| Hotline: 0983.970.780

Giữ gìn 'Bảo bối dân tộc Kinh' trên đất Trung Quốc

Chủ Nhật 11/02/2024 , 10:00 (GMT+7)

Tại làng chài Vạn Vỹ ở Quảng Tây, có một nghệ nhân người Kinh hơn nửa thế kỷ dành hết tâm sức truyền dạy đàn bầu cho hàng trăm người dân trên đất Trung Quốc.

1.

Lão nghệ nhân Tô Xuân Phát, cận kề cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ánh mắt vẫn rực sáng mỗi khi nghe ai đó nói tới đàn bầu. Loại nhạc cụ đã gắn bó với ông từ thuở lên 5, trong những ngày theo chú đi chăn trâu, cắt cỏ.

Nghệ nhân Tô Xuân Phát hào hứng mỗi khi được hỏi về đàn bầu. Ảnh: Vũ Cường

Nghệ nhân Tô Xuân Phát hào hứng mỗi khi được hỏi về đàn bầu. Ảnh: Cường

Ông Tô được giới nghiên cứu nghệ thuật dân gian Trung Quốc gọi là "người truyền thừa" nghệ thuật chơi đàn bầu, văn hóa dân tộc Kinh tại nước này. Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cho biết, ông Tô là lớp nghệ nhân thứ hai của dân tộc Kinh tại "Kinh tộc tam đảo" (ba hòn đảo của dân tộc Kinh) ở thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây.

Chỉ còn vài tháng nữa là ông Tô sẽ sang tuổi 70, số học sinh ông đã đào tạo từ Quảng Tây, Phúc Kiến, Hong Kong, Đài Loan, Hàng Châu và nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, gấp nhiều lần con số ấy. Năm 2019, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thống kê được số học sinh thành thạo đàn bầu nhờ ông Tô là hơn 300 người.

Sau chương trình của CCTV năm đó, số học sinh tìm tới ông Tô học độc huyền cầm (đàn bầu) tăng vọt. Cụ thể bao nhiêu người, thì lão nghệ nhân cũng không nhớ nổi. "Chắc khoảng 500 người. Tôi nhớ những cây đàn bầu làm cho học sinh, những cuốn giáo trình tôi mày mò biên soạn gửi các bạn trẻ, và cả những người dân tộc Kinh trung tuổi quanh làng chài Vạn Vỹ này, thì cỡ đó", ông Tô nói.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên phải) trò chuyện cùng hai người cháu của ông Tô Xuân Phát. Ảnh: Vũ Cường.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên phải) trò chuyện cùng hai người cháu của ông Tô Xuân Phát. Ảnh: Cường.

Trước đó, ông Tô từng có vinh dự biểu diễn đàn bầu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cố Thủ tướng Lý Khắc Cường. "Hồi đó, Tổng Bí thư Tập Cận Bình có bảo tôi rằng một dân tộc để tồn tại cần có văn hóa, ngôn ngữ. Ông Tập bảo tôi và các thế hệ sau nhất định phải gìn giữ được tiếng đàn bầu", nghệ nhân 69 tuổi kể lại.

Sau này, các tờ báo tại Trung Quốc thường gọi ông Tô là người gìn giữ bảo bối dân tộc Kinh, tức nghệ thuật chơi đàn bầu.

Bên phải tường nhà ông Tô có dòng chữ: Nhà của nghệ sĩ cấp quốc gia. Bên trái ghi: Trung tâm truyền dạy độc huyền cầm của dân tộc Kinh. Ảnh: Vũ Cường.

Bên phải tường nhà ông Tô có dòng chữ: Nhà của nghệ sĩ cấp quốc gia. Bên trái ghi: Trung tâm truyền dạy độc huyền cầm của dân tộc Kinh. Ảnh: Vũ Cường.

Từ ngoài đường cái nhìn vào, bên phải tường nhà ông Tô có dòng chữ: Nhà của nghệ sỹ cấp quốc gia. Bên trái ghi: Trung tâm truyền dạy độc huyền cầm của dân tộc Kinh.

