Đàn voi nhà tại Đăk Lăk đang ngày một già, không thể sinh sản. Địa phương đã có nhiều chính sách để giữ gìn đàn voi ngày một khan hiếm này.
Voi nhà không thể sinh sản
Cuối tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk đã tiếp nhận và chăm sóc thêm một voi cái có tên H’Plú (48 tuổi) từ một người dân ở huyện Lăk. Theo các nài voi, H’Plú đã già, bị mua bán qua nhiều đời chủ (tại Đăk Lăk, Lâm Đồng) và kiệt sức sau nhiều năm “cày ải” phục vụ khách trong các khu du lịch.
Trước đó, tháng 9/2021, voi cái Khăm Phanh (43 tuổi) cũng được Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk đưa từ xã Ea Rbin (huyện Lăk) về chăm sóc. Không phải phục vụ du lịch nhưng voi Khăm Phanh chỉ quanh quẩn trong khu rừng gần nhà, đến nay đã “quá lứa lỡ thì” nhưng chưa từng sinh sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Khăm Phanh, H’Plú còn có hơn 20 cá thể voi cái khác trong quần thể voi nhà tại Đăk Lăk đã quá tuổi sinh sản. Hơn 30 năm qua, quần thể voi nhà của Đăk Lăk chưa sinh được voi con nào.
Để bảo tồn đàn voi nhà cũng như voi rừng tại Đăk Lăk, năm 2011, địa phương này thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk. Sau khi thành lập, trung tâm đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, phối hợp với chuyên gia, tổ chức trên thế giới như Tổ chức Động vật châu Á (AAF); Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã có nhiều biện pháp để giúp voi nhà mang bầu, sinh sản với hy vọng duy trì, phát triển quần thể voi nhà.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn voi gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Toàn bộ voi cái trong quần thể voi nhà tại Đăk Lăk đã quá tuổi sinh sản nên trong 3 lần sinh nở gần đây nhất, voi mẹ đều “vượt cạn” không thành khiến voi con chết ngạt.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk, voi trưởng thành, thích hợp sinh sản trong độ tuổi từ 13-35 năm tuổi. Thế nhưng, độ tuổi trung bình của quần thể voi nhà ở Đăk Lăk hiện đã 39-45 tuổi. Trong khi không có thế hệ voi con ra đời thì những con voi già yếu lần lượt chết đi, khiến quần thể voi nhà đứng trước nguy cơ bị xóa sổ trong nay mai.
Cố gắng giữ đàn voi nhà
Để bảo tồn đàn voi nhà ngày một khang hiếm, ngày 15/12/2021, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký kết hợp tác với Tổ chức Động vật Châu Á về mô hình du lịch thân thiện với voi.
Theo thỏa thuận hợp tác, UBND tỉnh Đăk Lăk sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết trong phạm vi chức năng, quyền hạn để hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà.
Cụ thể, địa phương này không tổ chức các hội thi voi, không đưa voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, không dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi, không tổ chức du lịch cưỡi voi…
Còn Tổ chức Động vật Châu Á sẽ vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để mang lại phúc lợi cho các hộ dân mưu sinh nhờ nguồn thu du lịch từ voi. Từ đó, các đơn vị sẽ tổ chức mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đăk Lăk.
Đặc biệt, trong kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Đăk Lăk nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi, trong có bổ sung về chính sách phúc lợi cho voi.
Theo đó, khi voi nhà sinh sản sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày voi gặp gỡ, giao phối. Trong thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300.000 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ 6 sau khi voi sinh con đối với chủ voi cái…
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk cho biết, voi nhà đều thuộc quyền sở hữu của người dân hoặc các doanh nghiệp du lịch. Trước đây, đa số voi nhà đều phải “cày ải” trong các khu du lịch để “cõng” khách. Hơn thế, hầu hết mỗi gia đình chỉ sở hữu một con voi nên quần thể voi nhà tại Đăk Lăk không có cơ hội ghép đôi, tiếp xúc với nhau để giao phối, sinh sản đúng độ tuổi.
Theo ông Phước, sau nhiều lần hỗ trợ để voi nhà sinh sản không thành, hiện Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk đang xây dựng kế hoạch để xin chủ trương mua 4 voi cái 10-15 tuổi từ Myanmar đưa về Đăk Lăk. “Chúng tôi đa xây dựng kế hoạch mua voi trẻ đưa về tỉnh. Về giá cả phải trao đổi trực tiếp với nước bạn mới biết cụ thể được”, ông Phước chia sẻ.
Để tiếp tục giải quyết khó khăn cho công tác bảo tồn voi giai đoạn 2022-2026, UBND tỉnh Đăk Lăk cam kết ủng hộ những để xuất của tổ chức Tổ chức Động vật châu Á. Từ đó, hướng tới nhằm xây dựng và triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi, góp phần bảo tồn voi nhà tại địa phương.