| Hotline: 0983.970.780

Giải Nobel văn chương& dòng nhạc phản chiến

Chủ Nhật 30/10/2016 , 13:15 (GMT+7)

Giải Nobel văn chương 2016 được trao cho huyền thoại âm nhạc Mỹ - Bob Dylan khiến nhiều người ngạc nhiên. Trên khắp các diễn đàn, nhiều tranh luận đã bùng nổ một cách sôi nổi và gay gắt...

Hội đồng giải thưởng Nobel khẳng định giá trị của Bob Dylan bằng một câu ngắn gọn: “tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”.

08-35-24_trng-5
 

Cụ thể hơn, nhạc sĩ du ca Bob Dylan bằng những sáng tác của mình đã kêu gọi phản chiến và đề cao nhân quyền. Đối với một dân tộc đã nếm trải chiến tranh dài dằng dặc trong thế kỷ 20 như nước ta, không hiếm những hình ảnh nhạc sĩ tương tự như Bob Dylan.

Giải Nobel văn chương 2016 giúp Bob Dylan tuổi 75 xác lập kỷ lục mới: trở thành người đầu tiên trên thế giới đạt được tất cả các giải thưởng danh giá nhất trên hành tinh. Từ Quả Cầu Vàng, Oscar đến Grammy, Pulitzer đều đã vinh danh Bob Dylan.

Vì sao một nhân vật chỉ nổi tiếng trong giới biểu diễn như Bob Dylan lại được trao giải Nobel văn chương? Nhiều người tỏ ra nghi ngờ chất lượng của Nobel văn chương, hoặc nghi ngờ sự choáng ngợp của những vị giám khảo trước tên tuổi của Bob Dylan.

Thực ra, gần 10 năm trước, giải thưởng Nobel văn chương đã bổ sung một thể loại được xét duyệt là ca từ, bên cạnh ba thể loại truyền thống là thơ, văn xuôi và kịch. Do đó, trường hợp Bob Dylan trở thành ứng viên Nobel văn chương và được trao Nobel văn chương 2016 không có yếu tố phá lệ nào.

Thuở đôi mươi, Bob Dylan đã nổi tiếng khi lưu diễn khắp nước Mỹ, ôm đàn và hát những ca khúc do mình sáng tác. Bob Dylan cũng không xa lạ gì với những trái tim thổn thức của người Việt. Một dấu ấn quan trọng, đó là khi nước Mỹ đổ quân tham chiến tại Việt Nam, Bob Dylan đã viết và trình bày ca khúc phản chiến “Blowin' in the wind” (Thoảng bay trong gió) gây chấn động dư luận: “Bao nhiêu chặng đường ta phải bước đi, để khi nằm xuống ta làm người thật sự? Bao nhiêu đại đương cánh bồ câu phải sải, để đến một ngày ngủ trên cát bình yên? Và bao nhiêu, bao nhiêu làn đạn phải bay... để rồi chúng sẽ im trong nòng súng? Câu trả lời, bạn của tôi ơi, nó đang dần cuốn theo cơn gió. Câu trả lời... gió đã thổi bay đi...”.

Không thể nói khác hơn, ca khúc “Blowin' in the wind” đã thức tỉnh lương tri người Mỹ về cuộc chiến tàn khốc và phi nghĩa tại Việt Nam. Ca khúc “Blowin' in the wind” đã theo chân hàng vạn người Mỹ tiến bộ để xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Bob Dylan từng được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Đối với giới biểu diễn, Bob Dylan là một tượng đài. Mỗi năm, hàng chục cuộc hội thảo Bob Dylan được tổ chức ở các trường đại học lớn của Mỹ và nhiều quốc gia, không phải vì tài năng ca hát của Bob Dylan mà vì sức ảnh hưởng của Bob Dylan với mơ ước yên vui cho cuộc sống nhân loại.