Bức tường được trang trí bằng ảnh hàng trăm thiếu nữ trong tà áo dài, trình diễn đàn bầu trên bãi biển Kim Than (bãi cát vàng) của làng Vạn Vỹ.

Ngôi nhà cũng là nơi những người dân tộc Kinh ở 3 hòn đảo - làng chài Vạn Vỹ, Vu Đầu, Sơn Tâm, tới xin tư vấn về tập tục cổ truyền, thờ cúng, lời ca tiếng hát được tổ tiên truyền lại. Ông Tô cho hay, lúc nhỏ, nghe các bậc cao niên kể lại, người Kinh tới đây từ đầu thế kỷ 16. Thời đó, các cụ đi đánh cá từ Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), theo dòng nước đến nơi này. Ban đầu, có một làng với hai thôn, tên làng là Phúc Yên. Sau này các cụ về đưa họ hàng sang, dần dần lập nên ba hòn đảo. Trung Quốc gọi là Kinh tộc tam đảo, tức ba hòn đảo có người Kinh sinh sống.

Nghệ nhân Tô Xuân Phát diễn tấu đàn bầu cho đoàn nhà báo Việt Nam thưởng thức. Ảnh: Vũ Cường.

Nghệ nhân Tô Xuân Phát diễn tấu đàn bầu cho đoàn nhà báo Việt Nam thưởng thức. Ảnh: Vũ Cường.

Khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang, ông Tô rất vui. "Người truyền thừa" gọi cháu trai, cháu gái ra cùng biểu diễn bài "Đi cấy". Ông đàn, cháu hát. Người nhà ông Tô rất tinh tế, khi thấy tiếng đàn bầu cùng tiếng hát cất lên, mọi hoạt động của ngôi nhà như dừng lại, để khách cảm nhận hết hồn cốt làng quê.

Chỉ tiếc chưa được nghe cháu gái cả của ông Tô hát. Nữ sinh Học viện Nghệ thuật trung ương Trung Quốc, Tô Kỳ Lan là đại diện dân tộc Kinh ở Trung Quốc từng giành giải 6 tại liên hoan nghệ thuật truyền thống 56 dân tộc nước này. Cô gái sinh năm 2005 là niềm tự hào của nhiều người dân Vạn Vỹ, không chỉ bởi nét đẹp trong veo, mà bởi tài năng nghệ thuật. Đàn bầu, đương nhiên giỏi bởi được ông nội kèm cặp từ bé. Nhiều nhạc cụ khác như đàn tranh, sáo trúc hay cổ cầm của Trung Quốc, Kỳ Lan đều thành thạo. Mai này, khi thế hệ như ông Tô thành người thiên cổ, "bảo bối của người Kinh" tại Trung Quốc, sẽ do Kỳ Lan nắm giữ.

Ông Tô cùng hai người cháu biểu diễn bài "Đi cấy". Video: Vũ Cường.

2.

Nếu không tận mắt thấy, rất khó tưởng tượng rằng đường vào làng chài Vạn Vỹ có tới 6 làn xe. Cổng chào không cầu kỳ, hoa mỹ. Dòng chữ "Khu nghỉ dưỡng, du lịch đảo người Kinh" bằng chữ Hán, nằm trong tổng thể một chiếc cổng làng không khác gì các thôn làng ở miền Bắc Việt Nam. Có chăng, cái khác là con đường vào làng chài nay trải nhựa như cao tốc. "Chính phủ ưu tiên dân tộc Kinh lắm. Xưa kia đường đất, nay nhà nước bỏ tiền ra làm đường cho dân đi tới tận thành phố Đông Hưng. Ba đảo cũng nối liền một dải, mua sắm đi lại tiện vô cùng", ông Cung Tiến Hưng, một bậc cao niên ở Vạn Vỹ, vui mừng nói.

Trung tâm Vạn Vỹ, các biển báo đều được viết bằng hai ngôn ngữ, Trung - Việt. Ảnh: Vũ Cường.

Trung tâm Vạn Vỹ, các biển báo đều được viết bằng hai ngôn ngữ, Trung - Việt. Ảnh: Vũ Cường.

