| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Dốc sức khắc phục hậu quả lốc xoáy

Thứ Năm 02/05/2019 , 08:52 (GMT+7)

Một cơn lốc xoáy kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã cuốn phăng hơn 6 tỷ đồng của người dân các huyện Hương Sơn, Nghi Xuân, Hương Khê.

16-29-18_1
Cơn dông xô đổ hơn 800 ha lúa Xuân

Hiện chính quyền các địa phương đang tập trung huy động lực lượng giúp dân dựng lại nhà cửa, thu hoạch lúa, sớm ổn định đời sống.

Cơn dông chỉ kéo dài trong khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng vừa đủ để “hốt” hàng trăm mái nhà bay xa cả vài chục mét, vỡ vụn. Một số công trình như trường học, điện cao thế cũng bị xô đổ, hư hỏng nặng. Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lốc xoáy xảy ra diện rộng; trong đó, nặng nhất là các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân. “Thống kê sơ bộ, có 192 nhà dân và 56 công trình phụ trợ bị tốc mái, hư hỏng; 807 ha lúa vụ Xuân; 190 ha ngô; 20 ha cây ăn quả bị đổ, gãy; 0,5 ha nuôi trồng thủy sản mất trắng...” vị lãnh đạo này nói.

Xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn là một trong những xã nằm giữa tâm cơn dông lốc. Hơn 40 căn nhà của người dân đã bị tốc mái hoàn toàn. Đặc biệt, khoảng 55 ha lúa đang vào kỳ thu hoạch; 25,5 ha ngô bị đổ gãy không chỉ khiến người dân vừa mất của lại còn thêm công.

16-29-18_4
Nông dân đổ ra đồng thu hoạch lúa sau lốc xoáy

Gần 1 mẫu ruộng của gia đình chị Phan Thị Ngọc, xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn chín rũ bên chân ruộng. Nếu thời tiết thuận lợi, chị chỉ cần thuê máy gặt trong một ngày là gọn. Tuy nhiên, trận mưa bất ngờ, gió ập xuống ào ào, khiến toàn bộ diện tích đổ sạp, xếp chồng lên nhau. “Công thu hoạch sẽ rất vất vả, hoàn toàn phải bằng tay chứ lúa đổ thế này khó mà thu hoạch bằng máy”, chị Ngọc nhìn xuống thửa rộng bị nhấn chìm dưới nước thở dài.

Ngoài trồng trọt, người nuôi tôm ở huyện Nghi Xuân trong tích tắc cũng mất trắng hàng trăm triệu đồng. Ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc Kỹ thuật HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, huyện Nghi Xuân rầu rĩ bảo, gió lớn đã thổi bay nhiều quạt sục khí, cột điện và hệ thống cung cấp dưỡng sinh làm cho hàng chục tấn tôm sắp đến kỳ thu hoạch thiếu ô xi, chết trắng hồ. Để cứu vốn, HTX đang tổ chức thu hoạch tôm “bán tống, bán tháo” với giá 25.000 đồng/kg (giá tôm sống 140.000đ/kg).

16-29-18_2
Tôm nuôi chết trắng hồ (ảnh: BHT)

Theo khảo sát của NNVN, trong ngày 1/5, các địa phương đang chỉ đạo tất cả các lực lượng, đoàn thể như: Công an, Bộ đội, Thanh niên, Phụ nữ... đến giúp dân lợp lại nhà ở, thu hoạch lúa Xuân và dựng lại cây màu bị đổ ngã.

Ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh) khuyến cáo: “Cơn dông chiều 30/4 tuy có ảnh hưởng đến năng suất trung bình lúa xuân toàn tỉnh nhưng do mưa xảy ra ngắn nên các chân ruộng chưa kịp tích trữ nhiều nước nên hạn chế được hạt lúa nảy mầm trên ruộng. Hai hôm nay trời đã hửng nắng trở lại, bà con cần chủ động, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch những diện tích lúa bị đổ, hạn chế thiệt hại”.

Được biết, tính đến ngày 30/4 toàn tỉnh mới có khoảng 20.000ha lúa được thu hoạch. Con số này mới chiếm 1/3 tổng diện tích toàn tỉnh.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.