Các ca khúc của Bob Dylan như “The times they are a changin” (Thời khắc của đổi thay) “Masters of war” (Chúa tể chiến tranh) hoặc “Chimes of freedom” (Thanh âm của tự do) ngoài trầm bổng giai điệu còn có giá trị nhất định về ca từ, và trở thành thánh ca của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

08-35-24_trng-7
 

Nếu chỉ nghe thông tin rằng, nhạc sĩ du ca Bob Dylan đoạt giải Nobel văn học 2016, nhiều người sẽ có chút sửng sốt. Thế nhưng, nhìn trực diện vào sự nghiệp sáng tạo của Bob Dylan thì thấy ông hoàn toàn xứng đáng được vinh danh. Bob Dylan không chỉ là một nhạc sĩ, bởi lẽ ca từ của ông đầy chất thơ. Riêng tác phẩm “Chimes of Freedom” được nhà thơ Mỹ lừng danh cùng thế hệ - Allen Ginsberg ca ngợi “một chuỗi những hình ảnh thi ca chói lòa”. Bob Dylan cũng từng in một tập thơ văn xuôi có tên gọi “Tarantula”. Và năm 2016, Bob Dylan đã tiến đến bục vinh quang Nobel văn chương bằng những ca từ kêu gọi phản chiến và đề cao nhân quyền.

Cũng du ca như Bob Dylan, ở Việt Nam có hình ảnh nhạc sĩ Trần Tiến gần giống nhất. Thế nhưng, Trần Tiến chỉ hát tình ca và vài ca khúc xót xa thân phận nhỏ bé. Còn dòng nhạc phản chiến có thể so sánh với Bob Dylan, phải kể đến Trịnh Công Sơn và Miên Đức Thắng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh trước Bob Dylan 2 năm, và Miên Đức Thắng sinh sau Bob Dylan 3 năm, nhưng họ vẫn được xem là cùng một thế hệ trưởng thành trong chiến tranh Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu, kể cả các học giả Mỹ, cũng rất hào hứng khi so sánh Bob Dylan và Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, Bob Dylan sáng tác bằng tiếng Anh thì sự lan tỏa rộng khắp hơn Trịnh Công Sơn sáng tác bằng tiếng Việt. Giữa hai người giống nhau ở thái độ phản chiến.

Tinh thần của Bob Dylan: “Phải mất bao nhiêu mạng người, để chúng ta mới vỡ lẽ được rằng đã có quá nhiều người chết? Phải có bao nhiêu đôi tai, trước khi nghe thấy tiếng chúng sinh khóc?” hoàn toàn có thể tìm thấy trong loạt ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Nếu xét theo góc độ ca từ mà Nobel văn chương định vị Bob Dylan, thì những ca khúc của Trịnh Công Sơn như “Đại bác ru đêm”, “Người già – em bé”, “Bài ca dành cho những xác người”, “Ca dao mẹ”, “Xin cho tôi” hay “Đồng dao hòa bình” đều không thua kém gì.

Bob Dylan cảnh báo nhân loại trước thảm họa chiến tranh, còn Trịnh Công Sơn khóc riêng cho quê hương mình. Tuy không nổi tiếng bằng Bob Dylan, nhưng ca từ của Trịnh Công Sơn vẫn tạo được ấn tượng độc đáo khi chuyển ngữ sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

08-35-24_trng-6
 

Người Việt có quyền tự hào về Trịnh Công Sơn với những ca từ đầy tâm tư: “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình. Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong. Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương. Tuổi còn bơ vơ thế giới hận thù, chiến tranh, ngục tù” hoặc “Xin cho mây che đủ phận người . Xin cho tôi một sáng trời vui. Xin cho tôi đến tận nụ cười. Cho tôi quên một nấm mộ tươi... Xin cho tôi yên ngủ một ngày. Xin cho đêm không có đạn bay... Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn. Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng. Cho quê hương giấc ngủ thật hiền, rồi từ đó tôi yêu em”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất năm 2001, khi đó giải Nobel chưa chấp nhận ca từ xếp chung với thơ, văn xuôi và kịch. Dù yêu mến Trịnh Công Sơn cách nào, thì người ta cũng không thể giới thiệu Trịnh Công Sơn lên hội đồng Nobel.

