| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Khôi phục, phát triển rừng bằng nhiều cây bản địa quý

Thứ Tư 02/07/2008 , 10:00 (GMT+7)

Khoảng mười năm trở lại đây, các lâm trường triển khai mô hình khôi phục, phát triển rừng tự nhiên bằng các loại cây bản địa, bước đầu một số diện tích rừng đã khép tán và phát huy hiệu quả.

Thời gian qua đã có một số cơ sở nghiên cứu và sản xuất kinh doanh thử nghiệm khôi phục, làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa, trong đó phải kể đến Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (TTLNNÐ) thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT Gia Lai.

Chăm sóc rừng trồng

Giổi: Đi qua các lâm trường KaNác, Sông Kôn..., ta dễ nhận ra những băng, đám rừng phủ mầu xanh của loài giổi. Tuy mỗi nơi có diện tích từ 100 đến 300 ha trồng khảo nghiệm nhưng bước đầu cho thấy triển vọng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và giá trị kinh tế của loại cây này. Theo các nhà chuyên môn, giổi là loại cây cao (hơn 30 m), đường kính thân gỗ thường 60 - 80 cm, gỗ giổi được dùng làm nhà cửa ở nông thôn, đồng thời sản xuất tủ, giường, bàn ghế, chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ đời sống xã hội. Ở nước ta, giổi có nhiều loại: giổi tượng, giổi xanh, giổi nhung, giổi lá dầu, giổi lông. Nó thích hợp trên nhiều loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau, trong đó đất Feralít đỏ vàng, nâu đỏ, xám vàng như vùng Tây Nguyên là điều kiện cho phát triển cây giổi.

Quế: Quế là cây có nhiều công dụng, vỏ quế chứa tinh dầu, có thể làm thuốc, gỗ được sử dụng làm ván nhân tạo, hay làm giàn giáo xây dựng. Loài cây này trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng cho năng suất cao vẫn là đất Feralít đỏ, đất thịt nhẹ đến trung bình, giàu chất mùn và kali. Theo các cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, quế có thể được trồng thuần loại, hoặc trồng xen lẫn với cây khác. Tại một số lâm trường tỉnh Gia Lai cách đây 6-7 năm, cây quế đã được TTLNNÐ trồng hỗn giao với giổi. Cách trồng này, thực tế cho thấy hai loại cây giổi và quế sinh trưởng bình thường. Sự cạnh tranh về dinh dưỡng không ảnh hưởng nhau là mấy. Bởi cây giổi lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất sâu, còn quế sử dụng thức ăn ở đất mặt. Tuy nhiên điều cần lưu ý, nếu trồng hỗn giao trên đất bị mất rừng thì mật độ trên một ha thường trồng 2.000 cây quế + 500 cây giổi.

Dầu rái: Cũng là loại cây bản địa Tây Nguyên, dầu rái được trồng thử nghiệm ở cả hai vùng đông Trường Sơn và tây Trường Sơn có nhiệt độ trung bình hằng năm tương ứng chỉ có điều mùa khô hạn giữa hai vùng có sự khác nhau. Khảo nghiệm của các nhà chuyên môn cho thấy, khôi phục và phát triển rừng địa bàn này bằng cây dầu rái theo phương thức băng chặt rộng đối với đất trống, đồi núi trọc (mật độ 500 cây/ha với đông Trường Sơn) và trồng hỗn giao với các loại cây khác trên đất rừng bị thoái hóa (mật độ hơn 1.000 cây/ha với tây Trường Sơn). Dầu rái là loại cây gỗ cao lớn, sinh trưởng nhanh (chiều cao đạt 1 - 1,5 m/năm, đường kính 1,5 - 2 cm/năm); gỗ thường được dùng trong xây dựng làm ván nhân tạo và có giá trị xuất khẩu cao.

Hông: Là cây thân gỗ, cao tới 20 m, đường kính 30-40 cm, được trồng thử nghiệm tại Lâm trường Mang yang II và Kon Chro, Chư Prông, Pleiku. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Cây hông thích hợp với trồng xen theo mô hình nông - lâm kết hợp.

Ngoài ra còn có các loại cây như xoan mộc, gáo vàng, gòn mò cua... cũng được Sở NN-PTNT Gia Lai chú ý gây trồng. Đã có đề tài Nghiên cứu đặc tính sinh học và xây dựng quy trình kỹ thuật gieo ươm góp phần có thêm nguồn giống mới, phù hợp với điều kiện địa phương và đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Việc khôi phục, phát triển để nâng cao độ che phủ của rừng là vấn đề cấp thiết. Đặc biệt chú trọng các loại cây bản địa phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Ngoài chức năng cung cấp gỗ, củi và các loại động, thực vật quý hiếm, nó còn đóng vai trò chủ đạo trong phòng hộ, chống xói mòn, rửa trôi đất, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. Vấn đề cần phải quan tâm là, cùng với việc nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khôi phục và phát triển vốn rừng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp ở địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là tình trạng di cư tự do- một trong những nguyên nhân rừng bị chặt phá thì tài nguyên rừng mới phát triển bền vững.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất