Ngày 18/8/2021, Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu tuyên bố: “Bắc Kinh xanh sắp dần trở thành bình thường mới của chúng ta”, khi thành phố ghi nhận chất lượng không khí hàng tháng tốt nhất kể từ năm 2013 đến nay.
“Dù các thành phố của Trung Quốc từ lâu đã đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, nhưng điều đó đã được cải thiện ổn định trong những năm qua”, ông Huang nhấn mạnh.

Trung tâm thành phố Bắc Kinh ngày 30/7/2021. Ảnh: CNN.
Năm 2013, Bắc Kinh đã phải hứng chịu làn sóng ô nhiễm không khí khi chỉ số nồng độ bụi mịn trong không khí PM2.5 đạt 900 microgam/m2, cao gấp 90 lần mức khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới. Ô nhiễm không khí trầm trọng trở thành vấn đề cấp bách ở quốc gia này trong nhiều năm và được ví một cách hoa mỹ như “sương mù”, khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, đến năm 2020, Bắc Kinh chỉ ghi nhận 10 ngày ô nhiễm không khí nặng nề, giảm gần 80% kể từ năm 2015. Những bức ảnh gần đây từ Bắc Kinh cũng cho thấy bầu trời đã trở nên trong xanh giữa nắng hè, từng là điều hiếm thấy ở thành phố khoảng 21 triệu dân này.
Sự thay đổi về chất lượng không khí của Bắc Kinh cho thấy chiến dịch chống ô nhiễm của quốc gia này đã đạt được thành tựu đáng kể từ khi tiến hành đo đạc vào năm 2013. Thời điểm đó, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào kế hoạch hành động chống ô nhiễm không khí quốc gia. Đến năm 2014, Trung Quốc tuyên bố "cuộc chiến chống ô nhiễm" trên toàn quốc.
Hệ thống quản lý chất lượng không khí của Bắc Kinh không chỉ phản ánh một kế hoạch chiến lược đầy tham vọng mà còn là minh chứng rõ ràng cho những bước tiến lớn trong việc cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quá trình phát triển hệ thống quản lý chất lượng không khí ở Bắc Kinh
Trong một thành phố rộng lớn và đông đúc như Bắc Kinh, sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nhu cầu vận chuyển đã tạo ra những vấn đề ô nhiễm môi trường không thể tránh khỏi. Với diện tích gần 16.400 km² và dân số khoảng 21 triệu người, Bắc Kinh không chỉ là thủ đô của Trung Quốc mà còn là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng của đất nước ngót tỷ rưỡi dân.
Với chỉ số GRDP lên đến 28.500 USD mỗi năm, Bắc Kinh đã trở thành một biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển này lại kéo theo một cái giá không nhỏ: ô nhiễm không khí.
Theo số liệu thống kê từ năm 2017, Bắc Kinh đã có gần 6 triệu chiếc ô tô đăng ký, một con số ấn tượng phản ánh sự gia tăng nhu cầu đi lại của người dân và sự mở rộng của thành phố. Tuy nhiên, với một chính sách nghiêm ngặt hạn chế số lượng ô tô mới đăng ký mỗi năm, Bắc Kinh đã cố gắng kiềm chế sự gia tăng này nhằm giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí
Trong suốt nhiều năm qua, kiểm soát ô nhiễm đã trở thành một phần quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. Từ năm 1998, Bắc Kinh đã triển khai kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí theo mùa sưởi ấm và không sưởi ấm, nhưng chỉ đến năm 2013, một bước ngoặt mới đã xảy ra với việc ban hành Kế hoạch hành động về Phòng ngừa và Kiểm soát ô nhiễm không khí.
Kế hoạch này đặt mục tiêu giảm hàm lượng PM2.5 trung bình hàng năm tại Bắc Kinh xuống 25% vào năm 2017 so với năm 2012, đạt mức khoảng 60 ug/m³. Chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp phát triển khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc từ năm 2015, nhằm tạo ra một khu vực sạch hơn với những kế hoạch kiểm soát ô nhiễm đồng bộ, hiệu quả.

Một ngày ô nhiễm nặng tại Bắc Kinh vào năm 2015. Ảnh: AFP.
Một trong những biện pháp quan trọng là “Pháp lệnh nội bộ về Phòng ngừa và Kiểm soát ô nhiễm không khí”được ban hành năm 2014. Đây là bước đi đầu tiên trong việc kiểm soát bụi PM2.5 tại Trung Quốc và đã thay đổi cách thức quản lý, từ chỉ kiểm soát cuối nguồn sang kiểm soát toàn bộ quá trình phát thải.
Hệ thống tiêu chuẩn phát thải địa phương đã được Bắc Kinh xây dựng với 42 tiêu chuẩn vào năm 2018. Những tiêu chuẩn này bao gồm các nguồn phát thải từ quá trình đốt, các phương tiện giao thông, các nguồn thải công nghiệp và các sản phẩm thương mại. Việc thực thi pháp luật và giám sát cũng được triển khai mạnh mẽ tại cấp thành phố và quận/huyện. Các hoạt động giám sát, đo lường nồng độ ô nhiễm được thực hiện thường xuyên, với sự hỗ trợ của các thiết bị giám sát tự động và các mạng lưới điểm nóng ô nhiễm.
Đầu tư thế nào?
Bắc Kinh không chỉ dựa vào các quy định và tiêu chuẩn mà còn phát triển một hệ thống các chính sách kinh tế để khuyến khích kiểm soát ô nhiễm. Chính quyền thành phố đã cung cấp trợ cấp tài chính cho các phương tiện giao thông sạch, hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải và cải thiện quy trình sản xuất.

