Trong tháng 5, giá thép xây dựng tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối quý III/2020. Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, giá cát san lấp từ 65.000-90.000 đồng/m3. Giá cát đen xây dựng từ 90.000 đến 130.000 đồng/m3. Cao nhất là cát vàng thô, lên tới 385.000-460.000 đồng/m3.
Thép là vật liệu tăng nhiều nhất đầu tháng 5. Giá thép phi 6-8 khoảng 13.600 đồng/kg. Giá thép phi 10 là 84.000 đồng một cây dài hơn 11 mét. Cao nhất là giá thép phi 32, lên tới 978.000 đồng một cây dài khoảng hơn 11 mét. Giá xi măng cũng tăng, dao động từ khoảng 900.000-1,6 triệu đồng/tấn.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều người dân lỡ dở chuyện xây dựng. Trong các hội nhóm nhà đẹp trên Facebook, nhiều hộ chấp nhân chỉ động thổ lấy ngày nhưng không xây. Một số hộ khác chấp nhận dừng vô thời hạn, dù công trình đã xong tầng một.
Theo thống kê, giá thép chiếm từ 20-30% chi phí xây dựng. So với nhà liền kề, tỷ lệ ở căn hộ chung cư thấp hơn. Tuy nhiên, do thép tăng đến 40% so với cuối quý III, áp lực tăng giá bất động sản đang ngày một lón.
Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hải Phát cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện xem xét điều chỉnh giá nhà và phải giải trình cho khách hàng hiểu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam tin rằng, do giá thép tăng cao, hầu hết các nhà thầu sẽ gặp khó khăn. Lý do bởi các chủ đầu tư vốn tư nhân thường sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký.
Với chủ đầu tư vốn nhà nước, đơn giá phải áp dụng theo thông báo của các Sở Xây dựng, trong khi các thông báo này thường không cập nhật biến động giá kịp thời. Theo ông Hiệp, nếu chủ đầu tư không ứng kịp thời, cả công trình có thể bị tê liệt.
Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận định, các nhà thầu xây dựng đang đứng trước thử thách lớn sau khi giá thép tăng đột biến trong quý I, đặc biệt là vào tháng 4. Đây là đợt tăng giá nhanh và mạnh nhất của thép xây dựng trong nhiều năm qua.
Giá nhà đất đã leo thang suốt thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Từ cuối tháng 4, cơn sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng việc vật liệu xây dựng không ngừng tăng giá có thể tạo áp lực trở lại.
Trước thực trạng này, đại diện Cục Công nghiệp Bộ Công Thương lý giải, vật liệu xây dựng tăng cao là do nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 đến 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.
Trong báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương kiến nghị cần có chính sách điều tiết thuế thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Ngoài ra, bộ đề nghị Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng, qua đó điều tiết được cung - cầu thép xây dựng.
Một nguyên nhân nữa, lý giải cho thép xây dựng tăng cao, là kinh tế Việt Nam phục hồi sau Covid-19. Chính điều này tạo nhu cầu lên thép và các chế phẩm thêm khoảng 2-3%. Cũng bởi Covid-19, Cục Công nghiệp cho rằng các vấn đề logistics khiến nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất tức thì.