EC không khó khăn mà chính chúng ta đang dễ dãi
Ngày 23/12, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND 28 tỉnh, thành phố giáp biển tổ chức Hội nghị báo cáo chi tiết về 180 ngày hành động chống khai thác IUU.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) ngày 1/12/2022 về việc ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (sau đây gọi tắt là Kế hoạch). Bộ NN-PTNT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện đến tháng 4/2023 và lâu dài. Theo đó, đến trước ngày 31/3/2023 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với việc quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, rà soát số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá...), tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển, tàu cá ra vào tại cảng cá; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng và thực hiện thông báo trước 1 giờ, ghi nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh...
Đối với việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, thực hiện kết nối phần mềm hệ thống kiểm soát thủy sản khai thác nhập khẩu với cổng thông tin một cửa quốc gia; kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài tuân thủ đầy đủ theo quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container.
Đối với việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Cập nhật 100% kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Về hợp tác quốc tế, đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Thực chất EC không khó khăn mà do chính chúng ta đang dễ dãi trong công tác quản lý. Hiện nay, khâu tổ chức thực thi chống khai thác IUU vẫn còn khá yếu. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa nhận thức thấu đáo về IUU, dẫn tới tâm lý triển khai công việc một cách đối phó, hiệu quả không cao.
“Chúng ta mới chỉ truyền thông để đối phó với IUU mà chưa truyền thông một cách chi tiết về IUU để tất cả người dân hiểu được và vận dụng cho đúng. Hiện tại, chưa thấy cảng cá nào treo biển giải thích cụ thể về IUU và vạch ra việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định sẽ gây nên những hệ lụy gì cho ngư dân của Việt Nam, để ngư dân, chủ tàu ra vào cảng nhìn thấy hàng ngày, hàng giờ. Từ đó, thấm nhuần và tự chuyển biến để thay đổi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng: Chúng ta phải thay đổi tư duy không xem những yêu cầu của EC về IUU là hàng rào cản trở mà phải xem nó là động lực để thực thi Luật Thủy sản một cách hiệu quả hơn.
Do đó, việc đầu tiên các địa phương cần làm là thay đổi kế hoạch, phương pháp truyền thông. Một lực lượng sát sao, có tiếng nói và sức chi phối với ngư dân nhất chính là các thương lái thu mua sản phẩm, đầu nậu cung cấp vật tư cho người dân đi biển... Tại sao chúng ta không nghiên cứu, tìm cách đưa lực lượng này vào đội ngũ tuyên truyền viên về chống khai thác IUU.
Các địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, thanh niên, nông dân… đến từng nhà, tường thôn, xóm thông tin, tuyên truyền, động viên, hướng dẫn cho các hội viên của mình là ngư dân hiểu một cách sâu sắc được việc tại sao phải chống khai thác IUU; việc bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, thậm chí làm không tốt có thể bị “thẻ đỏ” sẽ dẫn tới những hệ lụy gì cho chính bản thân họ và cho cộng đồng ngư dân.
Đừng nghĩ cảng cá là nơi thu phí
Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ NN-PTNT ở cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, đại diện cảng cá và ngư dân đã chia sẻ thẳng thắn những tâm tư, nguyện vọng với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Trong đó, một số ý kiến đáng lưu ý như lực lượng chức năng ở cảng còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước đây, cán bộ, công nhân viên của cảng cá chỉ quản lý hạ tầng, cơ sở vật chất, nay phải làm cả chuyên môn, kiểm tra tàu cá ra vào… nên nhiều cán bộ chưa thực hiện tốt công việc được giao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các cảng cá còn hạn chế, luồng lạch bị bồi lắng ảnh hưởng đến việc tàu ra vào cảng. Các cảng cá, mong muốn được hướng dẫn mô hình quản lý mới nhất, có bao nhiêu phòng, chức năng cụ thể như thế nào.
Ngoài việc khơi thông, nạo vét luồng lạch kịp thời, cần tiếp tục tập huấn để nâng cao chuyên môn, thực thi pháp luật để thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao.
