| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng chủ động phương án ứng phó khi thượng nguồn xả lũ

Thứ Bảy 27/07/2024 , 08:17 (GMT+7)

Sau khi bão số 2 qua đi, các công ty thủy lợi ở Hải Phòng đang tiến hành rà soát lại các công trình xung yếu khi thủy điện ở thượng nguồn xả lũ.

Việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại hệ thống thủy lợi Đa Độ đang được thực hiện khá tốt. Ảnh: Đinh Mười.

Việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại hệ thống thủy lợi Đa Độ đang được thực hiện khá tốt. Ảnh: Đinh Mười.

Tại Hải Phòng, hiện tại có 6 hệ thống thủy lợi bị chia cắt bởi 6 tuyến sông là chi lưu của hệ thống sông Thái Bình. Trên đất liền, có 14 tuyến kênh trục chính, tổng chiều dài 260,2km, 135 kênh cấp I với tổng chiều dài 526,6km, 6 cống đầu mối, 363 cống có khẩu độ dưới 5m, 702 trạm bơm tưới có tổng công suất 746.960m3/h.

Các hệ thống thủy lợi trên có nhiệm vụ tiêu nước cho 100.000ha, cấp nước tưới cho 58.253ha đất canh tác, cấp nước cho sinh hoạt đô thị, khu vực nông thôn, khu công nghiệp và 213 nhà sản xuất nước sạch với khối lượng nước thô trên 90 triệu m3 mỗi năm

Khi các công ty thủy điện thượng nguồn xả lũ, hệ thống thủy lợi bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đa Độ, hệ thống thủy lợi này dài 48,6km tuyến sông huyết mạch, đi qua 25 xã, thị trấn thuộc địa phận các huyện An Lão, Kiến Thụy, quận Kiến An và quận Dương Kinh.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Thủy lợi Đa Độ cho biết, thời gian qua, đơn vị làm đã tốt vai trò trong điều tiết và vận hành hệ thống, trữ nước, cấp nước vào các tuyến kênh cấp 1, thau đảo nguồn nước và tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.

Một cánh đồng lúa ở huyện Kiến Thụy đã tiêu hết nước sau gần 2 ngày bị ngập. Ảnh: Đinh Mười.

Một cánh đồng lúa ở huyện Kiến Thụy đã tiêu hết nước sau gần 2 ngày bị ngập. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn cử như trong cơn bão số 2 vừa qua, khi mưa lớn xảy ra, hàng trăm ha trồng lúa tại các địa phương bị đọng nước nhưng chỉ trong ngày đầu tiên, cơ bản các cánh đồng trên địa bàn huyện Kiến Thụy và huyện An Lão đều đã thoát nước, không địa phương nào bị ngập úng.

Tuy nhiên ông Kiên cũng băn khoăn bởi hiện tại trên hệ thống thủy lợi Đa Độ đang có hơn 20 công trình cống cũ xuống cấp, cánh cống hỏng hoặc không có cánh cống, 13 cống xung yếu và hơn 60 vị trí chưa có công trình điều tiết.

Với các cống xung yếu, những công trình này được xây dựng đã lâu, có cống được làm từ những năm 60 của thế kỷ 20, đã xuống cấp nghiêm trọng, được đánh giá là mất an toàn và cần được cải tạo sớm nhưng đến nay chưa có kinh phí để thực hiện.

Trong tình thế đó, để đảm bảo an toàn, trước mùa mưa bão, đơn vị đều phải phối hợp với phòng nông nghiệp và các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá tình trạng các cống xung yếu để có phương án xử lý kịp thời.

Một cống xung yếu trong hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Một cống xung yếu trong hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Đặc biệt, khi các công ty thủy điện ở thượng nguồn xả lũ đúng thời điểm có triều cường, Công ty Thủy lợi Đa Độ và các địa phương sẽ bố trí nhân lực, thường xuyên theo dõi, túc trực và có phương án dự phòng.

Với 7 cống xung yếu ở An Lão, đơn vị phải chuẩn bị sẵn những bao tải cát tập kết ở ngay rìa cống đề phòng khi có sự cố bất thường sẽ xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, những cống xung yếu đã xuống cấp trầm trọng cần đầu tư xây mới để có thể đáp ứng được yêu cầu.

“Hiện nay đang có triều cường, cộng thêm việc xả lũ thượng nguồn nên mực nước sông sẽ dâng cao, gây nguy hiểm cho các tuyến đê, nhất là tại các vị trí xung yếu. Do vậy, đơn vị đã có phương án ứng phó như gia cố đê, chuẩn bị vật tư, bao cát và theo dõi chặt chẽ tình hình để xử lý kịp thời”, ông Kiên chia sẻ.

Cán bộ Công ty Thủy lợi Đa Độ chia sẻ với phóng viên về các phương án tiêu thoát nước trong mùa mưa bão tại một cống xung yếu. Ảnh: Đinh Mười.

Cán bộ Công ty Thủy lợi Đa Độ chia sẻ với phóng viên về các phương án tiêu thoát nước trong mùa mưa bão tại một cống xung yếu. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng, toàn thành phố Hải Phòng hiện có 387 cống dưới đê, trong đó có hơn 100 cống kém an toàn và hơn 50 cống xung yếu. Đặc điểm chung của các cống xung yếu là đều được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, đến nay nhiều cống đã bị hư hỏng và phải hoành triệt tạm thời trong mùa lũ để sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để đảm bảo an toàn cho công trình đê điều và các hoạt động ven sông trước mùa mưa bão 2024 và khi các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, công trình đê điều, phòng, chống thiên tai và các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Các địa phương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc tổ chức lực lượng và thực tế triển khai công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn. Tổ chức ra quân phát quang mái đê, chân đê và trong phạm vi bảo vệ đê điều để phục vụ công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý sự cố đê điều. Nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Gần 1 tháng qua, các tỉnh ở thượng lưu hồ Hòa Bình, Sơn La như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang liên tục mưa lớn đã đẩy mực nước các hồ thủy điện lên cao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình và Công ty Thủy điện Sơn La yêu cầu 2 thủy điện này xả đáy. Trong đó, riêng Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phải mở cửa xả đáy thứ 4.

Xem thêm
Bộ NN-PTNT làm việc với JICA Việt Nam về các dự án hợp tác nông nghiệp

Sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc cùng JICA Việt Nam. Lãnh đạo hai bên có những trao đổi quan trọng về các dự án hợp tác nông nghiệp.

Ứng phó bão số 4: Dân không chấp hành lệnh sơ tán sẽ cưỡng chế

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán dân trước sự cố khẩn cấp.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Có một trận ‘lũ quét’ giữa lòng sông

Ngoài 50 tuổi, ông Nguyễn Đăng Tuấn mới thấy lũ quét trên tivi, nhưng bằng mắt so sánh, có lẽ nó cũng chỉ ghê gớm tựa như nước sông Thái Bình hồi bão số 3.