Ngư dân ở tuổi 79 bảo mấy năm nay ông ít đi biển như thời trai tráng. Cụ ông nên duyên với cụ bà cũng từ những lần đi chài lưới. "Ở đây thì hầu như ai cũng đi biển. Hồi ấy thuyền đánh cá về, thấy bà này đứng kéo lưới, trông xinh xinh nên tôi nhảy xuống thuyền, ra kéo cùng. Cứ thế rồi yêu, lấy nhau", ông Cung kể. Bà cụ ngồi cạnh, tủm tỉm cười rót nước cho khách, đôi mắt ánh lên những kỉ niệm của thời thiếu nữ và dường như đôi má cũng ửng hồng rồi khẽ nghiêng đầu vào vai chồng.

Hai ông bà vẫn thích ở trong ngôi nhà ngói ba gian, mái vút cong như mũi thuyền và còn lưu giữ biết bao kỉ niệm từ thuở hàn vi, thuở các con từ lúc bi bô đến lúc trưởng thành. Chính vì thế, cho dù các con, các cháu xây nhà 4 tầng, đầy đủ tiện nghi và mời tha thiết nhưng ông bà không ở. Mảnh đất tổ tiên để lại, ông bà giữ nguyên. Căn nhà ngói của hai lão ngư dân vẫn trông về hướng biển, xung quanh là các ngôi nhà cao tầng khang trang của cháu con.

Một góc phố Vạn Vỹ với những sạp bán hàng vỉa hè như ở Việt Nam. Ảnh: Vũ Cường.

Một góc phố Vạn Vỹ với những sạp bán hàng vỉa hè như ở Việt Nam. Ảnh: Vũ Cường.

Ông Cung cũng là số ít người Kinh ở "tam đảo" còn đọc được chữ Nôm. Ông sưu tầm được nhiều bài ca cổ từ thuở người Kinh tới đây khai thôn lập xóm. Dù vừa đi thăm vườn về, chưa ráo mồ hôi, ông vẫn vừa liếc bà vừa gõ vào bàn, hát: "Vì ai thương nhớ thế này. Quên đêm không ngủ nhớ ngày quên ăn. Thương nàng từng bữa cơm ăn. Hồi bê lên bát lại giàn xuống mâm. Cơm ăn một bát một lưng. Uống nước cầm chừng để bụng nhớ nhau".

Rất khó miêu tả được cảm giác của người nghe, ngay trên đất Trung Quốc lại được nghe cụ ông cụ bà hát giao duyên bằng tiếng Việt.

Điều đặc biệt nữa là giọng ông Cung là sự pha trộn giữa phương ngữ của Thanh Hóa và Thái Bình.

Ông Cung là số ít người Kinh ở 'tam đảo' còn đọc được chữ Nôm. Ảnh: Vũ Cường.

Ông Cung là số ít người Kinh ở "tam đảo" còn đọc được chữ Nôm. Ảnh: Vũ Cường.

Có nhiều từ ngữ, ông cũng không nhớ chính xác là đọc hay viết thế nào, chỉ biết "xưa các cụ dạy thế", nay vẫn hát vậy. Nhiều từ có phụ âm "d", được ông Cung đọc thành "r" giống như ở Thái Bình. Cụ bà thì vẫn nhớ quê tổ ở Thái Bình. Còn cụ ông bảo quê ở Đồ Sơn (Hải Phòng), nhưng hình như trong dòng tộc có "râu" Thái Bình.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, người Kinh ở Vạn Vỹ tới nơi này từ năm 1511. Cuốn sách "Nghi lễ hôn nhân của người Kinh ở Trung Quốc", do Tiến sĩ Châm viết ra sau nhiều năm nghiên cứu tại thực địa, cho biết: Người Kinh ở Vạn Vỹ hiện nay từ đâu đến và đến khi nào là câu hỏi đầu tiên chúng tôi muốn tìm hiểu khi điền dã ở Vạn Vỹ.

Mặc dù hương ước của làng đã bị mất trong Cách mạng văn hóa nhưng một phần trong bản hương ước đó đã được ghi lại trong vài cuốn sách ghi chép về dân tộc Kinh của các nhà dân tộc học Trung Quốc.

