| Hotline: 0983.970.780

Gom góp sản vật đồng quê, họp nhau tổ chức giỗ Tổ

Chủ Nhật 10/04/2022 , 06:30 (GMT+7)

Ở phía trời Nam, con cháu Lạc Hồng nhớ về nguồn cội đã cùng nhau lập nên đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, gom góp sản vật đồng quê, họp nhau tổ chức lễ giỗ.

Góp công, góp của dựng Đền Hùng

Mới sáng sớm, tuyến đường kênh Đông Bình đã tấp nập người ra, vào. Không hẹn mà gặp, nhiều người tìm về Đền Hùng, người mang theo sản vật là bó hoa, nải chuối, chục cam, quýt, ít cái bánh dân gian, người đến góp công trưng bày, dọn dẹp vệ sinh, cùng nhau tổ chức lễ giỗ. Chẳng ai thúc giục, đôn đốc mà công việc cứ chôi chảy như có bàn tay sắp đặt. Bởi họ đến đây với tấm lòng con cháu dòng máu Lạc Hồng, cùng nhau góp sức cho ngày lễ giỗ.

Những ngày này, tuyến đường từ thị trấn Tân Hiệp dẫn vào kênh Đông Bình luôn tấp nập người ra vào, mọi người cùng tụ tập về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương để cùng nhau tổ chức lễ giỗ. Ảnh: Trung Chánh.

Những ngày này, tuyến đường từ thị trấn Tân Hiệp dẫn vào kênh Đông Bình luôn tấp nập người ra vào, mọi người cùng tụ tập về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương để cùng nhau tổ chức lễ giỗ. Ảnh: Trung Chánh.

Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại tỉnh Kiên Giang là ngôi đền có từ rất sớm ở ĐBSCL, tọa lạc tại ấp Đông Bình, xã Thạnh Đông B (nay là thị trấn Tân Hiệp), huyện Tân Hiệp, cách quốc lộ 80 khoảng 2km. Theo các vị cao niên ở đây cho biết, kênh Đông Bình sơ khai chỉ là rạch nước nhỏ, bắt nguồn từ kênh Cái Sắn đoạn ngang kênh Zêrô chạy vào đụng rạch Bảy Mùi, dài khoảng 3km. Ban đầu rạch rất cạn, khi con nước lớn hay mùa nước nổi ghe, xuồng mới thoải mái ra vào được.

Đầu những năm 1900, khi kênh Cái Sắn được mở mang, người dân tứ xứ bắt đầu theo các rạch nước để khẩn hoang đất đai sản xuất, làm chòi sinh sống, dần hình thành nên cụm dân cư. Sau này rạch được đào mở rộng và nối dài thêm khoảng 6km nữa, tạo thành con kênh Đông Bình với chiều dài 9km như ngày nay.

Chính điện đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Chính điện đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi (Út Lợi), Trưởng ban quản lý Đền Hùng Tân Hiệp thì ngôi đền có lịch sử hình thành từ năm 1957, ban đầu tận dụng từ nhà kho được làm bằng gỗ, lợp tôn, vách ván, để cấp phát hàng viện trợ cho dân định cư của chế độ cũ bỏ hoang.

Năm 1961, xảy ra trận lụt lớn, gây mất mùa, ngôi đền cũng bị hư hại nặng, các cụ đã chở đất ruộng về tôn nền và sữa chữa lại bằng cây, lá nhưng trang nghiêm, sạch sẽ. Rồi cùng nhau góp công sức canh tác 2 lô đất được cấp, để tích lũy sau này xây lại đền. Trong lúc đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, có được ngôi đền như thế cũng là mãn nguyện lắm rồi.

Ngôi đền nhỏ nhân dân đóng góp xây dựng trước đây vẫn được giữ lại, tu sửa và thờ cúng hàng ngày, đây mới chính là ngôi đền được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định là công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (năm 2004). Ảnh: Trung Chánh.

Ngôi đền nhỏ nhân dân đóng góp xây dựng trước đây vẫn được giữ lại, tu sửa và thờ cúng hàng ngày, đây mới chính là ngôi đền được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định là công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (năm 2004). Ảnh: Trung Chánh.

Sau nhiều lần tôn tạo, ngôi đền ngày càng khang trang hơn, kiên cố uy nghi, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống ở địa phương. Qua mấy chục năm kể từ khi thành lập, hàng năm người dân đều quy tụ về đây tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch, với tính chất và quy mô ngày càng lớn hơn, trang trọng hơn.

Ông Bùi Quốc Du, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Hiệp cho biết, nhiều năm qua, huyện đã tranh thủ các nguồn lực kinh tế, xã hội hóa và vận động các mạnh thường quân để nâng cấp mở rộng diện tích khuôn viên Đền Hùng Tân Hiệp lên gần 19.000m2. Hiện ngoài ngôi đền được xây dựng mới vào năm 2015, ngôi đền nhỏ nhân dân đóng góp xây dựng trước đó vẫn được giữ lại, tu sửa và thờ cúng hàng ngày. Vì đây mới chính là ngôi đền được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định là công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (năm 2004).

