Trung Quốc đã đồng ý cho nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam. Chanh leo là quả thứ 10 của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
“TẤT BẬT CHO XUẤT KHẨU CHANH LEO CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC”
Từ tháng 7/2022, Trung Quốc đã đồng ý cho nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam. Chanh leo là quả thứ 10 của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước mắt Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 của khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây. Để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc, chính quyền địa phương các tỉnh, doanh nghiệp, người dân đã đồng loạt thực hiện nhiều nhiệm vụ như xây dựng mã số vùng trồng, quy trình sản xuất đạt chuẩn để đưa quả chanh leo tươi vào thị trường này.
Ông Lê Văn Trọng Đức (ngụ xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk).
Gia đình trồng được 1 ha chanh leo trên diện tích hồ tiêu bị chết. Năng suất bình quân 50 tấn/ha cho 2 vụ. Trồng chanh leo có nhiều vấn đề về thuốc, phân. Hiện tại vườn đang canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học. Để đủ điều kiện xuất khẩu thì chúng ta cũng nên làm theo yêu cầu của nhà thu mua.
Những vườn chanh leo xanh mướt, đang đợt thu hoạch của các thành viên HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Xuân. Hiện HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Xuân đang liên kết với Công ty Cổ phần XNK Nông sản Phước An để hoàn tất các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng bền vững.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk.
Một trong những tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây tươi vào Trung Quốc là xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, các vấn đề kiểm soát sinh vật gây hại, lưu trữ hồ sơ…. Không chỉ đến bây giờ mà trước đây khi có Luật Trồng trọt ra đời cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn để bà con nông dân nhận được tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc. Sau khi Trung Quốc thông báo cho phép nhập khẩu thí điểm quả chanh leo từ Việt Nam thì việc này cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người sản xuất, người thu mua nắm bắt được các quy định cụ thể của Hải quan Trung Quốc. Đây mới là điều kiện cần, còn lại điều kiện đủ là chúng ta phải sản xuất đảm bảo an toàn. Việc này phải làm đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến.
Tây Nguyên là khu vực có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển chanh leo. Tuy nhiên, lâu nay người dân trồng chanh leo đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Trung Quốc thí điểm nhập khẩu quả chanh leo tươi đây là cơ hội, cũng như thách thức cho mặt hàng nông sản này. Hiện nay, chính quyền, doanh nghiệp, người dân đang tất bật chuẩn bị các bước để đưa quả chanh leo tươi sang thị trường Trung Quốc. Với bước đi mới này, người trồng chanh leo hy vọng mặt hàng này sẽ nâng cao kinh tế, giúp cho nông dân là giàu trên chính mảnh đất quê hương.