Các chính sách kinh tế nhằm kiểm soát ONKK tại Bắc Kinh. (nguồn: Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Đô thị Bắc Kinh)
Từ năm 2008 đến 2014, Bắc Kinh đã cấp trợ cấp cho việc trang bị bộ phận xử lý khí bụi cho xe chạy dầu diesel hạng nặng, giảm một nửa chi phí trang bị, tương đương khoảng 15.000 NDT. Đến năm 2017, thành phố đã tiếp tục cung cấp trợ cấp lên đến 60% cho việc mua các phương tiện năng lượng mới, đặc biệt là xe điện. Đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm, trợ cấp lên tới 3 triệu NDT đã được cấp để khuyến khích đóng cửa hoặc nâng cấp quy trình sản xuất.
Đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường cũng được đẩy mạnh, với khoản ngân sách lên tới 18,22 tỷ NDT vào năm 2017, giúp thực hiện các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng và loại bỏ các phương tiện và công ty gây ô nhiễm.
Từ đầu những năm 1980, Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng mạng lưới quan trắc tự động đầu tiên với 8 trạm quan trắc chất lượng không khí. Đến năm 2018, mạng lưới này đã phát triển lên 38 trạm, với khả năng đo lường các chỉ số ô nhiễm như PM2.5, PM10, SO2, NO2, CO và O3.
Đặc biệt, từ năm 2016, Bắc Kinh đã sử dụng công nghệ viễn thám vệ tinh thế hệ mới và các radar laser để tăng cường độ chính xác của việc giám sát với hơn 1.000 trạm cảm biến quan trắc bụi PM2,5 và xây dựng một hệ thống mạng lưới dày đặc, chi phí thấp. Hệ thống này có thể xác định chính xác các khu vực và khoảng thời gian có lượng phát thải bụi PM2,5 cao và cung cấp hỗ trợ đánh giá chất lượng không khí của 325 thị trấn ở thủ đô.

Robot tuần tra quan giám sát môi trường sinh thái bên trong công viên Yuyuantan ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: CNN.
Hệ thống ứng phó khẩn cấp
Vào năm 2012, Bắc Kinh lần đầu tiên ban hành "Kế hoạch Khẩn cấp về ô nhiễm không khí cực đoan" nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm trong mùa thu và đông. Kể từ đó, cơ chế cảnh báo đã được hoàn thiện qua nhiều lần sửa đổi, giúp việc ứng phó trở nên khoa học và kịp thời hơn.
Kế hoạch này đã chứng minh được các cảnh báo sớm được phát ra ít nhất 24 giờ trước khi mức ô nhiễm đạt ngưỡng nguy hiểm, thông qua các phương tiện truyền thông như đài truyền hình, mạng xã hội và ứng dụng di động.
Trường hợp điển hình cho việc Ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong 5 ngày từ 16 - 21/12/2016 thực hiện các biện pháp khi có “báo động đỏ” đó là việc hạn chế và kiểm soát đối với xe cơ giới, hoãn hoặc hạn chế sản xuất đối với các cơ sở đốt than và các xí nghiệp công nghiệp, hoãn các công trình xây dựng, tăng cường vệ sinh đường sá, thực hiện sản xuất xen kẽ. Đồng thời, tăng cường xe buýt và tàu điện ngầm, các trường học mẫu giáo và tiểu học đóng cửa và giờ giấc linh hoạt được áp dụng ở cấp trung học, các bộ phận tăng cường kiểm tra sự tuân thủ các biện pháp khẩn cấp trong phạm vi trách nhiệm của họ.
Trong cùng thời gian đó, 22 thành phố xung quanh Bắc Kinh cũng đưa ra các biện pháp giảm phát thải ở mức báo động đỏ. Đánh giá các hoạt động cho thấy trong giai đoạn báo động đỏ đã cắt giảm trung bình 30% nhờ các biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là hạn chế và kiểm soát các phương tiện cơ giới.
Vai trò đặc biệt quan trọng của thông tin và truyền thông
Bắc Kinh không chỉ dựa vào các chính sách và chiến lược mà còn chú trọng đến việc công khai thông tin và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Từ năm 1998, thành phố đã công bố báo cáo chất lượng không khí hàng tuần, sau đó phát triển thành báo cáo hàng ngày vào năm 2001.

Người dân đi lại trên đường phố trong một ngày ô nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.
Các dữ liệu về những chất ô nhiễm chính được công khai tại 35 điểm quan trắc tự động, kèm theo các khuyến cáo về sức khỏe.
Để thúc đẩy sự tham gia của công chúng, Bắc Kinh đã triển khai các chương trình truyền thông, bao gồm việc tuyển chọn "Đại sứ môi trường", những người làm gương, mẫu trong việc sống xanh và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, một hệ thống khiếu nại môi trường và đường dây nóng đã được thiết lập để khuyến khích người dân báo cáo các hành vi vi phạm, với phần thưởng lên đến 50.000 NDT (khoảng 180 triệu đồng) cho mỗi trường hợp vi phạm được phát hiện.
Bắc Kinh đang hướng tới một chiến lược không chỉ nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm mà còn phải tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Bắc Kinh trở thành một hình mẫu cho các thành phố khác trong việc quản lý môi trường và phát triển bền vững.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Đô thị Bắc Kinh, Worldbank, WHO, Cục Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Ảnh: AFP, CNN, Reuters