| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phục hồi vườn chôm chôm bị nhiễm mặn

Thứ Tư 15/07/2020 , 08:55 (GMT+7)

Hạn mặn năm nay, chôm chôm là một trong những cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ngưỡng chịu mặn kém.

Cùng với sầu riêng, chôm chôm là một trong những cây trồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xâm nhập mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Cùng với sầu riêng, chôm chôm là một trong những cây trồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xâm nhập mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Xâm nhập mặn kéo dài tại ĐBSCL ảnh hưởng không nhỏ đến cây chôm chôm. Nhiều vườn cây xơ xác, rụng lá, chết cây hoặc nhẹ hơn thì rụng trái, giảm chất lượng quả. Tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành tỉnh Bến Tre đa phần các vườn chôm chôm ven sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông đều cháy lá, xơ xác. Nhiều nơi nông dân đành chua xót đốn bỏ.

Huyện Chợ Lách có diện tích cây chôm chôm lớn nhất tỉnh Bến Tre. Chôm chôm từ lâu là cây kinh tế chủ lực của các nhà vườn nơi đây. Toàn huyện có hơn 6.500ha đất trồng cây ăn trái thì chôm chôm chiếm hơn 50% với diện tích trên 3.300ha.

Năm nay, theo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến khoảng 1.600ha diện tích cây ăn trái của huyện. Trong đó, các cây mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhất là chôm chôm, cây ăn quả chủ lực của huyện.

Tại huyện Chợ Lách, cây chôm chôm được trồng tập trung tại các như Vĩnh Bình, Phú Phụng, Sơn Định, Long Thới... Hầu hết các vườn chôm chôm của huyện đều bị ảnh hưởng.

Vĩnh Bình là một trong những xã có diện tích cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề của huyện Chợ Lách. Ông Nguyễn Trường Giang, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Diện tích cây ăn trái của xã trên 800ha. Thống kê sơ bộ đợt một, hai cây trồng chính chôm chôm, sầu riêng bị thiệt hại ước trên 600ha. Trong đó, thiệt hại trên 70% là 483ha. Hầu hết các vườn cây bên sông Tiền đều xơ xác hết.

Theo các nhà vườn, xâm nhập mặn đã làm giảm khoảng 70% năng suất cây chôm chôm. Ảnh: Minh Đảm.

Theo các nhà vườn, xâm nhập mặn đã làm giảm khoảng 70% năng suất cây chôm chôm. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh, hầu hết cây chôm chôm đã trên 7 năm tuổi, do hệ lụy của hạn, mặn từ năm 2016 cây chưa thực sự phục hồi hoàn toàn và việc khai thác của người dân quá mức làm cây suy kiệt.

Ông Ngô Ngọc Lãng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết: “Để khắc phục ảnh hưởng của hạn mặn trên cây chôm chôm, sầu riêng, vừa qua UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 5 cuộc tập huấn cho nông dân trong xã thực hiện các giải pháp khắc phục. Đối với các vườn không còn khả năng phục hồi xã đã tập huấn chuyển đổi sang các cây trồng chống chịu tốt hơn: Mít, chanh, bưởi, nhãn…

Còn đối với những vườn có khả năng phục hồi thì tập huấn các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ người dân cải tạo, phục hồi. Hầu hết, những hội viên đi tập huấn đều đã nắm hết các kỹ thuật”.

Trà Vinh có diện tích vườn cây ăn trái 18.051,63ha, tập trung nhiều ở huyện Cầu Kè với diện tích 7.006,05ha chiếm 38,81% so với diện tích của tỉnh. Cây chôm chôm mang tính đặc thù của huyện Cầu Kè được trồng lâu đời một vài xã ven sông Hậu như An Phú Tân, Hòa Tân…

Do hạn, mặn kéo dài đầu năm 2020, độ mặn tăng từ 2 - 5‰ ảnh hưởng nặng nề đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Theo đánh giá của nhà vườn, năng suất chôm chôm mùa vụ 2020 giảm trên 70% so với nhiều năm trước đây, làm thất thu kinh tế rất lớn của nhà vườn ấp Tân Qui I và Tân Qui II của xã An Phú Tân.

Cây chưa phục hồi hoàn toàn do hạn mặn năm 2016, lại tiếp tục bị mặn năm nay làm thêm suy kiệt. Ảnh: Minh Đảm. 

Cây chưa phục hồi hoàn toàn do hạn mặn năm 2016, lại tiếp tục bị mặn năm nay làm thêm suy kiệt. Ảnh: Minh Đảm. 

Để khắc phục kịp thời vườn cây chôm chôm bị ảnh hưởng, ThS Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nhà vườn cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Cắt tỉa cành khô và cành chết, tỉa bỏ trái không hiệu quả giúp cây tập trung dinh dưỡng, mau phục hồi, giảm thiểu cây bị suy kiệt thêm. Nạo vét mương trong vườn, tận dụng nguồn nước mưa và nước ngọt đưa vào mương, thường xuyên tưới cho cây, rửa mặn cho đất do muối tích tụ, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi.

