Lễ vật cúng rằm tháng Chạp đầy đủ
Dưới đây là những lễ vật cần có trong mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp theo phong tục truyền thống.
- Hương và hoa: Đây là hai lễ vật không thể thiếu trong bất kỳ mâm cỗ cúng nào. Hương ượng trưng cho sự kết nối tâm linh, giúp truyền tải lời cầu nguyện đến thần linh và tổ tiên. Hoa tươi thể hiện cho sự tinh khiết, tươi mới và lòng thành kính.
- Đèn và nến thắp sáng có ý nghĩa cầu mong cho ánh sáng soi đường dẫn lối, mang lại bình an và hạnh phúc cho gia đình. Hai cây đèn hoặc hai ngọn nến được thắp lên ở hai bên bàn thờ là hình ảnh quen thuộc trong các nghi lễ.
- Mâm ngũ quả là thành phần không thể thiếu, tượng trưng cho nguyện ước một năm mới đầy đủ và sung túc. Thường thì mâm ngũ quả trên bàn thờ gồm có chuối, bưởi, quýt, mãng cầu và đu đủ. Tuy nhiên, tùy theo vùng miền, sở thích và khả năng mà gia đình có thể điều chỉnh cho phù hợp.
- Trầu cau là lễ vật truyền thống thể hiện lòng thành kính và sự gắn bó trong văn hóa Việt, được sắp xếp đẹp mắt.
- Rượu và nước: Dùng để mời tổ tiên và thần linh, thể hiện lòng thành, sự trọng thị.
- Mâm cỗ, có thể là cỗ chay hoặc mặn.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp cần những gì?
Tuỳ theo văn hoá của mỗi nơi và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cúng Rằm tháng Chạp sẽ chuẩn bị lớn nhỏ khác nhau. Dù giản dị hay linh đình thì về cơ bản mâm cỗ cúng không thể thiếu được những phần sau.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mâm cúng chay ngày Rằm tháng Chạp thường có 5 thành phần: hương, hoa tươi, đèn nến, quả tươi và các món chay. Nhưng tùy thuộc vào văn hóa của mỗi vùng miền, địa phương, gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng sao cho phù hợp.
Với mâm cỗ chay ngày Rằm, nên lựa chọn các loại quả như táo, cam, dưa hấu, chuối, phật thủ. Các món chay quen thuộc, dễ thực hiện gồm giò chả chay, xôi dừa, miến xào chay, rau xào, chè…
Ngoài mâm cỗ chay, gia đình có thể làm thêm mâm cỗ mặn, tùy vào điều kiện kinh tế và nếp văn hóa. Trong đó, cỗ mặn cơ bản có gà luộc, xôi, giò chả, nem rán, cơm trắng, canh, rượu.
Người miền Bắc thích xôi đỗ, bánh chưng, canh bóng thả, canh măng mọc…; người miền Nam thường chuẩn bị xôi gấc, canh miến, thịt kho trứng…; người miền Trung sẽ kết hợp thịt gà, xôi (xôi đỗ hoặc xôi gấc), nem rán, canh (canh miến, canh xương hoặc canh măng), cá kho và hải sản…
Ngoài những món kể trên, gia chủ có thể chuẩn bị thêm những món ăn khác như rau xào, thịt bò, lợn quay, nộm… để mâm cỗ phong phú hơn.
Khi chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp, cần lưu ý chọn hoa quả, trầu cau tươi, hình thức đẹp. Không cần làm quá cầu kỳ nhưng phải gọn gàng, sạch sẽ, thể hiện sự thành kính của gia chủ.
Trong ngày Rằm tháng Chạp, các thành viên trong gia đình nên làm việc thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… để cầu phúc, mang đến điều tốt đẹp cho năm mới.
Những lưu ý khi cúng Rằm tháng Chạp
Người thực hiện cúng Rằm tháng Chạp thường là người có uy tín, lớn tuổi nhất trong nhà, thường là ông, bố, trưởng nam, trưởng nữ.
Trước khi thực hiện lễ cúng Rằm tháng Chạp, người thực hiện cần tắm gội sạch sẽ, trang phục gọn gàng, lịch sự. Tránh mặc quần áo cộc hoặc phụ nữ đang trong ngày bất tiện.
Trong ngày Rằm tháng Chạp, mọi người trong nhà nên giữ hoà khí, không nên cãi vã hoặc tranh luận, làm vỡ đồ đạc.