Một góc làng quê Vạn Vỹ. Ảnh: Võ Việt.

Một góc làng quê Vạn Vỹ. Ảnh: Võ Việt.

Sách "Giản sử Kinh tộc" ghi: "Hương ước làng còn ghi: Thừa tiên tổ phụ Hồng Thuận tam niên quán tại Đồ Sơn, lưu lạc xuất đáo... lập cơ hương ấp nhất xã nhị thôn, các hữu đình từ".

Sách "Ghi chép về phong tục của dân tộc Kinh" ghi: "1953 tìm thấy hương ước ở Vạn Vỹ ghi: tổ tiên quê ở Đồ Sơn, vào năm 1511 đi biển bị gặp bão phiêu bạt đến lập cư hương ấp nhất xã nhị thôn, có đình miếu thờ các liệt vị hương hỏa. Không phải đến đời Tự Đức thứ 28 mới có cúng tế và hội họp để lập ra tân ước. Hồng Thuận (các sách sử của Việt Nam ghi là Hùng Thuận nhưng người Kinh ở Vạn Vĩ đọc là Hồng Thuận do chữ này trong chữ Hán có thể đọc ra thành hai âm Việt) là niên hiệu của Dực đế triều Lê tương ứng với đời Minh ở Trung Quốc là Vũ Tông Chính Đức thứ 6 (1511). Hương ước này lập năm Tự Đức thứ 28, tức Tự Đức Hoàng Đế triều Nguyễn của Việt Nam. Năm Tự Đức thứ 28 tức là Đức Tông Quang Tự nguyên niên đời Thanh ở Trung Quốc (1875)".

Ngoài cứ liệu trong sách vở trên, chúng tôi còn tìm thấy trong văn sớ ở đình cũng ghi: "Tổ tiên quán tại Đồ Sơn, đời Hồng Thuận tam niên đến chốn này đặt tên làng là Phúc Yên. Cho đến nay bên cạnh tên làng là Vạn Vỹ, vẫn tồn tại tên dân gian là làng Phúc Yên từ xa xưa".

Một ngôi nhà của gia đình người Kinh tại Vạn Vỹ. Ảnh: Võ Việt.

Một ngôi nhà của gia đình người Kinh tại Vạn Vỹ. Ảnh: Võ Việt.

Tài liệu trong cuốn sách của Tiến sỹ Châm cũng khẳng định ngoài việc xác nhận nguồn gốc Đồ Sơn của người Vạn Vỹ, tổ tiên họ đến đây không cùng một thời gian mà có sự cách nhau khá xa, có họ đã đến được mười đời, có họ chín đời, có họ bảy đến tám đời và có họ chỉ mới ba đến bốn đời. Ông tổ của họ chủ yếu từ Đồ Sơn, Thanh Hóa, Móng Cái (Quảng Ninh). "Người Kinh ở Phòng Thành có 30 họ, họ Lưu chiếm 41%, các họ đến từ Đồ Sơn, Hoa Phong, Nghệ An, Thanh Hóa, Thụy Khê, Vạn Trụ, Giáp Bạch, Móng Cái...", theo ghi nhận của Tiến sỹ Châm.

"Theo chúng tôi sử liệu này và lời kể của người dân là có thể tin cậy vì có thể tìm thấy một số dấu vết của Thanh Hóa ở đây như tiếng nói của người Kinh ở Vạn Vỹ nay khá giống thổ ngữ Thanh Hóa, một số ngư cụ và phương thức khai thác biển cũng tương tự, lễ vật trong lễ cầu ngư giống ở một số làng biển Thanh Hóa như Ngư Lộc, Hậu Lộc", Tiến sỹ Châm viết.

Ông Cung Tiến Hưng ngẫu hứng hát một đoạn giao duyên bằng tiếng Việt. Video: Vũ Cường.

3.

Nhiệt tình, hào sảng, là điều lập tức thấy ngay khi đặt chân đến "Kinh tộc tam đảo". Chỉ cần thấy du khách nói với nhau bằng tiếng Việt, nhiều người dân địa phương sẽ lập tức niềm nở đón chào.

