| Hotline: 0983.970.780

Sửa chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông

Thứ Sáu 06/12/2024 , 14:16 (GMT+7)

YÊN BÁI Sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân các địa phương ở Mù Cang Chải đã thu gom rơm rạ, chuẩn bị cỏ xanh, dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.

Người dân ở huyện Mù Cang Chải đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi trong mùa rét. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân ở huyện Mù Cang Chải đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi trong mùa rét. Ảnh: Thanh Tiến.

Sửa chuồng, chuẩn bị thức ăn dự trữ từ sớm

Mùa đông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) thường rất khắc nghiệt, nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài với cái lạnh cắt da cắt thịt, nhiều khu vực còn xuất hiện băng giá. Do đó kéo theo vô vàn khó khăn đối với người dân nơi đây, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho đàn gia súc.

Để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi trong mùa đông, chính quyền địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ngay từ cuối tháng 10, sau khi thu hoạch vụ mùa, nhân dân các địa phương trong huyện đã tích cực thu gom rơm rạ, chuẩn bị cỏ voi, lấy thân cây ngô về ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho trâu bò

Nuôi nhốt là biện pháp tốt nhất để phòng chống rét cho đàn gia súc. Ảnh: Thanh Tiến.

Nuôi nhốt là biện pháp tốt nhất để phòng chống rét cho đàn gia súc. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình chị Lý Thị Su ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha có đàn trâu 5 con, đây là tài sản chính, vừa cung cấp sức kéo vừa là nguồn thu nhập hàng năm. Từ kinh nghiệm của những mùa đông năm trước, năm nay gia đình chị Su đã tu sửa chuồng trại, đổ bê tông khu vực sân và chuẩn bị bạt che chắn khi gió lạnh tràn về để bảo vệ đàn trâu.

Chị Su chia sẻ, trước đây người dân ở đây thường có thói quen nuôi trâu thả rông, buộc nhốt ven đường và quanh nhà, ít dự trữ thức ăn nên khi xảy ra các đợt rét đậm kéo dài làm nhiều trâu, bò chết rét, chết đói. Được sự hướng dẫn của chính quyền, mấy năm gần đây cứ gặt xong là gia đình chị huy động các thành viên thu gom rơm rạ về phơi khô dự trữ làm thức ăn cho đàn trâu. Ngoài ra, còn trồng sẵn cỏ voi, chuẩn bị những bao cám ngô, sắn để bổ sung thêm thức ăn tinh cho trâu khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom phân để bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, không bị đọng nước. 

Cũng như nhà chị Su, gia đình ông Khang A Lênh ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha đã tất bật sửa sang chuồng trại, lợp lại mái do bị hư hỏng trong đợt mưa lũ. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông Lênh đã thực hiện vệ sinh máng ăn, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng nuôi, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng để bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi trong mùa đông giá lạnh đang đến gần.

Chuẩn bị thức ăn dự trữ sẽ giúp người dân bảo vệ tốt đàn vật nuôi trong những đợt rét đậm kéo dài. Ảnh: Thanh Tiến.

Chuẩn bị thức ăn dự trữ sẽ giúp người dân bảo vệ tốt đàn vật nuôi trong những đợt rét đậm kéo dài. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lênh cho biết, đợt rét đậm đầu năm 2022 đã làm chết 1 con nghé của gia đình, thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, mùa đông năm ngoái và năm nay, nhà ông không chủ quan thả rông trâu, bò như trước mà chủ động sửa chữa chuồng trại, lấy bạt che chắn để nuôi nhốt trong những ngày rét đậm, rét hại.

Ngoài ra, ông thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng nuôi khô ráo để giữ ấm cho trâu, bò. Chuẩn bị bột ngô, sắn để nấu thêm cháo cho gia súc khi trời giá rét. Nếu nhiệt độ xuống quá thấp có thể lấy bao tải làm áo cho trâu hoặc dùng trấu, củi đốt lửa để sưởi ấm.

Nuôi nhốt và bổ sung thức ăn tinh

Khi mùa đông đến, cái lạnh bao phủ khắp các bản làng, mưa phùn, sương mù dày đặc. Những con trâu, bò vốn là sinh kế quan trọng của người dân vùng cao sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và rét buốt. Những năm trước, ở Mù Cang Chải và một số địa phương khác trong tỉnh Yên Bái thường xuyên ghi nhận tình trạng trâu, bò chết do đói, rét trong mùa đông. Có những năm như 2018, 2021 tình trạng trâu, bò chết lên đến hàng chục, hàng trăm con, gây thiệt lớn cho người chăn nuôi.

Đa phần các hộ dân ở Mù Cang Chải đã sửa sang lại chuồng trại, thu gom rơm rạ làm thức ăn dự trữ từ sớm. Ảnh: Thanh Tiến.

Đa phần các hộ dân ở Mù Cang Chải đã sửa sang lại chuồng trại, thu gom rơm rạ làm thức ăn dự trữ từ sớm. Ảnh: Thanh Tiến.

Chính vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tình trạng này có thể tiếp tục diễn ra khi những diễn biến của thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường.

Để nâng cao hiệu quả việc chống đói, rét cho đàn vật nuôi, ngay từ trước mùa đông, ngành nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho các chủ hộ chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi phương thức chăn thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát và nuôi nhốt trong điều kiện thời tiết bất lợi. 

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, hiện tổng đàn gia súc chính của huyện ước đạt trên 90.000 con, trong đó gần 16.000 con trâu, hơn 8.500 con bò, gần 70.000 con lợn và một số loại vật nuôi khác như dê, hươu… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết gây ra trong mùa đông, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản yêu cầu các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc. Hướng dẫn và vận động người dân sửa chữa, che chắn, vệ sinh chuồng trại. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc khi trời giá rét; trồng các loại cây xanh như cỏ voi, gieo ngô dày, tận dụng triệt để phụ phẩm như rơm rạ, thân cây ngô, cỏ phơi khô hoặc chế biến ủ chua dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò. 

Tiêm phòng vacxin và vệ sinh chuồng trại thường xuyên sẽ giúp phòng tránh dịch bệnh cho gia súc. Ảnh: Thanh Tiến.

Tiêm phòng vacxin và vệ sinh chuồng trại thường xuyên sẽ giúp phòng tránh dịch bệnh cho gia súc. Ảnh: Thanh Tiến.

Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống đói, rét cho gia súc ở một số xã như Nậm Có, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn... Qua đó, nhận thấy phần lớn các chuồng trại chăn nuôi đã được người dân chủ động quây bạt che chắn kỹ và chủ động nguồn thức ăn cho những đợt rét kéo dài.

Ngoài ra, các ngành chức năng và địa phương chú trọng việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Thực hiện tiêm vacxin định kỳ để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Với những biện pháp chủ động trong việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, không chỉ góp phần bảo vệ những “đầu cơ nghiệp”của bà con mà còn là nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Xem thêm
Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.