chanh leo vào năm 2025

Tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối nông sản” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Gia Lai vào ngày 8/6/2022, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã đưa ra một bức tranh nông sản đa màu sắc, trong đó phát triển cây ăn quả giữ vai trò quan trọng. Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 21.500ha cây ăn quả, riêng chanh leo có khoảng 4.500ha. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh này sẽ đưa diện tích chanh leo toàn tỉnh lên 20.000ha, trở thành “thủ phủ” chanh leo của cả nước.

z3958943961730_29755b2eae02e5765c822f6a5cf5d02e

Công nhân làm việc tại Doveco Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Không phải ngẫu nhiên hoặc “liều” mà tỉnh Gia Lai đặt ra mục tiêu như trên cho cây chanh leo. Với Việt Nam, chanh leo là một loại cây trồng tương đối mới, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn, nhưng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đang nằm ở tốp đầu thế giới.

Riêng với Gia Lai, thiên nhiên đã biệt đãi cho vùng đất này có điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn và màu mỡ, phù hợp với việc phát triển những cánh đồng chanh leo lớn. Theo đó những năm gần đây, cây chanh leo đã dần khẳng định được vị thế của mình đối với nông dân trên địa bàn tỉnh. Không ít hộ dân đã phất lên nhờ trồng chanh leo. Để thấy rằng, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên hay “liều” khi mà tỉnh này đặt ra mục tiêu 20.000ha chanh leo vào năm 2025.

Mục tiêu 20.000ha chanh leo đến năm 2025 của tỉnh Gia Lai hoàn toàn dựa trên những cơ sở khoa học, dựa trên những tiềm năng sẵn có của tỉnh này. Gia Lai là một trong những vùng trọng điểm trồng chanh leo của cả nước. Với lợi thế sẵn có như đất đai màu mỡ và rộng lớn, nông dân đã làm quen với các kỹ thuật canh tác cây chanh leo… thì mục tiêu phát triển diện tích chanh leo như trên là hoàn toàn có thể.

“Để cây chanh leo phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên cần chú ý đến một số vấn đề như mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở; phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến”, ông Lưu Trung Nghĩa, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết.

z3959427238546_a80b5b130a77c01051aa78c8789a9e12

Chanh leo Gia Lai đang khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo đó, tỉnh Gia Lai đã có chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Riêng chanh leo sẽ phát triển từ 4.500 ha hiện có lên 20.000 ha vào năm 2025, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận cao, từ 350-400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào hai loại cây chủ lực là chanh leo và chuối. Với cây chanh leo, hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, các giải pháp tích cực cũng được tỉnh chú trọng xây dựng như quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn… mục đích không nằm ngoài việc phát triển cây ăn quả một cách bền vững, trong đó có sản phẩm chanh leo.

“Qua việc tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và phòng chống dịch bệnh, chanh leo Gia Lai đã đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định khắt khe nhất tại các thị trường quốc tế. Đến nay, trình độ sản xuất của người dân đã được nâng cao, năng suất tăng và đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng”, ông Nghĩa chia sẻ. 

Với năng suất bình quân hiện tại khoảng 40 tấn/ha, và với khoảng 4.000ha đã cho thu hoạch thì mỗi năm, Gia Lai có sản lượng chanh leo khoảng 160 ngàn tấn sản phẩm. Chưa kể định hướng phát triển lên 20.000ha chanh leo vào năm 2025.

“Tuy nhiên, để cây chanh leo phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, nhất thiết cần phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - hợp tác xã với bà con nông dân, từ khâu giống, phân bón, thu mua, chế biến và xuất khẩu”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.