Ngay lối đi chính từ cổng làng Vạn Vỹ vào khu trung tâm, có Bảo tàng Dân tộc Kinh của thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Bảo tàng mở cửa hoàn toàn miễn phí. Một cô gái trong trang phục áo dài ngồi ngay nhà trưng bày, hướng dẫn và giải đáp cho du khách. Chỉ tiếc là cô gái người Kinh không còn nói được nhiều tiếng Việt, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Hán và tiếng Pạc Và (phương ngữ chính tại Quảng Tây, Quảng Đông, Hong Kong).

Trang phục truyền thống của người Việt được trưng bày bên trong bảo tàng. Ảnh: Vũ Cường.

Trang phục truyền thống của người Việt được trưng bày bên trong bảo tàng. Ảnh: Vũ Cường.

Bên trong bảo tàng trưng bày gần như toàn bộ vật dụng, trang phục, của người Kinh, kèm theo nhiều video có phụ đề tiếng Trung, tiếng Anh, nói về văn hóa, lịch sử người Kinh ở nơi này.

Con em người Kinh tại đây khi thi đại học được cộng 20 điểm, chính sách ưu tiên của Trung Quốc với dân tộc ít người. Để vào được Đại học Quảng Tây danh giá bậc nhất tỉnh, cần 650 điểm. Còn để vào các trường nổi tiếng thế giới như Bắc Đại, Thanh Hoa, cần hơn 700 điểm. Tại Trung Quốc, thang điểm cao nhất cho mỗi môn thi là 100. Nhóm PV Báo Nông nghiệp Việt Nam không khỏi bất ngờ khi tới trường tiểu học người Kinh tại Vạn Vỹ. Khuôn viên sân trường rợp bóng cây xanh. Dưới tán cây là sân bóng đá, bóng rổ, sân điền kinh. Mức quan tâm đến giáo dục được thể hiện bằng sự đầu tư cụ thể về hoạt động thể chất, song song với các môn học văn hóa. Học sinh cấp tiểu học trở đi, đều đặn hàng tuần có ít nhất một buổi học tiếng Kinh, đàn bầu.

Bên trong ngôi trường tiểu học của người Kinh ở Vạn Vỹ. Ảnh: Võ Việt.

Bên trong ngôi trường tiểu học của người Kinh ở Vạn Vỹ. Ảnh: Võ Việt.

Hiệu phó trường tiểu học người Kinh tại đây cho biết, trường dự kiến sẽ mời các bậc cao niên, những người am hiểu văn hóa, ngôn ngữ viết riêng giáo trình tiếng Kinh cho học sinh. Hiện tại, các môn học nêu trên mới chủ yếu dạy theo kinh nghiệm, chưa có giáo trình.

Sự thay đổi về ngôn ngữ thể hiện rõ tại nơi này. Tiếng Kinh ở đây không còn phân chia ngôi thứ nhiều như tại Việt Nam, thay vào đó là xưng "tao, mày" ở bất cứ ngôi đối thoại nào.

Điều này khiến một số sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt tỏ ra khá bối rối khi đến Vạn Vỹ. Lão nghệ nhân Tô Xuân Phát khi nghe chúng tôi kể, cười bảo: "Các thế hệ sau nói tiếng Kinh (tiếng Việt) dần khác đi. Đôi lúc tôi cũng lo là dần dần đám trẻ sẽ chỉ còn nói tiếng phổ thông và tiếng Pạc Và". Trong lúc nghệ nhân Tô đang kể chuyện, hai cháu nội của ông ở ngoài cửa đáp "ơi" rõ to khi bố mẹ gọi. Điều này có thể lạ ở Việt Nam, nhưng lại bình thường tại Vạn Vỹ.

Đình Hát ở Vạn Vỹ. Ảnh: Vũ Cường.

Đình Hát ở Vạn Vỹ. Ảnh: Vũ Cường.