Việc xây dựng Đền Hùng xứng tầm di tích Lịch sử - văn hóa, một trung tâm sinh hoạt văn hóa, du lịch, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương luôn là nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân. Tùy từng thời điểm và điều kiện kinh tế, ngôi đền thờ có thể lớn nhỏ nhưng nó là tấm lòng thành kính của mọi người dân luôn hướng về cuội nguồn dân tộc. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Đền Hùng, thể hiện trách nhiệm của chúng ta với tâm huyết và công đức của các bậc tiền bối đã có công sáng lập.  

Chung tay tổ chức lễ giỗ

Tranh thủ ngày cuối tuần, các cô giáo của Trường mẫu giáo Tân An (xã Tân An), đã chở các cháu đi hàng chục km, mang theo hoa quả, sắp hàng vào dâng hương kính nhớ các vua Hùng. Do dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng nên các cô tranh thủ đưa các cháu đi trước ngày chính giỗ 1 - 2 ngày, hạn chế tập trung đông người cùng thời điểm.

Cô Phạm Thúy Hồng, Hiệu trưởng nhà trường và là trưởng đoàn cho biết: “Đã thành thông lệ, năm nào đến dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cô và trò nhà trường cũng cùng nhau đến đây dâng lễ, thắp hương, tỏ lòng thành kính. Mỗi lần đi như vậy, các em sẽ có dịp hiểu biết nhiều hơn về lịch sử cội nguồn dân tộc, góp phần giáo dục lòng biết ơn, kính nhớ về tổ tiên, ông bà”.

Các em học sinh Trường mẫu giáo Tân An được các cô dẫn đến dâng hương tại Đền Hùng Tân Hiệp, nhằm giáo dục thế hệ trẻ tương lai về về lịch sử cội nguồn dân tộc. Ảnh: Trung Chánh.

Các em học sinh Trường mẫu giáo Tân An được các cô dẫn đến dâng hương tại Đền Hùng Tân Hiệp, nhằm giáo dục thế hệ trẻ tương lai về về lịch sử cội nguồn dân tộc. Ảnh: Trung Chánh.

Nhà ở thành phố Rạch Giá, cách Đền Hùng Tân Hiệp khoảng 30km, nhưng năm nào cũng vậy, các chị Dương Thị Tuyết Mai, Lưu Thị Thắm… luôn sắp xếp công việc, dành ra vài ngày để chuẩn bị cho lễ giỗ.

Chị Mai bảo: “Để có ngày lễ Giỗ Tổ thật trang nghiêm thì cần phải có thời gian chuẩn bị cho chu đáo. Người dân họ mang hoa quả, bông hoa đến viếng thì mình bỏ công giúp họ trưng bày cho thập đẹp rồi mới để lên bàn thờ. Mỗi người một tay, một việc, góp chút công sức cho ngày giỗ thật trọn vẹn, đoàn kết, ấp áp tình đồng bào”.

Nào cũng vậy, các chị Dương Thị Tuyết Mai luôn sắp xếp công việc, dành ra vài ngày để cùng mọi người chuẩn bị cho lễ giỗ. Ảnh: Trung Chánh.

Nào cũng vậy, các chị Dương Thị Tuyết Mai luôn sắp xếp công việc, dành ra vài ngày để cùng mọi người chuẩn bị cho lễ giỗ. Ảnh: Trung Chánh.

Những năm trước, khi dịch bệnh chưa bùng phát, số lượng người đến thắp hương, chiêm bái tại Đền Hùng Tân Hiệp ước tính hơn 15.000 lượt người (năm 2015), không chỉ khách trong tỉnh mà cả khách hành hương ngoài tỉnh. Sức lan tỏa của lễ Giỗ Tổ tại Đền Hùng Tân Hiệp ngày càng rộng, với số lượng người mỗi năm đều tăng lên.

Lễ vật do người dân mang đến, sẽ được mọi người cùng nhau sắp xếp, trưng bày thật chu đáo trước khi dân lên thờ kính các vua Hùng. Ảnh: Trung Chánh.

Lễ vật do người dân mang đến, sẽ được mọi người cùng nhau sắp xếp, trưng bày thật chu đáo trước khi dân lên thờ kính các vua Hùng. Ảnh: Trung Chánh.

Thông thường, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực và cả hoạt động thương mại, giới thiệu về các sản vật nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Người dân đến đây được đãi ăn miễn phí, với các món ăn như bánh xèo, bún, cơm chay. Những người như chị Mai, chị Thắm… luôn sẵn sàng bỏ thời gian để nấu ăn, thiết đãi mọi người.

Trong ngày chính giỗ, ngoài những rổ trái cây, bó hoa do người dân mang tới dâng tặng, các xã trong huyện đều có lễ vật là heo quay dâng lên góp của lễ. Sau khi đã dâng hương, làm lễ xong thì xã nào xã đó mang về, chia cho người dân cùng hưởng “lộc” của vua Hùng.

Xem thêm
Chuẩn bị đón bằng di tích quốc gia đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông

Hà Tĩnh Những hạng mục, công việc cuối cùng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang được tỉnh Hà Tĩnh gấp rút hoàn thành.

Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.