| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 11/10/2021 , 08:25 (GMT+7)
Lê Thanh Tùng

Lê Thanh Tùng

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt 08:25 - 11/10/2021

Giá phân bón cao gây áp lực lớn cho vụ đông xuân

Giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh tế từ hạt lúa ở các vụ hè thu, thu đông và đang gây mối lo lớn cho vụ đông xuân.

Chưa bao giờ vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại phải đối mặt với nhiều thách thức như vụ đông xuân 2021-2022. Mấy năm gần đây, vụ đông xuân thường chỉ đối mặt với một thách thức lớn là nguy cơ xâm nhập mặn, hạn hán vào cuối vụ.

Nhưng vụ đông xuân 2021-2022 phải đối mặt với 4 thách thức lớn là đại dịch Covid-19, nguy cơ xâm nhập mặn, giá phân bón liên tục tăng cao và không thể đoán định được thị trường ở thời điểm bước vào thu hoạch rộ do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo sự thành công cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm này như đẩy mạnh xuống giống sớm để phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán, tạo điều kiện cho nông dân ra đồng vừa sản xuất vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh…

Với kinh nghiệm thành công từ những vụ đông xuân trước và tình hình xuống giống như hiện nay, có thể hy vọng sẽ lại có một vụ đông xuân thành công về mặt sản xuất.

Tuy nhiên, để giải được bài toán về hiệu quả sản xuất cho người nông dân lại là một vấn đề nan giải và nằm ngoài khả năng của ngành nông nghiệp, nhất là khi giá các loại phân bón chủ lực như urea, DAP, kali… đang tăng không ngừng. Các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất đã được Cục Trồng trọt và ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố tích cực khuyến cáo, hướng dẫn cho nông dân như thay thế DAP bằng các phân đơn urea, phân lân nung chảy hoặc super lân, giảm lượng giống gieo sạ…

Nếu nông dân quan tâm, áp dụng được các biện pháp kỹ thuật như trên, có thể giảm giá thành sản xuất lúa được khoảng vài trăm đồng/kg lúa. Tuy nhiên, với việc giá phân bón tăng phi mã như trong thời gian qua, nỗ lực này đang như “muối bỏ bể”. Bởi trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa. Với việc giá phân bón tăng liên tục, hiện tại chi phí cho phân bón có thể đã lên tới 40-50%

Giá phân bón lên quá cao, nhưng nông dân không thể ngừng xuống giống vụ đông xuân. Nếu không muốn phải lo ngại về giá phân bón hiện nay, nông dân có thể sản xuất theo kiểu không sử dụng phân bón. Nhưng sản xuất kiểu này thì năng suất rất thấp, chỉ khoảng 3-3,5 tấn/ha, thu hoạch xong bán đi chẳng được bao nhiêu tiền. Muốn có doanh thu cao hơn, nông dân vẫn phải sử dụng phân bón để đạt năng suất cao, với nỗi lo canh cánh không biết đến khi thu hoạch, giá lúa có bù lại được cho giá phân bón.

Mà do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên ở thời điểm này, không ai có thể mạnh dạn dự báo về giá lúa, về thị trường lúa gạo khi ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân. Thành ra, hiệu quả kinh tế của nông dân trồng lúa ĐBSCL vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ trong khi giá phân bón vẫn tăng lên không ngừng.

Bình luận mới nhất