Ấn tượng nhất, cảm động nhất, có lẽ là cảm giác sải từng bước dưới bóng rợp của cây đa cổ thụ 200 năm tuổi trước đình làng Vạn Vỹ. Trước mặt cây đa là một tấm biển đá, khắc 5 chữ lớn "Cây tương tư Nam Quốc". Phía dưới 5 chữ lớn, là bài thơ với nội dung như lời tổ huấn răn dạy các thế hệ sau không được quên nguồi cội dân tộc.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng ông Cung Tiến Hưng chụp ảnh bên Cây tương tư Nam Quốc. Ảnh: Vũ Cường.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng ông Cung Tiến Hưng chụp ảnh bên Cây tương tư Nam Quốc. Ảnh: Vũ Cường.

Đình làng Việt tại 3 thôn Vũ Đầu, Sơn Tâm, Vạn Vỹ vẫn giữ được những nét đặc trưng của đình làng Việt, trong những ngày bình thường, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của mọi người trong thôn.

Có lẽ, những tập tục làng xã nghiêm cẩn, được những người lớn tuổi nghiêm khắc thực thi, đã giúp cho 3 làng, qua đằng đẵng hơn 5 thế kỷ, vẫn giữ được những nét truyền thống Việt.

Ngoài một số điểm đặc biệt về ngôn ngữ, văn hóa, thì ấn tượng dễ thấy khác ở Vạn Vỹ là ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Họ đốt pháo theo giờ quy định, không đốt bừa bãi.

Người Kinh ở Vạn Vỹ ngoài nghề đi biển còn làm du lịch, buôn bán, kinh tế ngày càng phát triển. Ảnh: Vũ Cường.

Người Kinh ở Vạn Vỹ ngoài nghề đi biển còn làm du lịch, buôn bán, kinh tế ngày càng phát triển. Ảnh: Vũ Cường.

Anh Vũ Hoàng Nguyên, một du khách đến từ Quảng Ninh (Việt Nam) cho biết: "Mặc dù chỉ là một làng thôi nhưng đã cực kỳ văn minh, đường và vỉa hè rất rộng và sạch sẽ. Khách sạn tôi ở có xe máy điện nhưng vì mình chỉ có tiền mặt nên họ không được cho thuê, phải là quẹt thẻ. Đêm đến, xe máy, ô tô để hết ngoài đường nhưng không bao giờ mất trộm vì an ninh cực tốt".

Anh Nguyên kể kỷ niệm một lần đốt pháo ở Vạn Vỹ lúc 3h chiều, chỉ vài phút sau đã có lao công chạy xe chuyên dụng đến thu dọn xác pháo. Dân Vạn Vỹ nói với anh, họ nghe tiếng pháo ở đâu thì sẽ đến đó dọn. "Khu này nông thôn nên đốt ở đâu cũng được nhưng trên phố muốn đốt pháo phải đốt đúng điểm được quy định. Hôm đó tôi không biết, nên cũng ngại. Lần sau, lúc nào họ đốt thì mình ra đốt cùng, hoặc cẩn thận hỏi kỹ giờ giấc", anh Nguyên chia sẻ.

Một quán ăn của người Kinh tại Vạn Vỹ. Ảnh: Vũ Cường.

Một quán ăn của người Kinh tại Vạn Vỹ. Ảnh: Vũ Cường.

Du khách đến từ đất mỏ Quảng Ninh cũng bày tỏ thích thú về văn hóa kinh doanh ở Vạn Vỹ. "Bạn mua hàng ở quán này nhưng nếu quán hết ghế thì bạn mang đồ ăn sang ngồi quán bên cạnh họ cũng vui vẻ".

Trước khi về lại Việt Nam, nhóm phóng viên được anh Thành, một người Kinh ở Vạn Vỹ đưa ra quán chiêu đãi món cá dìa nấu canh, sườn rán, rau cải xào, vịt quay và hàu hấp. Chúng tôi trò chuyện rất vui vẻ và lưu lại số điện thoại của nhau. Anh Thành hẹn, khi nào qua Việt Nam "nhất định sẽ gọi chúng mày đưa tao đi chơi rồi nhậu một chầu túy lúy".

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.