Nhạc sĩ phản chiến khác của Việt Nam còn sống là Miên Đức Thắng. Cũng có khả năng ôm đàn tự hát như Bob Dylan, nhạc sĩ Miên Đức Thắng từng là một ngọn lửa “hát cho dân tôi nghe” trong phong trào đấu tranh đô thị tại miền Nam trước năm 1975. 

Tập nhạc “Hát từ đồng hoang” của Miên Đức Thắng ấn hành năm 1967, lập tức bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh cấm. Không chịu khuất phục, Miên Đức Thắng vẫn lén lút biểu diễn và bị bắt. Ngày 23/1/1970, tòa án Mặt trận của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã mở phiên tòa xét xử nhạc sĩ Miên Đức Thắng. 

Các tờ báo thân thiết với chính quyền Sài Gòn hân hoan đưa tin, bài về vụ này. Ví dụ, trên tờ Dân Chủ số ra ngày 24-1-1970 có một bài hoành tráng với cái tít lớn: “Chi tiết phiên tòa Quân sự xử vụ “nhạc phản chiến”: Nhạc sĩ sinh viên Miên Đức Thắng bị phạt 5 năm khổ sai”, với sự buộc tội đanh thép: “Những lời lẽ bản nhạc mà Thắng sáng tác đã nói lên những oán trách về cuộc chiến tranh, qui trách nhiệm và căm thù vào Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, chớ không có chỉ trích cộng sản. Khác hẳn các bản nhạc Trịnh Công Sơn nói lên thân phận làm người trong một quốc gia có chiến tranh”.

Cái dị biệt giữa Bod Dylan với Miên Đức Thắng (và cả Trịnh Công Sơn) là ở chỗ ấy. Bod Dylan được thoải mái bày tỏ trên đất Mỹ, còn Miên Đức Thắng bị kết án khổ sai.

Tờ báo Far Eastern Economics Review phiên bản tiếng Anh phát hành tại Pháp số ra ngày 26-2-1970 có bài mỉa mai rằng, phiên tòa của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã công khai xác lập kỷ lục cho Miên Đức Thắng trở thành nhạc sĩ đầu tiên trên hành tinh phải đứng trước vành móng ngựa và nhận một sự phán quyết nghiệt ngã, chỉ vì những sáng tác của chính mình.

Đồng thời tờ báo trên cũng in lại 4 bài hát “Viên đạn”, “Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh”, “Lời ru” và “Gọi quê hương mà nhớ” của Miên Đức Thắng bị kết tội “có lời lẽ phản chiến”.

Trước sự phản đối của các lực lượng tiến bộ trong nước và sức ép của dư luận nước ngoài, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không thể đưa Miên Đức Thắng ra Côn Đảo thực hiện bản án 5 năm khổ sai. Ngày 27-4-1970, nhạc sĩ Miên Đức Thắng được trả tự do.

Nếu nhạc sĩ Miên Đức Thắng tiếp tục dấn thân với nhạc phản chiến, bây giờ câu chuyện có lẽ đã khác! Bởi lẽ, muốn được giải Nobel văn chương, thì cả sự nghiệp phải hun đúc thành một hệ thống tư tưởng thẩm mỹ nhất quán!

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Wayne Rooney bị sa thải ngay đầu năm mới

HLV Wayne Rooney đã bị đội bóng hạng Nhất Plymouth Argyle sa thải do thành tích bết bát thời gian qua.

Xuân Son lập cú đúp, Việt Nam hạ gục Thái Lan

Phú Thọ Hai bàn trong hiệp 2 của người dẫn đầu danh sách vua phá lưới ASEAN Cup 2024 giúp đội tuyển Việt Nam thắng 2-1 ở chung kết lượt đi tối 2/1.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.