| Hotline: 0983.970.780

Hạ Long đầu tư lớn núi Bài Thơ, 'sửa nhà' cho Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

Thứ Tư 03/04/2024 , 13:41 (GMT+7)

QUẢNG NINH Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ và đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là những công trình có kiến trúc đẹp và linh thiêng của TP Hạ Long.

Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.

Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.

Sáng 3/4, TP Hạ Long tổ chức lễ khởi công dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hóa núi Bài Thơ - mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.

Ông Nguyễn Tuấn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Cụm dự án khu văn hóa núi Bài Thơ gồm 3 dự án thành phần: Thứ nhất là dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ, tại phường Hồng Gai, TP Hạ Long với quy mô diện tích gần 1,2 ha, gồm các hạng mục chính như công trình kiến trúc (lầu bát giác, nhà vệ sinh ngầm, nhà dịch vụ); cây xanh, kè; sân, đường giao thông, bậc lên xuống, hạ tầng kỹ thuật khác...

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 154 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Đến nay, TP Hạ Long đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

Các đại biểu và nhân dân dự lễ khởi công.

Các đại biểu và nhân dân dự lễ khởi công.

Thứ hai là dự án công viên, cây xanh từ khu vực đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đến cầu Bài Thơ, tại phường Hồng Gai. Dự án có quy mô diện tích gần 0,9ha, tổng mức đầu tư khoảng 239 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 223 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố. Hiện dự án đang trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thứ ba là dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn tại phường Hồng Gai, được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Đến nay, các tổ chức, cá nhân đã công đức xây dựng đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn số tiền hơn 27 tỷ đồng. 

Phối cảnh đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn sau khi được tu bổ, mở rộng. 

Phối cảnh đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn sau khi được tu bổ, mở rộng. 

Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc.

Thời gian thực hiện dự án trong khoảng 300 ngày và dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025.

Một trong những di tích nổi tiếng của TP Hạ Long đã được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, đó là cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ, nằm trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Hồng Gai. Trong đó, đáng chú ý là Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn - một trong những công trình tâm linh với kiến trúc đẹp và linh thiêng, mang trong mình bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha. Đền được xây dựng từ thế kỷ 13, thờ Hưng Vũ Vương khai quốc công Trần Quốc Nghiễn (con trai cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Năm 1992, Đền được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Hoạt cảnh diễn tích lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của Đức ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn tại lễ hội. 

Hoạt cảnh diễn tích lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của Đức ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn tại lễ hội. 

Trước đây, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức ngày 24/3 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên từ năm 2008, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30/4 hàng năm.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.