Với các chủ tàu, cơ bản ý kiến xung quanh việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo gây khó khăn cho người dân.
Trong đó, khó khăn nhất là giá dầu tăng cao, việc đánh bắt sai vùng, sai ngành nghề, thiếu nguồn lao động, khó khăn trong ghi nhật ký khai thác và nhận thức về pháp luật hạn chế, có người còn không biết chữ.
Chia sẻ với ngư dân và các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại cảng cá Ngọc Hải, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đang làm chương trình để hỗ trợ những khó khăn nói trên cho bà con, nhưng hỗ trợ gì thì người dân vẫn phải thay đổi, tự thay đổi, chuyển đổi nghề nghiệp và nghề mới, không nên trông chờ, ỷ lại.
Có thể nghị định này, nghị định kia trong thời điểm nào đó có thể gây khó khăn cho bà con, nhưng phải nghĩ, phải hiểu tại sao lại phải làm việc này, phải làm thế kia. Đừng nghĩ vì sao Nhà nước lại làm thế, nếu không làm nghiêm thì sau này sẽ khó khăn hơn cho chính người dân khi tài nguyên cạn kiệt.
Lực lượng thực thi pháp luật và người dân cần chia sẻ với nhau, 2 bên đều phải cố gắng giữ gìn chủ quyền biển đảo. Cả hai đều cần nghĩ khác đi, đừng nghĩ là 1 bên kiểm tra kiểm soát, 1 bên là đối tượng quản lý. Hãy nhìn bà con ngư dân là những người đang giữ biển, hãy ứng xử theo cách khác.
“Tôi không nghĩ đến việc bà con là ngư dân mà là những người giữ biển, giữ tài nguyên cho đất nước, mỗi người một việc, đều đóng góp cho biển đảo quê hương. Tất cả các bên đều phải nhận thức lại, làm gì cũng chỉ giúp cho bà con thôi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, các cơ quan chức năng khi làm việc với bà con về IUU, phải làm cho đến nơi đến chốn, tại sao phải làm IUU. Phải làm cho ngư dân hiểu, cuối cùng của vấn đề là giúp phát triển nghề cá bền vững, không nên lạm dụng, đừng khai thác quá mức, đừng khai thác bất hợp pháp…
Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư và các lực lượng chức năng liên quan, khi làm việc với ngư dân hãy nhẹ nhàng, không nên dùng từ cấm mà hãy cần tuyên truyền hợp lý để bà con hiểu khai thác tận diệt thì sẽ cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến đời sau.
Hãy lấy người dân là trung tâm, đừng lấy tàu cá làm trung tâm, nếu quan tâm thì sẽ có cách làm tốt, dù việc thay đổi rất khó khăn nhưng các bên hãy chia sẻ với nhau, thay đổi cách nhìn với nhau thì sẽ có cách tháo gỡ bế tắc.
Lực lượng chức năng hãy chia sẻ trước, muốn đưa chính sách vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào chính sách, được số đông người dân đồng tình. Phải kiểm soát chặt chẽ từ trong bờ và công bằng, những người chấp hành tốt phải có tiếng nói với những người chấp hành chưa tốt. Cần thay đổi để không còn phải rình rập, căng thẳng với nhau.
Ngư dân là người cảm nhận rõ nhất sản lượng thủy sản ngày càng ít nhưng câu chuyện là tại sao họ lại im lặng. Nhà chức trách cần phải nói chuyện thực tế, không nói chuyện nghị quyết, hãy ngồi cùng và con mở ra những nghề mới cho những người không còn làm nghề biển.
“Mình hành động chưa hết với bà con, trách nhiệm chưa hết, phải tôn trọng nghề của bà con. Đừng nghĩ cảng cá là nơi thu phí tàu, là nơi kiểm soát mà là nơi không gian để bà con sinh hoạt, chia sẻ với nhau, hỗ trợ ngư dân”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng mong muốn, sau mỗi chuyến đi thì cần có sinh hoạt, ngồi lại với nhau và cần có nơi để sinh hoạt, cùng chia sẻ việc làm ăn, cách sinh nhai, đánh bắt hiệu quả.
