| Hotline: 0983.970.780

Giá trị con người Việt Nam tiếp tục khơi mở từ Đề cương Văn hóa

Thứ Hai 27/02/2023 , 17:39 (GMT+7)

Hội thảo ‘80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển’ nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa 1943.

1 hoi thao

Hội thảo được trực tuyến khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.

Kỷ niệm sự ra đời của Đề cương Văn hóa 1943, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương Văn hóa về Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” được khai mạc sáng 27/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội và trực tuyến khắp 63 đầu cầu tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa 1943, với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử. Hội thảo được 4 cơ quan là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Tổng cộng có 175 tham luận gửi đến tham gia Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương Văn hóa 1943, ngày nay chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, chúng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các thành tố, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến môi trường và đời sống văn hóa; từ di sản văn hóa, văn học nghệ thuật đến thể chế và thiết chế văn hóa, xây dựng và phát triển hệ giá trị mới của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Từ cách đặt vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị, ngày nay, chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc rằng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước; cần khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên, giá trị văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị gia đình Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thấm sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội”.

130731z4140634402699_74bd55f2afa4066045c9ef9c5a737994

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo.

Đề cương Văn hóa 1943, do đồng chí Trường Chinh (1907 - 1988) chủ trì biên soạn, với ba nguyên tắc cơ bản là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Vì vậy, Hội thảo “80 năm Đề cương Văn hóa về Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” tập trung phân tích hai vấn đề cốt lõi, thứ nhất là giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, thứ hai là văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá: “Tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương Văn hóa 1943, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương Văn hóa 1943, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.

Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ; công tác cán bộ của lĩnh vực văn hóa (quản lý văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ) chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được hài hòa. Bất cập trong cơ chế chính sách chưa cải thiện hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức, tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn, khoa học của Đề cương Văn hóa 1943 đã luôn tạo sức hút, sức thuyết phục và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Vì bản chất cốt lõi của văn hóa chính là “một mặt trận”, là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, là “sức mạnh nội sinh”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước” như Đề cương về văn hóa Việt Nam, cùng các văn kiện của Đảng đã khẳng định.

Đặc biệt, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt. Do đó, việc tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia, rõ ràng không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần phải là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương Văn hóa 1943”.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương Văn hóa 1943 tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay. Đề cương được xem như cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn thổi hơi nóng mang tính thời sự.

Trong đó, tinh thần của Đề cương cho thấy, còn mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc thì đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa luôn là vũ khí phê phán trọng yếu mà Đảng phải nắm lấy, sử dụng để bảo vệ chân lý, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của giai cấp và dân tộc, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái thoái bộ, cổ vũ và thúc đẩy giá trị chân thiện - mỹ, mở đường cho cách mạng xã hội; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn nghệ cách mạng, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là “văn nghệ độc lập với chính trị”, ra sức kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ qua không gian mạng.

Vì vậy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định đúng phương pháp đấu tranh từng đối tượng. Không gian mạng đang trở thành mặt trận chính của cuộc đấu tranh tư tưởng, văn hóa, văn nghệ mà chúng ta phải nắm lấy, giữ vững tính chủ động và tổ chức lực lượng đấu tranh một cách kiên quyết, đồng bộ thông qua cả đấu tranh chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý, hành chính.

1 ky yeu

Kỷ yếu hội thảo do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật ấn hành.

Ở góc độ khác, GS.TS Đinh Xuân Dũng chia sẻ: “Sau 80 năm nhìn lại, trong Đề cương có một số nhận định, đánh giá cụ thể chưa chính xác, cần điều chỉnh, bổ sung, nhưng giá trị lớn của Đề cương vừa có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943 - 1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, vừa có tầm nhìn như là sự khai phá mở đường, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa…

Vấn đề “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” trong Đề cương Văn hóa 1943 chính là việc phát hiện một quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Hay nói cách khác, đừng ai ảo tưởng rằng, làm xong cách mạng chính trị hay chỉ tập trung cho phát triển kinh tế đã là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Công cuộc cải tạo xã hội sau khi cách mạng chính trị thành công và trong khi đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế đòi hỏi một tư duy sâu sắc hơn nhiều, đó là, chỉ có thể hoàn thành triệt để công cuộc cải tạo đó bằng cách phải hoàn thành đồng thời cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mà Đề cương Văn hóa 1943 gọi là “ba mặt trận”.

Có thể nhận thấy rằng, sau 80 năm Đề cương ra đời, tuy có một số nhận định cụ thể đã bộc lộ hạn chế lịch sử của nó, nhưng luận điểm về tính tất yếu tiến hành cuộc vận động văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới vẫn giữ nguyên giá trị với ý nghĩa là một quy luật, một đòi hỏi mang tính khách quan và tính thời sự của nó”.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.