| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ tranh Việt triệu đô

Chủ Nhật 23/04/2017 , 13:30 (GMT+7)

Sự kiện bức tranh “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được bán với số tiền gần 1,2 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kong, đã làm nức lòng nức dạ những người yêu mỹ thuật Việt Nam.

Dù đây là điều đã từng được dự đoán, nhưng không thể không vui mừng về giấc mơ tranh Việt triệu đô.

09-29-09_trng-4
Bức tranh “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ

Họa sĩ Lê Phổ thuộc thế hệ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Thời gian sáng tác chủ yếu của ông ở Pháp, cho nên từng tác phẩm đều được bảo quản, lưu giữ và làm hồ sơ rất tỉ mỉ. Chính điều ấy tạo nên uy tín cho tranh Lê Phổ trên thị trường quốc tế. Trong những giao dịch phổ thông, giá tranh phổ biến của họa sĩ Lê Phổ xác lập từ 10.000 đến 50.000 USD/1 bức.

Còn trên sàn đấu giá, trước khi xuất hiện bức tranh “Đời sống gia đình”, thì cũng đã có ba tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ được mua với giá cao. Đó là bức tranh “Nhìn từ đỉnh đồi” (chất liệu sơn dầu, vẽ năm 1937) bán được 844.697 USD tại Christie’s Hong Kong ngày 22/11/2014, bức tranh “Tình mẫu tử” (chất liệu lụa, vẽ năm 1940) bán được 629.276 USD tại nhà Sotheby’s Hongkong ngày 2/10/2016, và bức tranh: Thiếu nữ và cành na” (chất liệu lụa, vẽ năm 1938) bán được 567.178 USD tại Christie’s Hong Kong ngày 26/11/2016.

Cuộc mở đường đầy ngoạn mục của những bức tranh Lê Phổ, đang khiến công chúng mường tượng tích cực về tương lai tranh Việt. Liệu có thể có thêm bao nhiêu bức tranh triệu đô từ nước ta được giao dịch tại các nhà đấu giá quốc tế? So với tác phẩm mỹ thuật của nhiều nước trong khu vực thì tranh Việt vẫn ở mức giá khá thấp.

Nguyên nhân đầu tiên là do giới họa sĩ Việt bị ảnh hưởng bởi nạn tranh giả, tranh nhái. Thậm chí, khi đạt được những tín hiệu khả quan về mua bán, thì không ít họa sĩ Việt tự sao chép tranh của… bản thân. Thái độ nghiệp dư này đã gây tổn hại đến lòng tin của những nhà sưu tập.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn để giấc mơ tranh Việt triệu đô thành hiện thực, là phải xây dựng được thị trường. Tại nước ta, không có thị trường tranh nghiêm túc, thì việc gửi tranh đến các nhà đấu giá quốc tế chỉ mang tính may rủi. Muốn có thị trường tranh Việt, không thể không chờ đợi ở những đại gia biết yêu cái đẹp. Con số các tỷ phú đô la và các triệu phú đô la không ngừng tăng lên, nhưng họ lại rất thờ ơ với những tác phẩm mỹ thuật. Khi và chỉ khi các đại gia bỏ tiền đầu tư vào tranh Việt như những nhà sưu tầm sành điệu, sẽ thiết lập được đội ngũ chuyên gia thẩm định và sàn giao dịch chuyên nghiệp, từ đó có tạo thị trường chuyển động mạnh mẽ.

Nếu bước vào những phòng khách sang trọng và những đại sảnh của khách sạn năm sao ở nước ta mà chỉ thấy tranh in rẻ tiền hoặc tranh mô phỏng tranh trí, thì chưa thể có thị trường tranh Việt. Hãy nhớ rằng, nhiều năm qua những quốc gia xung quanh chúng ta đã có thị trường tranh đáng kính nể, cũng nhờ doanh nhân của họ chung tay vun đắp!

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán

TP.HCM Vở múa rối nước ‘Huyền sử Yết Kiêu’ vừa được Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức phúc khảo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.