Bên cạnh đó, mỗi chuyến tàu ra khơi, có thể đưa theo khách du lịch, cùng đánh lưới, cùng ăn. Khách du lịch thích trải nghiệm cuộc sống, các chủ tàu có thể kết hợp làm du lịch, không nên xem nghề biển là chỉ khai thác thủy sản. Vấn đề này nếu thực hiện được sẽ ra được thêm 1 sinh kế, 1 nghề để ngư dân kiếm thêm thu nhập và có thêm niềm vui.
“Cuộc sống không chỉ miếng cơm manh áo mà còn về tinh thần. Làm sao để những người khi đi ra biển mà không còn lo ở nhà và người ở nhà cũng không còn phải lo cho người đi biển. Chúng ta phải suy nghĩ cho bà con, suy nghĩ như bà con để lo cho bà con”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đừng để ngư dân cảm thấy bị bỏ rơi, làm đối phó
Theo ông Đinh Văn Tráng - Chi cục trưởng Chi cục kiểm ngư vùng 1, Chi cục Kiểm ngư Vùng I tiền thân trước kia là Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Chi cục được phân công thực thi nhiệm vụ tương đối rộng (từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên - Huế), với chiều dài bờ biển khoảng 763km, diện tích vùng biển 67.203km2.
Năm 2022, Chi cục đã thực hiện và hoàn thành 17 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch với tổng số 19 lượt tàu xuồng Kiểm ngư, 238 ngày thực hiện; qua đó đã huy động 397 lượt công chức, thuyền viên kiểm ngư tham gia có thời gian bám biển trong năm với 224 ngày trên vùng biển được phân công bằng các tàu Kiểm ngư.
Các đoàn tuần tra đã kiểm tra 599 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ gồm 543 tàu cá Việt Nam và 56 tàu cá Trung Quốc, phát hiện và xử lý 107 tàu cá vi phạm (51 tàu cá Việt Nam và 56 tàu cá Trung Quốc).
Đồng thời đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính và trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với 39 trường hợp vi phạm với số tiền nộp phạt 1.633.400.000 đồng.
Ngoài ra, đã lập biên bản vi phạm hành chính, xác minh và củng cố hồ sơ đối với 10 trường hợp vi phạm lỗi nghiêm trọng trong lĩnh vực thuỷ sản trình Tổng cục Thủy sản xử lý theo thẩm quyền.
Đối với tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, các đoàn công tác đã tiến hành tiếp cận, kiểm tra được 56 tàu cá cùng 224 thuyền viên đã xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản (tăng hơn 165% so với năm 2021).
Các đoàn công tác đã tiến hành lập biên bản, cho thuyền trưởng tàu cá nước ngoài điểm chỉ, ký xác nhận vào Tổng đồ vị trí vi phạm, sau đó buộc rời khỏi vùng biển Việt Nam và yêu cầu không tái phạm.
Chia sẻ với Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các cán bộ, công nhân viên hãy tạo cảm hứng trong công việc, nếu không có tình yêu nghề thì khó làm việc, cần có tâm huyết với nghề với tài nguyên của đất nước.
Dù thu nhập còn khó khăn nhưng phải hiểu sứ mệnh, trân quý nghề nghiệp của mình, hãy ngồi lại để xác định năm mới có gì mới,… Mỗi người phải có cảm xúc tích cực, năng lượng nhưng nếu chưa biết phát huy nhiều khi sẽ rối vì công việc lặp đi lặp lại.
Kiểm ngư và kiểm lâm là hai lĩnh vực vào nghề thì phải dạy về pháp luật ngay, làm nghề gì phải biết về nghề ấy thật rõ. Đến lúc Nhà nước phải nhìn nhận lại kiểm ngư và lực lượng kiểm ngư sẽ phát triển, Bộ NN-PTNT đang xây dựng văn hóa làm việc các cơ quan, tạo sự đoàn kết, đầu ra của mình là đầu vào người khác.
