| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó bão số 5

Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đề phòng sóng biển cao 5m

Thứ Năm 17/09/2020 , 19:18 (GMT+7)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến khoảng 4h ngày 18/9, bão số 5 cách Đà Nẵng khoảng 220km, gió giật cấp 10 đến cấp 11, giật cấp 13.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 vào ngày 17/9. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 vào ngày 17/9. Ảnh: Minh Phúc.

Từ khoảng 16h ngày 18/9 bão số 5 ở trên đất liền từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, gió cấp 9, giật cấp 11.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng sóng cao từ 3 - 5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5 đến 1m gây ngập úng cách khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông và ven biển.

Trao đổi tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày 17/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: Lượng mưa trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 từ 200 - 300mm trong cả đợt, thời gian mưa tập trung đến ngày mai và kéo dài khoảng 36 giờ. Đặc biệt, vùng trọng tâm mưa ở các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có thể lên tới 300 - 400mm.

Đến chiều qua, trong vùng nguy hiểm trên biển (bao gồm giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa) vẫn còn 230 tàu với 1.591 lao động. Các phương tiện đã nắm được thông tin bão số 5 và đang di chuyển về bờ hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đối với các vùng sản xuất lúa trong vùng ảnh hưởng của bão số 5, có khoảng 30% diện tích lúa có thể thu hoạch được theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, còn 70% lúa đang làm đòng và chắc xanh, chưa chín. Các tỉnh trong vùng nguy hiểm từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã ban bố lệnh cấm biển.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết: Theo kế hoạch, khoảng 1,1 triệu người cần phải sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, thao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, việc sơ tán dân cần phải thận trọng và phù hợp tình hình thực tế, tránh gây hoang mang cho nhân dân.

“Từ tối 16/8, Bộ TT-TT đã chỉ đạo chính thức kích hoạt hệ thống tin nhắn đến 10,1 triệu thuê bao của người dân trong vùng ảnh hưởng, tùy theo diễn biến bão sẽ còn tăng thêm”, ông Hoài nói.

Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: Đối với các tàu đánh cá và tàu vận tải hoạt động trên biển, Tổng cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ (kể cả thông báo cho các cảng vụ) để thông tin, thúc giục các tàu ra khỏi vùng biển nguy hiểm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại khu vực vùng núi rất dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét; khu vực ven biển, vùng trũng dễ xảy ra ngập lụt, bởi vậy, cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học

Chính quyền các tỉnh đã có thông báo khẩn cho phép học sinh nghỉ học để tránh bão số 5. Tại Quảng Nam, học sinh cả 3 cấp nghỉ học 1 ngày 18/9. Quảng Ngãi cũng cho học sinh, sinh viên nghỉ ngày 18/9. TP Đà Nẵng cho toàn bộ học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học vào thứ 6 (18/9) và thứ 7 (19/9).

L.K

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bão mạnh, đi nhanh, không được chủ quan

Ngày 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tham gia Đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo các Bộ, ngành.

Kiểm tra trực tiếp tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), Phó Thủ tướng khẳng định cơn bão này đi khá nhanh và mạnh nên đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương công tác ứng phó và không được chủ quan.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, hỗ trợ người dân di dời; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân tại các khu vực nguy hiểm; bảo vệ, gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông.

Cùng với đó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động tiêu úng chống ngập, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó triển khai sơ tán các hộ dân ở những khu vực trọng điểm, xung yếu được dự báo ảnh hưởng.

T.Thành

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất