| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng thừa nhận chậm trễ đối phó với cúm gia cầm A/H5N6

Thứ Bảy 29/02/2020 , 15:25 (GMT+7)

Sáng 29/2, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNN cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại TP. Hải Phòng.

Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chưa tiêm vắc xin

Ông Phạm Văn Thép - Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 28/2, dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại 4 hộ ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ hơn 10.000 con gia cầm của 4 hộ nói trên.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H5N6 tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H5N6 tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực xảy ra dịch bệnh có 5 hộ gần nhau, trong đó có 4 hộ có gia cầm nhiễm dịch cúm A/H5N6, hộ còn lại có gia cầm không bị nhiễm dịch bệnh là hộ đã tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho gia cầm. Tại các địa phương khác, tình hình đàn gia cầm phát triển ổn định, không phát hiện gia cầm ốm, chết do mắc cúm gia cầm.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhiều yếu tố. Trong đó đáng lưu ý là đàn vịt 1.460 con, 17 ngày tuổi của hộ ông Đinh Văn Tứ nhập về từ Thái Bình, là địa phương đang có dịch cúm gia cầm A/H5N6, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Ngoài ra cũng không loại trừ nguyên nhân từ nguồn mang mầm bệnh tự nhiên từ chim di cư và từ đàn gia cầm sống tại một số chợ trên địa bàn.

Sau khi dịch bệnh xảy ra, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương đã triển khai, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như: Thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Yêu cầu các hộ nuôi nhốt quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, không thả rông gia cầm và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo quy định...

Đồng thời, yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm ngừng nuôi mới gia cầm, không giết mổ gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, giám sát dịch cúm gia cầm trên người, đặc biệt tại hộ có gia cầm ốm, chết và tiêu hủy do dịch...

Riêng tại ổ dịch, cơ quan chức năng đã lập chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí lực lượng trực 24/24 không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra - vào vùng có dịch. Đồng thời thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi có gia cầm nhiễm dịch bệnh, nơi chôn hủy gia cầm bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày. Khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh 2 lần/tuần…

Khu vực ổ dịch phát sinh nằm tách biệt, tuy nhiên có nhiều chim di cư, có thể là 1 trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực ổ dịch phát sinh nằm tách biệt, tuy nhiên có nhiều chim di cư, có thể là 1 trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng cũng cho biết: Hiện tại, Hải Phòng đã cấp cho các địa phương 20.000 lít hóa chất. Song, số đó chưa đủ, đề nghị cung cấp thêm 20.000 lít hóa chất khử trùng cho đàn gia súc gia cầm. Hỗ trợ thêm 10 tấn hóa chất thủy sản. Đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thú y tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về vật tư, hóa chất và vắc-xin phòng, chống dịch bệnh động vật, tạo điều kiện giúp địa phương triển khai kịp thời các biện pháp cấp bách khống chế ngăn chặn dịch bệnh.

Không thiếu vắc xin

Sau khi kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy và nghe đề xuất, báo cáo của các cơ quan chức năng tại cơ sở, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: Việc phun sát trùng và tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho gia gia cầm rất quan trọng. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm tại Hải Phòng chưa cao. Vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm không thiếu, Hải Phòng cần đề xuất kịp thời. TP. Hải Phòng cần tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát số lượng và tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn gia cầm, đồng thời phun thuốc khử trùng tại các nguồn lây bệnh...

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Hải Phòng rà soát và chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa việc tiêm vắc xin cho đàn gia cầm. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Hải Phòng rà soát và chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa việc tiêm vắc xin cho đàn gia cầm. Ảnh: Đinh Mười.

“Phải vừa chống, vừa phòng, việc chỉ đạo phòng chống dịch phải thiết thực, sát thực tế. Cơ sở phải nắm được thực tế, chỉ có quyết định từ thực tế mới có sức sống, mới có giá trị. Tại khu vực ổ dịch có 5 hộ, trong đó hộ tiêm vắc- xin thì gia cầm không bị dịch, còn lại 4 hộ đều có gia cầm bị dịch và tiêu hủy, điều đó cho thấy việc tiêm vắc-xin là cực kỳ quan trọng”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: "Hải Phòng có nhiều khó khăn khách quan như có kênh rạch nhiều với 11 cửa sông, nguồn lây bệnh khó kiểm soát. Tuy nhiên việc phòng bệnh của Hải Phòng vẫn chưa hoàn toàn chủ động, vẫn chậm cho việc sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Cụ thể việc khử trùng tiêu độc, tiêm vắc-xin là chậm, tháng 2 mới phê duyệt tiền mua vắc-xin. Dịch bệnh lây lan rất nhanh, dịch tả lợn Châu Phi là 1 ví dụ, cơ quan chuyên môn phải xem lại cách làm, hàng năm phải có dự trữ vắc-xin và cần quyết liệt hơn nữa trong phòng chống dịch, dịch bệnh".

Hiện tại, đàn gia cầm toàn TP Hải Phòng đang có hơn 8.672 nghìn con, trong đó các trang trại chăn nuôi chiếm 29,17%. Theo thống kê, báo cáo của các địa phương, tổng số gia cầm đã tiêm phòng đợt 2 năm 2019 cần được tiêm nhắc lại vào đợt 1 năm 2020 và số gia cấm nuôi mới từ đầu năm 2020 đến nay chưa được tiêm phòng 4.655.581 con, chiếm 52,65% tổng đàn hiện có. Dự kiến đến ngày 15/3 sẽ hoàn thành việc tiêm phòng bao vây ổ dịch và vùng xung yếu trên địa bàn.

Trước đó, ngày 24/2/2020, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 xảy tại đàn vịt hơn 3.000 con hộ ông Đinh Văn Tứ, thôn Kim Sơn xã, Tân Trào huyện Kiến Thụy. Sau đó, kết quả xét nghiệm mẫu giám sát đối với 4 hộ chăn nuôi khu vực xung quanh hộ ông Tứ, thì có 3 hộ có gia cầm nhiễm dịch bệnh và phải tiêu hủy.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.