Những vườn sầu riêng không thể cải tạo, nhà vườn miền Tây mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng thích nghi hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Những vườn sầu riêng không thể cải tạo, nhà vườn miền Tây mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng thích nghi hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Sau đó, bón vôi nung (CaO; liều lượng 3-5 kg/gốc) để giải phóng muối (Na+) ra khỏi keo đất tạo thuận lợi cho việc rửa mặn, bổ sung chất hữu cơ, lân và kali nhằm tăng hàm lượng K+ trong cây, từ đó hạn chế sự hấp thu Na+ vào cây, hạn chế cây ngộ độc do Na+.

Do ảnh hưởng bởi mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nên cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ. Khi cây có bộ rễ mới thì cần bón phân lân, NPK (lượng phân bón áp dụng theo qui trình kỹ thuật bón phân) và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng để giúp cây sớm phục hồi. 

Đặc biệt, nên cào lớp lá và xới nhẹ quanh gốc trước khi bón phân sau đó tủ lại gốc, kết hợp với việc xử lý Trichoderma hoặc một số chế phẩm có chứa vi sinh vật giúp phân hủy lớp lá trên mặt liếp tạo nên lớp hữu cơ giữ ẩm cho đất trong điều kiện hiện tại.

Đồng thời, cần tăng cường phun phân bón lá có chất canxi, magiê, silic và các dạng phân chứa hàm lượng hữu cơ cao K-humat, Humic… giúp cây tăng sức đề kháng.

Về lâu dài, ThS Nguyễn Thị Lùng khuyến cáo: Đối với các vườn già cỗi, bị ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn mang lại hiệu quả kinh tế kém cần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như chanh, ổi hoặc một số loại cây thích hợp với thổ nhưỡng và thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Nhà nông nên quan tâm củng cố hệ thống cống, bọng và đê bao của mỗi vườn nhằm tránh nước mặn xâm nhập vào vườn trong mùa nắng. Song song đó, cần nạo vét mương trong vườn trữ nước ngọt hoặc dự trữ trong túi nilon dày dưới mương tưới cho cây trong những tháng nước mặn.

Chôm chôm vừa mới trải qua đợt hạn mặn lịch sử, bà con cần quan tâm cải tạo, tránh xử lý ra hoa, khai thác làm suy kiệt cây. Ảnh: Minh Đảm.

Chôm chôm vừa mới trải qua đợt hạn mặn lịch sử, bà con cần quan tâm cải tạo, tránh xử lý ra hoa, khai thác làm suy kiệt cây. Ảnh: Minh Đảm.

Trong mùa nắng khan hiếm nước bà con nên thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán, giảm áp lực nhu cầu nước của cây do sự bốc thoát hơi nước. Nên áp dụng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho cây trồng mùa khô trong điều kiện khan hiếm nguồn nước ngọt, mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng.

Đồng thời, tăng cường nguồn phân hữu cơ và các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ... bón cho cây chôm chôm giúp tăng độ màu mỡ, khắc phục thiếu hụt dinh dưỡng do hạn, mặn và thoái hóa.

Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên sông, rạch để có hướng xử lý, kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước ngọt vào vườn. Bà con nên trang bị dụng cụ đo độ mặn nhằm theo dõi nồng độ mặn trước khi tưới cho cây.

Thời điểm này, cây rất nhạy cảm, lưu ý bà con tuyệt đối không sử dụng các dạng sản phẩm kích thích ra hoa, ra đọt non… tưới vào gốc cây vì rễ còn yếu (do vừa trải qua hạn mặn) trong giai đoạn này. Đối với những cây bị rụng lá vừa mới phục hồi, lúc này cần giúp cho cây mau phục hồi, giúp cây mau ra rễ mới… Tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ nhằm tăng tính chống chịu, cải thiện điều kiện phát triển cho cây trồng.

Chôm chôm là một trong những loại cây ăn quả có mặt từ lâu tại ĐBSCL với diện tích trên 18.300 ha. Những tỉnh có diện tích chôm chôm lớn là: Bến Tre (5.500 ha), Vĩnh Long (1.716 ha), Trà Vinh (252 ha), Tiền Giang (440 ha).

Những năm qua, kinh tế từ cây chôm chôm thấp hơn một số cây trồng như: sầu riêng, bưởi da xanh… Tuy nhiên, đây vẫn được xem là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm có thể cho thu nhập từ 200-500 triệu đồng/ha. Chôm chôm là cây trồng mẫn cảm với mặn. Cây chỉ có thể chịu được độ mặn từ 0,5-1‰.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm