Nhà nghiên cứu Mịch Quang (trái) và GS Trần Văn Khê |
Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT&DL cho biết, Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng Nhà nước 2016 - dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19/5/2017 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
18 tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh
Trước đó, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 cho 18 tác giả, trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho 95 tác giả.
Năm nay, quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước gặp nhiều tranh cãi và được chia làm hai đợt. Đợt đầu, có 10 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, 67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước. Đợt 2, có thêm 8 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, 28 tác giả được Giải thưởng Nhà nước.
10 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu gồm có: Nhạc sĩ Doãn Nho, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh (Lý Lai Anh), NSND Chu Thuý Quỳnh, TS Trần Đình Ngôn, tác giả Nguyễn Thế Khoán (Mịch Quang), GS.NSND Nguyễn Trọng Bằng, PGS Triệu Đạt Hiền (Chu Minh), tác giả Nguyễn Xuân Thiều; nhạc sĩ Hoàng Phi Hồng (Hoàng Hà, Cẩm La); nhà văn Trần Hữu Mai.
8 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt sau gồm có: Nhà thơ Xuân Quỳnh, Nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn (Hà Đức Trọng), nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSND Trần Bảng, Nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng.
67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước đợt đầu trong đó có: NGND Hoàng Cương, GS. TS Trần Thế Bảo, NSND Lê Văn Thi, NSND Phạm Nhuệ Giang, NSND Trần Thế Dân, TS Ngô Phương Lan, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Nguyễn Xuân Sơn, KTS Lê Thành Vinh, NSND Hà Bắc, Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)…
28 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt sau trong đó có: Nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Cao Việt Bách, nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh, nhà văn Hoàng Hải, tác giả Vũ Quốc Ái (Lê Lam), tác giả Cổ Tấn Long Châu, tác giả Nguyễn Hữu Cấy, tác giả Bửu Chỉ, tác giả Nguyễn Bích....
100 tuổi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh
Nhà nghiên cứu Mịch Quang (tên thật là Nguyễn Thế Khoán) nhận giải thưởng Hồ Chí Minh khi tròn 100 tuổi. Mịch Quang sinh năm 1917 ở làng Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cái nôi của tuồng cổ. Chính nghệ thuật tuồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của ông. Đến khi trưởng thành, tuồng vẫn là đam mê khó bỏ.
Từ niềm đam mê tuồng cổ đã giúp ông có cả vốn sống lẫn kiến thức để "đặt những viên gạch đầu tiên" về nghiên cứu lý luận của nghệ thuật tuồng - công trình lý luận nghiên cứu đầu tiên về kịch hát dân tộc: “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng” (Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1963), “Đào Tấn nhà soạn tuồng kiệt xuất”, “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” và “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, một trong hai công trình vượt qua các vòng xét chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016.
Cả một đời gắn bó với nghệ thuật dân tộc, nhà nghiên cứu Mịch Quang được đồng nghiệp tôn vinh là “lão tướng không quân”, có nghĩa là một lão tướng cả đời không có lính phục vụ mà chỉ có những câu tuồng đi theo.
Đối với nhà nghiên cứu Mịch Quang, thành công sau mỗi buổi diễn là những tràng vỗ tay cổ vũ từ hàng ghế khán giả. Còn với các công trình nghiên cứu của Mịch Quang, không chỉ trong nước công nhận mà đã bay xa sang nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ.
Năm 1973, tại Paris, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong "bắt" được cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật tuồng của Mịch Quang, đã mừng hơn bắt được vàng. Càng quý giá hơn khi đi vào nội dung cuốn sách thì quả thật là báu vật tìm quý nhân. Từ đấy, cái tên Mịch Quang được học giả nước ngoài lưu tâm.
GS Trần Văn Khê sinh thời nhờ kết quả nghiên cứu của soạn giả Mịch Quang mà đã thay đổi một số cách dịch, cách hiểu về thuật ngữ liên quan đến nghệ thuật tuồng. Một mối lương duyên tao ngộ nữa là chính từ các kết quả nghiên cứu này mà họ trở thành tri kỷ của nhau.
Năm 1999, viết thư từ Pháp gửi về soạn giả Mịch Quang, GS Trần Văn Khê đã tâm sự, ông vô cùng tâm đắc với cách nhận xét, phân tích dân ca, nhạc cổ Việt Nam của nhà nghiên cứu Mịch Quang vì “thái độ quý trọng cổ mà không nệ cổ, mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không “vọng ngoại”.
"Nghiên cứu, đôi ta, chọn đúng đường" Đó là lời khẳng định lúc sinh thời GS Trần Văn Khê viết trong bài thơ gửi tặng soạn giả Mịch Quang: “Tạ tình tri kỷ, bạn văn chương/ Nghiên cứu, đôi ta, chọn đúng đường/ Vọng ngoại, mình chê, nhiều kẻ ghét/ Vốn nhà, ta giữ, lắm người thương/ Dân ca luôn hát cao hơi vọng/ Quốc nhạc thương đàn rộn tiếng vang/ Với nhạc Việt Nam, ta vẫn trọn/ Một lòng chung thủy của tình lang”. |