Sáng 14/12/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền long trọng tổ chức Lễ khai giảng các lớp Cao học và Nghiên cứu sinh khóa 30 đợt 2 năm 2024.
Sau lễ chào cờ, Ban Quản lý đào tạo Học viện đã đọc Quyết định công nhận 330 thí sinh chính thức trở thành tân học viên cao học và 63 thí sinh chính thức trở thành tân nghiên cứu sinh khóa 30 đợt 2 năm 2024.
Phát biểu trong Lễ Khai giảng, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chúc mừng và chào đón các tân học viên cao học và nghiên cứu sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm vươn tới đỉnh cao trong học tập và nghiên cứu của toàn thể 330 tân học viên cao học, 63 tân nghiên cứu sinh. Chúng tôi đặt kỳ vọng ở các bạn - những người sẽ cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường viết tiếp những trang sử vẻ vang của Học viện".
Giám đốc Học viện đã giới thiệu và chia sẻ với các học viên, nghiên cứu sinh về các chương trình đào tạo, truyền thống đào tạo của Nhà trường. Nhà trường đã triển khai một mô hình quản lý chất lượng đào tạo theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, với đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng gồm hơn 200 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí truyền thông tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn cho học viên các lớp cao học, nghiên cứu sinh.
Quy trình lựa chọn, giao đề tài luận văn, luận án cho học viên, nghiên cứu sinh cũng được tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học từ khâu chọn đề tài, tổ chức hội đồng tư vấn thông qua đề cương để đảm bảo giá trị lý luận và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu, phù hợp ngành đào tạo và không trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố, đến việc lựa chọn, phân công giảng viên hướng dẫn học viên thực hiện đề tài, quy trình kiểm tra chống đạo văn, bảo vệ luận văn, luận án trước Hội đồng.
Mùa Xuân năm 1962, theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trường Tuyên huấn được thành lập. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trước những yêu cầu khác nhau ở từng giai đoạn phát triển, Trường đã nhiều lần đổi tên. Quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Học viện gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.Từ trước tới nay, dù mang những tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, Học viện vẫn luôn là một Trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế, có tầm ảnh hưởng về báo chí và truyền thông ở khu vực; phấn đấu đến 2045 trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín cao và được xếp hạng quốc tế.
Học viện luôn xác định cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao chất lượng uy tín, thương hiệu học thuật của một cơ sở đào tạo, qua đó xây dựng luận cứ khoa học nhằm phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông và các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.