Di sản văn hóa độc đáo
Nằm bên bờ sông Đuống, làng Song Hồ (thị xã Thuận Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) không chỉ nổi danh với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ mà còn là biểu tượng của văn hóa và truyền thống lâu đời của người Việt. Những ngày cận Tết Nguyên đán, những không gian trưng bày tranh thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu.
Nhắc đến tranh Đông Hồ là nhắc đến một loại hình nghệ thuật độc đáo, được in từ ván khắc gỗ, sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong những người gắn bó lâu đời với nghề, để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ sáng tác mẫu, khắc ván, đến in ấn và tô màu. Đặc biệt, nguyên liệu làm nên tranh đều từ thiên nhiên, như giấy dó, vỏ con điệp, màu sắc chế từ hoa, lá, gỗ và than tre.
“Đến nay, những người làm tranh dân gian Đông Hồ vẫn giữ nguyên công thức phối màu truyền thống. Sắc vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ gỗ vang, màu trắng từ sò điệp, màu xanh từ lá chàm... Tất cả đều mang đậm chất thiên nhiên và hồn cốt dân tộc,” nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tự hào chia sẻ.
Tranh Đông Hồ không chỉ đẹp bởi màu sắc rực rỡ, hình ảnh sinh động mà còn bởi ý nghĩa sâu sắc mà mỗi tác phẩm truyền tải. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một lời chúc tốt lành, gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân.
Đó là tranh "Đàn lợn âm dương" thể hiện ước mong năm mới ấm no, sung túc; tranh "Vinh hoa - Phú quý" cầu chúc gia đình giàu sang, con đàn cháu đống; hay "Vinh quy bái tổ" gửi gắm khát vọng thành đạt và nhớ về cội nguồn.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ lại những phiên chợ tranh Tết khi ông còn nhỏ: “Khi đó, làng Đông Hồ có hơn 200 hộ gia đình của 17 dòng họ làm tranh. Các phiên chợ Tết diễn ra sôi động vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp. Ai cũng mong có vài bức tranh Đông Hồ treo trong nhà để đón Tết trọn vẹn.”.
Ngày nay, mặc dù phiên chợ tranh Tết truyền thống không còn, thú chơi tranh Đông Hồ vẫn được gìn giữ. Khách tham quan, du lịch và mua sắm tranh đổ về Đông Hồ ngày một đông, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Bà Nguyễn Minh Phương, con gái nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, chia sẻ: “Dịp này, người mua tranh tăng lên rõ rệt, nhưng giờ chúng tôi bán quanh năm nên không quá áp lực. Nguyên liệu cũng đã dự trữ sẵn hết rồi vì nó chỉ có theo mùa. Người mua không chỉ chọn tranh để treo Tết mà còn để làm quà tặng”.
Tranh Đông Hồ trong sắc xuân Tết Việt
Về Đông Hồ những ngày giáp Tết, không khí đối lập giữa sự tấp nập của hoạt động buôn bán vàng mã và sự tĩnh lặng, bình dị của làng tranh làm nao lòng bất kỳ ai ghé thăm. Những sân phơi giấy, những khu vực trưng bày tranh đậm chất mộc mạc nhưng không kém phần nghệ thuật, là điểm nhấn thu hút du khách.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và gia đình ông luôn sẵn sàng đón tiếp khách tham quan. Ông giới thiệu tận tình từng bức tranh, từng mẫu ván khắc, chia sẻ những câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm. “Chúng tôi không chỉ bán tranh mà còn muốn truyền tải giá trị văn hóa, giúp mọi người hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống của quê hương”, ông nói.
Bên cạnh việc giữ gìn dòng tranh truyền thống, nhiều nghệ nhân tại Đông Hồ cũng không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu hiện đại. Những bức tranh với kích thước và mẫu mã đa dạng, từ cổ điển đến hiện đại, đều được chăm chút tỉ mỉ, làm say lòng người yêu tranh. Nhiều gia đình còn kết hợp tranh Đông Hồ với các sản phẩm thủ công khác, tạo thành những bộ sưu tập độc đáo, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại, tranh Đông Hồ vẫn giữ được chỗ đứng vững chắc nhờ vào những nỗ lực của các nghệ nhân. Sự phát triển du lịch văn hóa tại Bắc Ninh cũng góp phần quan trọng trong việc quảng bá tranh Đông Hồ đến với công chúng trong và ngoài nước.
Các nghệ nhân đã có nhiều biện pháp hỗ trợ để bảo tồn và phát triển làng nghề. Các dự án khôi phục, truyền nghề và quảng bá sản phẩm tranh Đông Hồ được triển khai, nhằm đảm bảo thế hệ trẻ có thể kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm sự: “Mỗi bức tranh là một phần hồn của làng nghề. Tôi mong rằng không chỉ người dân Đông Hồ mà cả người Việt Nam sẽ luôn trân trọng và tự hào về di sản văn hóa này.”.
Mỗi dịp Tết đến, tranh Đông Hồ lại góp phần tô điểm thêm sắc xuân, mang đến niềm vui và hy vọng cho mọi gia đình. Những bức tranh không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là biểu tượng của sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai.
Đông Hồ hôm nay, mặc dù đã có nhiều thay đổi, vẫn giữ vững hồn cốt của một làng nghề truyền thống. Những bức tranh mang ý nghĩa sâu sắc, được tạo nên bởi đôi tay tài hoa của các nghệ nhân, mãi là niềm tự hào của người dân xứ Kinh Bắc.