
Festival hoa lan TP.HCM lần 3 dự kiến sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm dịp 30/4. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý I/2025 của Sở Công thương TP.HCM, sáng 7/3, ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (Sở Công thương TP.HCM) cho biết, Festival hoa lan TP.HCM lần 3 được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan TP.HCM.
Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nói chung (du lịch, dịch vụ, thương mại, khoa học công nghệ) và ngành nông nghiệp nói riêng.
Theo ông Phạm Quang Hợi, hoa lan, cây kiểng là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của người dân thành phố và khách tham quan.
Trong những năm qua, TP.HCM đã tập trung phát triển sản xuất hoa lan, cây kiểng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Song song đó, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái để quảng bá hình ảnh nông nghiệp kết hợp du lịch trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (Sở Công thương TP.HCM) thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Festival hoa lan TP.HCM lần 3 là dịp để giới thiệu, quảng bá các chủng loại hoa lan mang lại giá trị kinh tế cao; quy tụ và giới thiệu các giống hoa lan, giống hoa, cây kiểng, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của TP.HCM cũng như các tỉnh thành.
Đây cũng là dịp kết nối văn hóa, du lịch với phát triển nông nghiệp đô thị tạo điểm đến lý tưởng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan TP.HCM.
Đặc biệt, Festival hoa lan TP.HCM lần 3 còn tạo cầu nối giữa nhà nước - nhà nông với người tiêu dùng trên lĩnh vực nông nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng "nông dân văn minh - nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại"; chia sẻ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển hoa lan, cây kiểng.
Qua đó, khẳng định vai trò của TP.HCM là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của các vùng trong cả nước.
Điểm nhấn của Festival hoa lan năm nay với chủ đề “Chuyến tàu đa sắc” được thiết kế lấy cảm hứng từ hai đoàn tàu Thống Nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày 31/12/1976 tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam mang theo khát khao hòa bình, hàn gắn và sum họp.

Mô hình chuyến tàu Bắc - Nam được trang trí bằng các loài hoa lan khắp mọi miền đất nước.
Hình ảnh chuyến tàu Bắc - Nam gắn với Metro sẽ là trục chính dẫn đến các ga tàu đặc biệt kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Nơi khách tham quan có thể trải nghiệm những nét độc đáo riêng biệt của các vùng miền, vẻ đẹp của các loài hoa lan khắp mọi miền của đất nước.
Bên cạnh hoạt động chính không gian trưng bày, triển lãm hoa lan TP.HCM với 6 Ga thể hiện điểm nhấn theo từng vùng miền, bao gồm: Ga non xanh nước biếc (vùng phía Bắc); Ga vẻ đẹp nên thơ (vùng Duyên hải Trung bộ); Ga hơi thở đại ngàn (vùng đất Tây Nguyên); Ga Thành phố 50 mùa hoa (vùng Đông Nam bộ); Ga sông nước hữu tình (vùng Tây Nam bộ); Ga Thành phố xanh (hướng đến mục tiệu Net Zero). Ngoài ra, còn có các không gian tổ chức các hoạt động mời gọi xã hội hóa.
Trong khuôn khổ Festival hoa lan, Ban tổ chức tiến hành Hội thi hoa lan Thành phố, dự kiến có khoảng 500 mẫu hoa lan dự thi, chia thành 7 nhóm chính: lan Dendrobium chớp, lan Dendrobium thường, lan Cattleya nhỏ, lan Cattleya đại, lan hài, lan rừng, lan tổng hợp.