Tháo gỡ những nút thắt pháp lý
Trong bối cảnh chi phí điện năng ngày càng leo thang, việc phát triển năng lượng sạch không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành nhu cầu tất yếu. Đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành các nghị định: 56, 57 và 58 - được xem là "bệ phóng chính sách" cho giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trong đó, Nghị định 56/2025-NĐ-CP tập trung vào quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; Nghị định 58/2025-NĐ-CP đưa ra cơ chế khuyến khích cụ thể cho từng loại hình năng lượng sạch; còn Nghị định 57/2025-NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo và khách hàng sử dụng điện quy mô lớn.
Đây là lần đầu tiên khung pháp lý về năng lượng tái tạo tại Việt Nam được quy chuẩn hóa đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà và các nguồn điện tự sản - tự tiêu.

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng Xanh. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp" do báo Người Lao Động và EVNHCMC tổ chức, ngày 10/4, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng Xanh đánh giá, các nghị định mới giúp tháo gỡ những nút thắt pháp lý tồn đọng lâu nay, đặc biệt là cơ chế xử lý phần điện dư thừa và quyền tiếp cận lưới điện quốc gia khi cần thiết.
“Đây là cú hích lớn để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, TS Hà Đăng Sơn nhận định.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, triển khai đề án lắp điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công như trường học, bệnh viện, đến nay đã có 430 tòa nhà đăng ký tham gia, tổng vốn đầu tư hơn 640 tỷ đồng.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, đã ghi nhận gần 500 hệ thống điện mặt trời được lắp đặt kể từ khi Nghị định 58 ra đời, chủ yếu là từ các khách hàng lớn. Các khu công nghiệp như Samsung hay Đông Nam đang tích cực triển khai và sản lượng điện mặt trời dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC phát biểu tại tọa đàm Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: BTC.
Theo ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC, khi triển khai hệ thống điện mặt trời, người dân và doanh nghiệp cần lưu ý 4 yếu tố quan trọng. Đó là, đảm bảo mái nhà đủ vững chắc để chịu tải hệ thống suốt vòng đời 20 năm; Tuân thủ quy định về điện lực, PCCC, xây dựng…; Lựa chọn nhà cung cấp uy tín, có chứng chỉ rõ ràng, tránh hàng trôi nổi; Giúp duy trì hiệu suất điện ổn định, kéo dài tuổi thọ thiết bị.
Đáng chú ý, giải pháp kết hợp điện mặt trời và hệ thống lưu trữ điện (BESS) đang trở thành xu hướng mới. Điều này cho phép tích điện vào ban ngày để dùng ban đêm, hạn chế tác động từ sự cố lưới điện và tiết kiệm chi phí giờ cao điểm. Chi phí tấm pin đã giảm gần 50%, rút ngắn thời gian hoàn vốn đầu tư chỉ còn khoảng 4 - 5 năm.

Ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Năng lượng sạch - giấy thông hành vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo các chuyên gia, việc sử dụng năng lượng sạch không chỉ là lựa chọn thông minh về mặt kinh tế mà còn là “giấy thông hành” bắt buộc khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản ngày càng đặt ra tiêu chuẩn cao về sử dụng năng lượng tái tạo và minh bạch carbon trong quá trình sản xuất.
“Doanh nghiệp có điện sạch, có chứng chỉ xanh (I-REC) sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong ngành nông - thủy sản và dệt may, vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam”, ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Alena Energy nhấn mạnh.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, Nghị định 58 là bước tiến quan trọng, tháo gỡ nhiều vướng mắc từ Nghị định 135, nhất là vấn đề bán điện dư cho EVN - vốn gây khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua. Trong bối cảnh giá điện có xu hướng tăng, áp lực lên chi phí sản xuất ngày càng lớn, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà trở thành giải pháp cấp thiết và mang tính chiến lược.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã triển khai từ năm 2019 và đạt hiệu quả cao nhờ chi phí đầu tư ngày càng giảm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn vướng mắc: các dự án từ 1 MW trở lên phải xin phép, thủ tục rườm rà khiến nhiều doanh nghiệp phải chia nhỏ công suất để né thủ tục. HUBA kiến nghị cần điều chỉnh quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được nâng mức bán điện dư vượt quá 20%, đồng thời đề nghị xem xét lại các quy định liên quan đến việc thay thế tấm pin đã cũ hoặc gia hạn hệ thống sau khi hết thời hạn sử dụng, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư dài hạn.
Phó Chủ tịch HUBA cho biết thêm, gần đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường hỗ trợ chuyển đổi xanh. Đây là tín hiệu rất tích cực. HUBA sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên sâu về năng lượng sạch, không chỉ điện mặt trời mái nhà, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như điện gió, tái chế, xử lý nước thải…
"Đây là xu thế toàn cầu và là chìa khóa để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi các rào cản xanh trong thương mại quốc tế ngày càng siết chặt", ông Đinh Hồng Kỳ nhấn mạnh.
Dù hành lang pháp lý đã sẵn sàng, nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, điều quan trọng nhất hiện nay là nâng cao nhận thức, khơi dậy sự chủ động từ phía người dân và doanh nghiệp, góp phần đưa năng lượng sạch đến gần hơn với cộng đồng.