| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tiêu thoát nước cho hơn 400 ha lúa bị ngập sau bão

Thứ Ba 23/07/2024 , 22:19 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, tại thành phố Hải Phòng đã xảy ra mưa lớn khiến hơn 400 ha lúa và rau màu bị ngập, rất may không có thiệt hại đáng kể.

Ruộng mướp tại xã An Hòa, huyện An Dương bị ngập nặng. Ảnh: Đinh Mười.

Ruộng mướp tại xã An Hòa, huyện An Dương bị ngập nặng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, ảnh hưởng của bão số 2, từ sáng 23/7, khu vực Hải Phòng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa được ghi nhận tại một số quận, huyện như: Lê Chân, Hồng Bàng, An Dương, Kiến An, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Hải An, Đồ Sơn,… từ 80-120mm, có nơi trên 150mm.

Mưa lớn khiến hàng trăm ha lúa mới cấy và hoa màu bị ngập. Cụ thể, diện tích lúa bị ngập do ảnh hưởng mưa, bão tính đến đến 9h sáng ngày 23/7 là 405 ha và đến 15h00 cùng ngày chỉ còn 250 ha, do nước đã rút.

Diện tích lúa bị ngập nhiều nhất là huyện Kiến Thụy với 100 ha, tập trung ở các xã như: Ngũ Đoan, Minh Tân, Đại Đồng, Đông Phương, Du Lễ, Hữu Bằng,… Sau Kiến Thụy có huyện Thủy Nguyên với 60 ha, huyện Vĩnh Bảo với 50 ha và huyện An Lão với 30 ha lúa mới cấy bị ngập.

Ngoài diện tích lúa, cả thành phố Hải Phòng cũng có 40/1.226 ha cây rau màu và hoa bị ngập do mưa bão, tập trung tại các địa phương như: xã Phả Lễ, Lưu Kiếm, Tam Hưng, Kiền Bái, Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên); xã An Hòa, xã Tân Tiến (huyện An Dương); xã Tú Sơn, (huyện Kiến Thụy).

Ruộng lúa ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy bị ngập sau mưa lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Ruộng lúa ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy bị ngập sau mưa lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Về cơ bản, do lượng mưa không lớn và các công ty thủy lợi đã chủ động các phương án tiêu nước đề phòng ngập úng nên việc thoát nước được kịp thời. Cùng với đó, các trà lúa chủ yếu giai đoạn bén rễ hồi xanh bắt đầu đẻ nhánh nên thiệt hại không đáng kể.

Ghi nhận tại xã An Hòa, huyện An Dương, các khu vực trồng mướp và rau cơ bản đều bị đọng nước, một số nơi bị ngập nặng do hệ thống thủy lợi nội đồng đã xuống cấp, thoát nước không còn hiệu quả. Trên các cánh đồng trồng lúa, nhiều nơi đã cấy xong nước ngập khá sâu, còn một số nơi ở vị trí cao hơn, nhiều người dân tranh thủ có nước để cấy cho kịp thời vụ.

“Hệ thống thoát nước ở đây rất kém, tối mưa một chút đã ngập lênh láng như thế này thì phải 2 ngày sau mới rút hết được. May còn cây mướp thích nghi được chứ trồng các loại rau màu khác thì không thể trụ được”, ông Ngô Văn Thoáng, trú tại thôn 2, xã An Hòa, huyện An Dương vừa nói vừa chỉ về khu vực trồng mướp của gia đình.

Huyện Kiến Thụy là địa phương có diện tích lúa và hoa màu bị ngập nhiều nhất trong các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhưng đến chiều 23/7, việc tiêu thoát nước khá thuận lợi và chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể do mưa lớn gây ra.

Hệ thống kênh mương xuống cấp, không còn đáp ứng việc tưới tiêu hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống kênh mương xuống cấp, không còn đáp ứng việc tưới tiêu hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

“Kiến Thụy gần cửa sông, cửa biển nên việc tiêu thoát nước khá chủ động. Lúc sáng diện tích lúa bị ngập khá lớn nhưng chiều nay qua kiểm tra thực tế và các địa phương báo cáo lên cho thấy nước đã rút và gần như chưa có thiệt hại”, bà Lê Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy thông tin.

Trước thực trạng này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã hướng dẫn các địa phương tập trung tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa, rau màu bị ngập úng.

Mặt khác, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để cứu lúa vùng bị ngập, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập nặng.

Cùng với đó, các địa phương thông tin cho người dân sử dụng giống lúa ngắn ngày, chuẩn bị mạ dự phòng để gieo cấy bổ sung trong trường hợp cần thiết, đảm bảo thời vụ và diện tích gieo cấy.

Nước ngập lênh láng nhưng người dân vẫn phải tranh thủ cấy cho kịp thời vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Nước ngập lênh láng nhưng người dân vẫn phải tranh thủ cấy cho kịp thời vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Trước đó, khi bão số 2 hình thành và dự báo có thể đổ bộ vào Hải Phòng, để bảo vệ sản xuất, chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động các biện pháp tiêu, thoát nước cho phù hợp với từng địa điểm, điều kiện địa hình, loại cây trồng hiện đang có trên đồng ruộng.

Trên các vùng rau màu, người dân đã được khuyến cáo thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Đối với các vườn cây ăn quả, cần tập trung thu hoạch sớm sản phẩm cây ăn quả đến thời kỳ cho thu hoạch, chủ động chống đổ, cắt tỉa cành khô héo, sâu bệnh, các cành vô hiệu và xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước để tránh ngập úng cục bộ.

Các công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn được yêu cầu chủ động điều tiết trên các hệ thống kênh mương thủy lợi cho phù hợp với từng địa điểm, đặc thù đồng ruộng.

Cùng với đó khẩn trương tổ chức khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác, giải tỏa các đăng, đó, vật cản trên các tuyến kênh và khẩn trương kiểm tra, khắc phục các sự cố do công trình bị hư hỏng, đảm bảo tiêu úng kịp thời khi được yêu cầu.

Vụ hè thu tại Hải Phòng, diện tích lúa đã cấy là 23.135 ha, các trà lúa chủ yếu giai đoạn bén rễ hồi xanh, bắt đầu đẻ nhánh. Diện tích cây rau màu vụ đã trồng là 2.573 ha, trong đó: diện tích cây rau màu hiện còn trên đồng ruộng 1.226,5 ha, diện tích cây rau màu đến kỳ thu hoạch còn trên đồng ruộng 743 ha.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất