Ngày 18/3, Tổ chức Động vật Châu Á đã tiếp nhận 2 cá thể voi nhà từ huyện Buôn Đôn và huyện Lắk tham gia vào mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yók Dôn, tỉnh Đắk Lắk.
Hai cá thể voi nhà tên là Ta Nuôn (40 tuổi), của gia đình Y Khu và Y Khun (45 tuổi), của Công ty Du lịch Sinh thái Vân Long, huyện Lắk. Trong đó, voi Y Khun có tính cách thất thường, do một phần vì bị bệnh viêm da, đã tái đi tái lại nhiều lần nên khó tính.
Voi Ta Nuôn và Y Khun là hai cá thể voi nhà mới nhất tham gia vào chương trình thúc đẩy du lịch thân thiện với voi - không cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Tổ chức Động vật Châu Á đã can thiệp phúc lợi với 12 voi, trong đó 6 cá thể voi đang tham gia vào mô hình trải nghiệm voi thân thiện tại Vườn quốc gia Yók Đôn. Khách du lịch tham quan sẽ không cưỡi voi, thay vào đó ngắm voi và ngắm rừng trong khung cảnh tự nhiên.
Hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 con tại hai huyện Buôn Đôn (21) và Lắk (16). Những năm qua do đàn voi nhà lớn và bị vắt kiệt sức phục vụ du lịch khiến đàn voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khoản viện trợ hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á với tổng giá trị hơn 55,4 tỉ đồng, tương đương 2,43 triệu USD để hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.
Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Dự án hướng đến kết quả chủ yếu là mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi; giúp đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ.
Khi tham gia dự án, chủ và đàn voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng hoạt động phục vụ cưỡi voi cho du khách; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến lan tỏa hiệu quả cao tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng.
Tại Việt Nam, Tổ chức Động vật Châu Á triển khai ba chương trinh: Cứu hộ gấu và chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật, Nâng cao phúc lợi động vật nuôi nhốt và bảo vệ chó mèo. Hai dự án lớn của tổ chức là Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc), và dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện - nâng cao phúc lợi voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.