Theo Bộ Công Thương, tại Hội nghị Thị trường thủy sản toàn cầu của Viện Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (NFI), các chuyên gia dự đoán sản lượng tôm toàn cầu năm 2022 tiếp tục xu hướng tăng, đạt 5,011 triệu tấn, tăng đáng kể so với mức 4,569 triệu tấn vào năm 2021 và 4,086 triệu tấn của năm 2020.
Các nước thuộc khu vực châu Á đang sản xuất khoảng 65% lượng tôm của thế giới; châu Mỹ sản xuất khoảng 30%. Trong đó, sản lượng tôm của Ecuador tăng trưởng ấn tượng lên mức hơn 1 triệu tấn vào năm 2021, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Sản lượng tôm của Ecuador tăng nhờ thay đổi công nghệ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Tại châu Á, sản lượng tôm của Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia đều tăng trưởng ổn định. Sản lượng tôm của 3 nước này chiếm 55% sản lượng tôm châu Á. Nếu tính cả Trung Quốc, tỷ trọng sẽ tăng lên 80%, nhưng sản lượng của Trung Quốc thường tiêu thụ trong nước.
Sản lượng tôm của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng bền vững trong năm 2022.
Theo Ngân hàng Thế giới, giá tôm trung bình năm 2022 dự báo tăng 7% so với năm 2021, lên 15 USD/kg. Giá cước vận chuyển cao, chi phí nhiên liệu hàng hải tăng và gián đoạn hậu cần, bao gồm tắc nghẽn tại các cảng biển và tình trạng thiếu tài xế xe tải ở Hoa Kỳ và châu Âu, có thể sẽ đẩy giá bán buôn tôm lên cao hơn nữa.
Năm 2021, giá tôm trung bình ở mức 12,7 USD/ kg, tăng 10% so với năm 2020. Chi phí hậu cần tăng là động lực chính cho mức tăng đột biến đó.
Từ tháng 1 đến quý 3 năm 2021, chi phí vận chuyển quốc tế từ châu Á đến Bắc Mỹ đối với container 20 feet và 40 feet đã tăng 500-700% (tương ứng ở mức 13 nghìn USD và 20 nghìn USD) do sự gián đoạn chuỗi cung ứng.