Giọt nước mắt hối hận muộn màng thì phiên tòa nào cũng có. Thế nhưng, giọt nước mắt của những người phạm tội do phút giây bốc đồng hoặc do khoảnh khắc nông nổi, bao giờ cũng dễ tha thứ hơn giọt nước mắt của những kẻ phạm tội do lợi dụng chức vụ và quyền hạn được xã hội giao phó.
Trước công lý, ai cũng được phép tự bào chữa bằng những cơn cớ riêng tư nhất. Sau xét xử sơ thẩm thì mỗi bị cáo càng thấm thía thêm nhiều điều để trình bày với hội đồng xét xử phúc thẩm. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho rằng, mình tiếp xúc bị động với doanh nghiệp và gặp chủ yếu để gỡ rối cho doanh nghiệp chứ không vòi vĩnh. Thế nhưng, kết quả là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng để phê duyệt các chuyến bay giải cứu.
Rơi những giọt nước mắt “rất ăn năn hối lỗi”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng xin được tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội trở về với gia đình và “sửa chữa lỗi lầm”. Ngoài chi tiết “phải chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng còn có thêm sự đồng cảm khi người vợ cũng xuất hiện tại phiên tòa để bật khóc chứng minh “sai phạm trong vụ án này là điều rất đau đớn” đối với chồng mình.
Đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, bị cáo Tô Anh Dũng được viện kiểm sát kiến nghị giảm 3-4 năm tù so với phán quyết 16 năm tù ở phiên tòa sơ thẩm. Giọt nước mắt của cả bị cáo Tô Anh Dũng và người vợ, đều bộc lộ đầy đủ cung bậc nghẹn ngào. Tuy nhiên, những giọt nước mắt ấy càng khiến quần chúng thấy ngậm ngùi hơn về khả năng đề kháng của cán bộ cấp cao trước sức cám dỗ vật chất.
21,5 tỷ đồng là số tiền không nhỏ. Khi cầm số tiền 21,5 tỷ đồng, một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nghĩ gì đến số phận hàng vạn đồng bào đang hoang mang bên ngoài biên giới Tổ quốc vì đại dịch hoành hành? Khi biết chồng mình ung dung cầm số tiền 21,5 tỷ đồng về nhà, người vợ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nghĩ gì về ý thức phụng sự công vụ của chồng mình giữa âu lo Covid-19 bủa vây? Ở đời, không có sự “giá như”. Mỗi người phải chịu trách nhiệm cho hành vi khuất tất mà mình gây ra.
Giọt nước mắt đã rơi xuống phiên tòa luôn chứa đựng những mất mát không thể vãn hồi. Cựu quan chức rơi giọt nước mắt vì bản án và cho bản thân, cũng đáng xúc động và đáng chia sẻ. Thế nhưng, những giọt nước mắt ấy sẽ có ý nghĩa tích cực và cao đẹp, nếu được rơi sớm hơn. Nghĩa là, khi chứng kiến tai ương ập xuống người dân, thì quan chức như Tô Anh Dũng phải rơi những giọt nước mắt xót thương, để tận tụy với chức trách và vô tư với chức trách.
Đã làm quan chức, phải biết khóc cho bá tánh, trước khi khóc cho mình. Bởi lẽ, giọt nước mắt vì người khác bao giờ cũng ít ích kỷ hơn giọt nước mắt vì bản thân.