Hơn chục năm nay thủy sản Hà Tĩnh chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ảnh: Thanh Nga. |
Mặc dù xác định được xu thế tất yếu của thị trường như trên, nhưng thực tế con đường đưa sản phẩm thủy sản xuất ngoại của tỉnh Hà Tĩnh đang rất xa vời.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh lý giải: Sản lượng thủy sản khai thác cũng như nuôi trồng của Hà Tĩnh đang mang tính thời vụ, không ổn định; trên địa bàn cũng chưa có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực trực tiếp thu mua, chế biến, đưa hàng sang Trung Quốc.
“Yếu tố cần nhất bây giờ là có một doanh nghiệp đủ tầm để làm đầu kéo. Tức là doanh nghiệp này đứng ra thu gom tất cả các sản phẩm tôm, cá, mực, ốc… đủ điều kiện xuất khẩu từ các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã để tổ chức tiêu thụ”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Để hướng tới đi chính ngạch ổn định, địa phương này cần có một doanh nghiệp đủ tiềm lực làm đầu kéo. Ảnh: Thanh Nga. |
Riêng vùng nguyên liệu, mặc dù đang hạn chế, song những năm gần đây, Hà Tĩnh đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân nuôi tôm rất hiệu quả.
Ví dụ, Cty CP Thủy sản Thông Thuận; Cty TNHH Hồng Thái (huyện Nghi Xuân), Cty TNHH Sao Đại Dương… thường xuyên ký hợp đồng với các hợp tác xã, hộ nuôi trồng cung ứng giống tôm, thức ăn trả chậm; hỗ trợ giá tôm, thức ăn khi thị trường có những biến động bất thường; hỗ trợ giống khi tôm nuôi bị chết…
Ngoài ra, tỉnh hướng dẫn bà con tổ chức liên kết trong vùng nuôi, tuân thủ một quy trình kỹ thuật, từ chọn giống, thời vụ thả nuôi; thực hiện các giải pháp phòng trừ dịch bệnh; thu hoạch sản phẩm; xử lý môi trường ao nuôi…
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ hơn chục năm nay người nuôi trồng và khai thác thủy sản Hà Tĩnh đã xác định, Trung Quốc là thị trường tiềm năng. Giá thu mua của các doanh nghiệp nước này thường cao hơn so với các nhà máy chế biến phía Nam từ 5.000đ – 7.000đ/kg nguyên liệu.
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Hà Tĩnh có cả nuôi trồng và khai thác. Ảnh: Thanh Nga. |
Tuy nhiên, do việc xuất khẩu chủ yếu đi đường tiểu ngạch nên khi Trung Quốc thay đổi cơ chế, yêu cầu kỹ thuật cao lên, Hà Tĩnh khó đáp ứng. Điển hình là từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc cấm nhập khẩu mặt hàng thủy sản ướp đá, yêu cầu cấp đông nên thủy sản Hà Tĩnh bị “tắc” sản lượng khá lớn.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hơn 10 năm nay, bình quân mỗi năm Hà Tĩnh xuất khẩu tiểu ngạch thủy sản qua Trung Quốc với sản lượng trên 4.000 tấn/năm. |
“Hà Tĩnh chưa thể cấp đông sản phẩm do các nhà máy cấp đông không đủ điều kiện cấp đông hàng đi Trung Quốc hoặc giá thành sản phẩm sau cấp đông cao, buộc doanh nghiệp thu mua “ép” giá người sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của người nuôi trồng, khai thác”, ông Hoàng nói.
Vị Chi cục trưởng cho rằng, trước mắt, khi địa phương chưa có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực trực tiếp thu mua, chế biến, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì các bộ ngành 2 nước Việt - Trung cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phía Bắc, phía Nam sớm được đi chính ngạch và phải đảm bảo điều kiện ổn định về sản lượng, giá cả thu mua cho người sản xuất.
Về lâu dài, người nuôi trồng, khai thác ở Hà Tĩnh phải xác định xu thế thị trường xuất nhập khẩu sẽ đòi hỏi cao hơn về mặt chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, trong nuôi trồng cần tuân thủ quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng kháng sinh, tạp chất. Trong khai thác, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc; bảo quản đạt chất lượng …