| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 11/07/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 11/07/2018

Giá như cơ quan nào cũng làm như Bộ Tài chính thì... dân được nhờ!

Từ năm 2013 đến cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được trên 2.800 đầu mối, và 6 tháng đầu năm 2018 này, cũng cắt giảm được 293 đầu mối.

Giảm mạnh nhất là Kho bạc Nhà nước, giảm 2.000 đầu mối đơn vị cấp phòng và cấp tổ, đội tại cục và chi cục địa phương. Tiếp theo là Tổng cục Thuế với 700 đầu mối. Tổng cục Hải quan giảm được 13 đầu mối cấp phòng thuộc vụ, thuộc tổng cục, các cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố cũng giảm được 37 phòng.

Bộ Tài chính là một bộ lớn, có số đầu mối thuộc loại nhiều nhất trong các cơ quan cấp Bộ và ngang Bộ (Ảnh minh họa)

Những kết quả đó thật đáng khích lệ. Bộ Tài chính là một bộ lớn, có số đầu mối thuộc loại nhiều nhất trong các cơ quan cấp Bộ và ngang Bộ. Giảm đi được một đầu mối là bớt đi được rất nhiều cán bộ, từ người đứng đầu đến các nhân viên. Nếu tính bình quân mỗi đầu mối có 10 người, thì giảm hơn 2.800 đầu mối, số người giảm đi sẽ là hơn 28.000 người. Và nếu lương bình quân cho mỗi người một tháng là 10 triệu đồng, thì một năm, nhà nước tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.

Ai cũng biết, hàng năm, số tiền chi thường xuyên, tức là số tiền phải chi để nuôi bộ máy hành chính ngốn mất trên dưới 70% thu ngân sách. Số còn lại, phải dành một phần không nhỏ để trả nợ nước ngoài. Vì vậy, số tiền để chi cho đầu tư phát triển chẳng còn lại bao nhiêu. Ngân sách năm nào cũng bội chi, có nguồn gốc từ số công chức viên chức quá đông này.

Chi thường xuyên nhiều, nhưng bộ máy lại song trùng, cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả. Số công chức “cắp ô” khá đông. Vì vậy, yêu cầu phải tinh gọn, giảm đầu mối, đơn giản hóa bộ máy hành chính, khiến bộ máy đó trở nên năng động hơn, tinh nhuệ hơn, từ lâu, đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Và thực tế đã chỉ ra, bộ máy càng gọn nhẹ, các đầu mối càng giảm, thì càng hiệu quả hơn.

“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” là vậy. Hơn một lần từ Trung ương Đảng, Quốc hội đến Chính phủ đã ban hành từ nghị quyết đến nghị định về tinh giản biên chế. Nhưng số biên chế giảm được luôn luôn ít hơn số biên chế tăng lên, chỉ vì đụng đâu vướng đó. Ngay mới đây thôi, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội Tô Phán đã phải kêu lên: “Hơn 40% cán bộ, nhân viên của đài không làm được việc. Nhưng không thể đuổi được vì toàn con ông nọ, cháu bà kia”. Trong hoàn cảnh đó, làm được như Bộ Tài chính là một cố gắng lớn, một quyết tâm rất cao.

Bộ Tài chính đã vậy, còn các Bộ khác thì sao? Chúng ta có hơn 20 Bộ, Ngành và cơ quan ngang Bộ. Có thể nói nếu rà soát theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thì cơ quan nào cũng thừa, cũng có những đầu mối cần giảm. Nếu tất cả đều làm được như Bộ Tài chính, thì chắc chắn số đầu mối, và theo đó là số lãnh đạo, nhân viên sẽ giảm được hàng trăm ngàn người. Số tiền chi thường xuyên sẽ giảm đi đáng kể. Mà một khi số tiền chi thường xuyên giảm, thì số tiền dành cho đầu tư phát triển sẽ tăng lên.