Hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết 26, Hà Nội đã huy động được hơn 165.355 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho khu vực tam nông. Từ trông chờ, ỉ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia vào việc xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống, làm giàu trên chính quê hương mình bằng nhiều hình thức như lập trang trại, gia trại, đa dạng kinh tế hộ, chỉnh trang nhà cửa, mua sắm đồ đạc tiện nghi…
Thu nhập của nông dân từ trung bình chỉ 8 triệu năm 2008 đến hết năm 2020 đã tăng lên 55 triệu, công tác chăm sóc sức khỏe dần đáp ứng được một phần nhu cầu sống khỏe, sống có ích, mức độ hài lòng cũng tăng theo. Riêng về xây dựng NTM đến nay Thủ đô đã có 12/18 huyện, thị đạt chuẩn NTM, 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong đó huyện Đan Phượng đã phủ kín 100%.
Cả thành phố chỉ còn lại 14 xã chưa đạt chuẩn NTM, một con số tưởng như nhỏ tuy nhiên đây đều là những xã thuộc vùng sâu, vùng xa, lại nằm trong 2 huyện còn nhiều khó khăn về giao thông, giao thương, phát triển kinh tế là Ba Vì và Mỹ Đức nên khó lại càng thêm khó.
Cụ thể, huyện Mỹ Đức hiện còn 5 xã chưa đạt NTM và vướng mắc chung đều là tiêu chí trường học khi phải có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia trong khi nguồn vốn lại thiếu và tiến độ thi công lại chậm vì giãn cách xã hội do Covid 19. Huyện Ba Vì còn 9 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM trong đó trừ 2 xã là Vân Hòa và Ba Vì đã đủ điều kiện để trình duyệt thì 7 xã còn lại cũng đang phải “vật lộn” với tiêu chí trường học. Như xã Vật Lại trường tiểu học của địa phương này đã giải phóng xong mặt bằng nhưng vẫn chưa thể tiến hành thi công theo đúng tiến độ đã đề ra ban đầu.
Ngân sách của địa phương hạn hẹp, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trong khi đó việc kêu gọi xã hội hóa nguồn lực để xây dựng NTM ở những nơi này cũng còn tương đối khó. Bởi vậy rất cần thành phố cũng nhưhuyện hỗ trợ, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những xã chưa đạt NTM để có thể về đích theo đúng kế hoạch trong năm 2021 này.
Thứ nữa, phối hợp với các xã chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như trường học, đường giao thông theo phương châm vừa tuân thủ 5 K theo yêu cầu phòng chống dịch Covid 19 vừa xây dựng vượt tiến độ để bù lại thời gian bị ngưng trệ.
Trong một kế hoạch dài hơi hơn, để làm bệ đỡ cho việc phát triển NTM một cách bền vững, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5 đến 3%/năm, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên.
Song song với đó, hoàn thành việc đầu tư xây dựng, phát triển cho 5 huyện trở thành quận và xong nhiệm vụ xây dựng NTM với 100% huyện, xã đạt chuẩn; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 54.492 tỷ đồng với tỷ trọng ngành trồng trọt 42,03%, chăn nuôi 54,6%, dịch vụ 3,37%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tuy được đánh giá là khá so với nhiều tỉnh thành trong khu vực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Còn ít nông sản hàng hóa quy mô lớn, có thương hiệu, tạo dựng được các chuỗi giá trị, minh bạch cả đầu vào lẫn đầu ra. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn chưa đạt, nhất là tỷ trọng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế. Việc tuyên truyền, kết nối để các quận hỗ trợ các huyện trong xây dựng NTM còn chưa tương xứng với khả năng kinh tế. Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều. Vẫn còn có một khoảng cách lớn giữa thu nhập của người dân vùng nông thôn và người dân vùng thành thị. Vấn đề phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, rác thải làng nghề, rác thải sinh hoạt nhiều nơi bị ứ đọng gây ra ô nhiễm.