| Hotline: 0983.970.780

Hai ngày dập lửa cứu rừng Yên Dũng

Thứ Sáu 13/12/2019 , 09:16 (GMT+7)

Hai ngày cùng lực lượng Kiểm lâm Bắc Giang đi dập lửa cứu rừng, chúng tôi ra về nhưng lòng đầy cảm phục trước những gian lao, vất vả mà các anh phải trải qua.

13-54-19_nh_1_hien_truong_vu_chy_rung
Hiện trường vụ cháy rừng.

Khi cháy rừng, bất chấp ngọn lửa hung hãn, những người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vẫn lao vào biển lửa để cứu rừng, cứu tài sản của nhân dân, bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của đất nước. Những giọt mồ hôi của các anh rơi xuống đã làm cho rừng được hồi sinh.

I.

Chiều ngày 07/12, nhận được tin báo xảy ra vụ cháy rừng trên dãy núi Nham Biền, thuộc địa bàn xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, chúng tôi cùng lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng nhanh chóng di chuyển để chiến đấu với “giặc lửa”. Trên đường tới hiện trường, từ cách xa hàng chục cây số, chúng tôi đã thấy cột khói to, bốc lên cao hàng trăm mét cuồn cuộn giống như một con quái vật, như muốn nuốt chửng cả dãy núi Nham Biền.

Tới chân núi, thuộc thôn Tân Độ, chúng tôi chia nhau các công cụ chuyên dụng như máy thổi gió, vỉ dập lửa, dao đi rừng nhanh chóng leo lên núi để tiếp cận đám cháy. Do địa hình hiểm trở, núi cao, thảm thực vật là cây giàng giàng dày, rậm, có chỗ ngập đầu người, khiến chúng tôi khó khăn lắm mới tiếp cận được đám cháy rừng. Khi tiếp cận đám cháy, cảnh tượng hãi hùng là ngọn lửa bốc lên rất cao, cháy ngùn ngụt, trải dài theo sườn núi.

Hiện trường rừng đang bị cháy là rừng trồng phòng hộ, loài cây chủ yếu là keo, thông có đường kính 5 - 14cm, chiều cao vút ngọn bình quân từ 6 - 12m, mật độ từ 300 -700 cây/ha với thảm thực vật chủ yếu là cây giàng giàng dày, rậm. Cùng với đó, hàng chục cán bộ, chiến sỹ công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ cùng người dân địa phương đã được huy động dập lửa cứu rừng.

Với chiếc loa cầm tay, đồng chí Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các lực lượng tham gia chữa cháy nhanh chóng chia ra làm nhiều mũi dọn thực bì, làm đường băng trắng ngăn lửa lan rộng. Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, bất chấp sức nóng tỏa ra hừng hực, lửa táp rát mặt, nhiều kiểm lâm, chiến sỹ công an, quân đội, sử dụng tất cả các công cụ thủ công và cơ giới như cành cây tươi, vỉ dập lửa, máy thổi gió… tác động trực tiếp vào đám cháy.

Đến 22 giờ 30 phút, đám cháy được khống chế và dập tắt. Chúng tôi được lệnh rút quân xuống chân núi. Trời tối đen như mực, nhiều chiếc đèn đã cạn kiệt pin. Với địa hình hiểm trở, suối sâu, dốc cao kèm sỏi đá trơn trượt, lại phải mang vác những công cụ chữa cháy trên vai, nên chúng tôi phải di chuyển từng bước.

Lực lượng quân đội thuộc Sư đoàn 3 (Quân khu I) tham gia dập lửa cứu rừng.

Khi xuống được chân núi, mọi người ai nấy đều mệt mỏi dã rời. Chúng tôi vừa ăn tạm ít lương khô, mẩu bánh mỳ thì lại nhận được tin báo đang cháy rừng tại tiểu khu 5, 6 thuộc địa phận thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, cách chỗ chúng tôi chừng 6 km. Chúng tôi lại tiếp tục nhanh chóng tới hiện trường để tiếp tục chiến đấu với “giặc lửa”.

