Sau 4 năm tham gia Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tiếp cận thị trường và có những tác động sâu rộng đối với sức khoẻ nghề cá.
Thực hiện hiệp định PSMA để ngăn chặn khai thác thuỷ sản IUU
Hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là một vấn nạn lớn trên toàn cầu, chiếm tới 1/5 sản lượng hải sản đánh bắt tự nhiên mỗi năm. Hiện, nhiều quốc gia tham gia chung vào một hiệp định ngăn chặn IUU sẽ là hành động phối hợp hiệu quả xuyên khu vực, xuyên quốc gia và xuyên biên giới trên toàn cầu. Trong đó, Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng ( còn gọi là Hiệp định PSMA) yêu cầu các bên tham gia tăng cường kiểm soát cảng để ngăn chặn hải sản đánh bắt IUU tiếp cận thị trường và có những tác động sâu rộng đối với sức khoẻ nghề cá.
Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định này vào năm 2018 để cùng chung tay với các quốc gia chống đánh bắt IUU. Và đến ngày 4/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 757 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đến năm 2025.
Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng gồm: các hoạt động đồng bộ, tổng thể đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) một cách hiệu quả, thiết thực gắn với khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững và có trách nhiệm; hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân.
Việc thực hiện Hiệp định được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên, phối hợp giữa các thành viên và cộng đồng quốc tế nhằm quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Bên cạnh đó là việc tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng còn được xác định là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại điều 9 của Luật thuỷ sản đã quy định về cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực thuỷ sản. Trong đó có quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thuỷ sản thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Không chỉ tăng cường quản lý tàu cá khai thác hải sản và nội luật hoá Luật thuỷ sản 2017, các ngành chức năng còn đẩy mạnh công tác phối hợp, tuần tra, giám sát, xử phạt các tàu cá có hành vi vi phạm IUU. Đặc biệt, Bộ tư lệnh cảnh sát biển và Tổng cục thuỷ sản đã thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị. Trong đó duy trì liên lạc, trao đổi thông tin liên quan tới hoạt động nghề cá trên biển như: tàu cá nước ngoài xâm nhập vùng biển của nước ta, tàu cá Việt Nam hoạt động trên biển, tàu cá nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ, xử lý, tai nạn tàu cá trên các vùng biển và các thông tin khác có liên quan theo kênh thông tin đã được thiết lập. Bên cạnh đó, 2 đơn vị còn chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên biển như phát tờ rơi, sổ tay đi biển và những quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản.
Cùng với đó, lực lượng kiểm ngư Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật thuỷ sản trên vùng biển xa bờ. Các chi cục kiểm ngư vùng và các chi đội kiểm ngư đã triển khai gần 600 lượt tàu, xuồng kiểm ngư bám biển thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trên các vùng biển được giao quản lý. Tính riêng năm 2021, số tàu đã quan sát và phát hiện trên 80.000 lượt chiếc, trong đó tàu cá nước ngoài là trên 42.000 chiếc. Số tàu đã kiểm tra là trên 4600, số tàu vi phạm trên 4000 lượt, lập biên bản , xử lý vi phạm hành chính 750 lượt chiếc, thu nộp ngân sách nhà nước trên 5 tỷ đồng, ra quyết định phạt cảnh cáo 10 trường hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng quy chế phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
Trong đó có nêu ra những nhiệm vụ cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cùng với đó là đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách của Việt Nam đảm bảo tuân thủ Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan cũng là việc hết sức quan trọng đã và đang được triển khai.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, bao gồm: rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn lực tại cảng để đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan. Thiết lập cơ chế báo cáo, trao đổi, chia sẻ thông tin và xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi, kiểm tra, giám sát (MCS) từ trung ương đến địa phương để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp liên quan đến trách nhiệm của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển và quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế.
Thiết lập cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp liên quan đến trách nhiệm của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển và quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế. Tổ chức triển khai thực thi có hiệu lực, hiệu quả các quy định về thanh tra, kiểm tra tàu, quy trình, thủ tục kiểm tra tại cảng chỉ định. Giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực trong việc thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng phù hợp với khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan.
Có thể nói, Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) yêu cầu các bên tham gia tăng cường kiểm soát cảng để ngăn chặn hải sản đánh bắt (IUU) tiếp cận thị trường và có những tác động sâu rộng đối với sức khoẻ nghề cá. Trong thời gian tới, nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa sẽ được chính phủ và các ngành chức năng kiên quyết thực hiện. Từ đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về việc chống khai thác bất hợp pháp, quyết tâm gỡ thẻ vàng với thuỷ sản Việt Nam của Uỷ ban Châu Âu (EC).