Đề nghị sắp tới lĩnh vực kiểm ngư cần truyền thông, tuyên truyền, giúp bà con đa dạng hóa nghề nghiệp để có thêm thu nhập. Đừng để người dân tự cảm nghĩ là bị bỏ rơi, người ta sẽ đối phó, phản ứng… Đây là câu chuyện của đất nước, hình ảnh quốc gia, trách nhiệm với quốc tế về giữ gìn hệ sinh thái, tài nguyên biển cho thế hệ mai sau.
Đánh bắt hủy diệt và sự im lặng của người tốt
Sáng 24/12, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác làm việc tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ chiếm đến hơn 1 nửa của TP Hải Phòng.
Sau khi kiểm tra thực tế tại cảng cá Mắt Rồng và lắng nghe chia sẻ của ngư dân và chính quyền địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện nay các địa phương thường dùng từ cạn kiệt tài nguyên biển, điều này thực sự chua xót với những người làm nông nghiệp.
Cái đáng nói đang diễn ra là sự im lặng của người tốt, biết đánh bắt hủy diệt diễn ra hàng ngày nhưng người dân lại không dám báo cáo, không dám nói. Người dân vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân trong việc ngày càng cạn kiệt tài nguyên biển, xưa nay người dân thường chỉ nghĩ đến đầu ra mà chưa nghĩ đến đầu vào.
Chính quyền địa phương hãy quan tâm hơn nữa trong việc phát triển nghề cá, Hải Phòng đủ khả năng để nâng tầm và phát triển nghề cá hơn nữa. Hãy lấy con người làm trung tâm chứ đừng lấy tàu đánh cá là trung tâm, những công nhân viên chức hãy làm vì bổn phận, sự đau xót về nghề cá, đừng làm vì trách nhiệm.
Hiện nay, không gian khai thác đã hẹp lại nhưng sự tinh túy sẽ nâng tầm giá trị thủy hải sản, muốn dân phát triển thì là cả một câu chuyện, hãy cùng suy nghĩ, cùng trăn trở để cùng nhau giải quyết vấn đề.
Bộ trưởng đề nghị hãy mở rộng không gian để phát triển kinh tế thủy sản, chuyển từ thực phẩm thủy sản lên những hàng hóa giá trị gia tăng gấp hàng chục lần.
Khai thác hải sản và nghề nuôi trồng thủy sản tại xã Lập Lễ là nghề truyền thống của địa phương. Trước năm 1997, tàu cá của xã chỉ đánh bắt ven bờ và vùng lộng, do tàu nhỏ công suất từ 6-15CV khai thác vùng ven Cát Bà tối ra khơi và sáng thì vào bến Cát Bà bán hải sản, do tàu nhỏ nên không chịu được sóng to, gió lớn nên việc khai thác năng suất đạt không cao.
Theo số liệu còn lưu lại từ năm 1994, toàn xã Lập Lễ có 262 tàu cá loại nhỏ từ 6-15CV chủ yếu là máy Trung Quốc sản lượng đạt 108 tấn/năm. Do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên nghề cá ngày càng đi xuống với các nghề lưới rê tôm 3 lớp, lưới rênh khơi, lưới nhám sủ, nghề giã cào và nghề xăm đáy ven bờ ngày càng cạn kiệt, ngư dân gần như bỏ nghề, tàu thuyền nằm bến không đi sản xuất.
Từ năm 1997, thực hiện chương trình đánh cá xa bờ của Chính phủ, Lập Lễ đã đóng mới các tàu to hơn và công suất lớn hơn ngư dân địa phương chuyển dần sang nghề khai thác vó mực kết hợp ánh sáng
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, xã Lập Lễ được đầu tư đóng mới 28 tàu cá trong đó có 10 tàu vỏ thép công suất từ 700 CV đến trên 1.000 CV trên tàu lắp từ 500 đến 700 bóng chiếu sáng đi biển dài ngày nên hiệu quả khai thác tăng lên so với các tàu cũ.