Cách đám cháy chừng 1 km, cảnh tượng hãi hùng là ngọn lửa bốc lên rất cao, cháy ngùn ngụt, sáng rực cả bầu trời, trải dài qua nhiều sườn núi như con rồng lửa muốn thiêu trụi tất cả những gì mà nó đi qua. Dọc tuyến đường vào tiểu khu 5, 6, hàng trăm xe máy tham gia chữa cháy đỗ dọc hai bên, cùng hàng chục xe ô tô chở cán bộ kiểm lâm, công an, quân đội...

Hiện trường rừng đang bị cháy cũng giống như tại xã Tân Liễu đều là rừng trồng phòng hộ, loài cây chủ yếu là keo, thông với thảm thực vật chủ yếu là cây giàng giàng dày, rậm. Các lực lựng chữa cháy chia ra làm nhiều mũi dọn thực bì, làm đường băng trắng ngăn lửa lan rộng. Mọi người dung cành cây tươi, vỉ dập lửa tác động trực tiếp vào đám cháy. Các anh thay nhau dùng những chiếc vỉ dập lửa, cành cây tươi “tả xung hữu đột”, để đám cháy lan rộng.

Đến chừng 06 giờ sáng, ngày 08/12, đám cháy mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Khi xuống được chân núi, mọi người ai nấy đều mệt mỏi dã rời, lại cộng thêm đói và rét nên lại càng mệt mỏi hơn. Nhưng niềm vui lớn lao là dập tắt được đám cháy, không để đám cháy lan rộng thêm.

II.

Chúng tôi chưa kịp về trụ sở làm việc thì lại nhận nhiệm vụ mới, là di chuyển ngay sang xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng để tiếp tục dập lửa cứu rừng. Quan sát dọc tuyến đường vào thôn Kem, xã Nham Sơn nhiều xe cứu hỏa của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ- Công an tỉnh Bắc Giang đã tới hiện trường, cùng hàng chục xe ô tô của quân đội, công an, các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Chi cục Kiểm lâm vùng I (Cục Kiểm lâm) chở cán bộ, chiến sỹ tới tham gia chữa cháy.

Tại các điểm cháy rừng, do thời tiết hanh khô, với lớp thực bì quá dày, chủ yếu là cây giàng giàng, lại gặp gió đông nên lực lượng chữa cháy có những lúc gần như bất lực bởi, dập tắt chỗ này thì điểm khác lại bùng lên mạnh hơn. Thậm chí, có những chỗ đường băng trắng cản lửa rộng tới 10m mà ngọn lửa vẫn cháy băng qua đường băng.

Đến chiều và đêm 08/12, có gần hai nghìn người thuộc các lực lượng vũ trang và người dân địa phương tham gia dập lửa cứu rừng. Mặc cho ngọn lửa bốc cao, bất chấp sức nóng tỏa ra hừng hực, lửa táp rát mặt, nhiều người quần, áo, gương mặt bị sạm đen vì khói bụi, mệt lả, mồ hôi ướt đẫm, với những dụng cụ thô sơ, nhưng các anh đã “vào trận” với quyết tâm cao nhất.

Lực lượng quân đội thuộc Sư đoàn 3 (Quân khu I) rà soát hiện trường vụ cháy, đề phòng lửa cháy lại.

Đến chừng 09 giờ sáng, ngày 09/12, đám cháy mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Sau khi dập các đám cháy rừng, đồng chí Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tham gia chữa cháy tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trường vụ cháy, tổ chức trực tại chỗ đề phòng lửa cháy lại.

Hai ngày cùng lực lượng Kiểm lâm Bắc Giang đi dập lửa cứu rừng, chúng tôi ra về nhưng lòng đầy cảm phục trước những gian lao, vất vả mà những người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng trải qua. Tôi từng nghe nhiều người nói “Kiểm lâm vất vả, gian khổ chỉ kém Bộ đội Biên phòng”. Giờ thì tôi tin điều ấy. Trong quá trình chữa cháy rừng, những giọt mồ hôi của các anh rơi xuống, đã làm cho rừng được hồi sinh, góp phần giữ cho rừng mãi thêm xanh.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.