Đây chính là công nhận danh dự cao nhất trên thế giới dành cho chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật.
Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) vừa thông báo kết nạp thêm 124 thành viên (bao gồm 106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế), nâng tổng số viện sĩ hiện tại của cơ quan này lên 2.420 người Mỹ và 319 người nước ngoài. Kết quả bầu chọn dựa trên những đóng góp xuất sắc cũng như các thành tựu liên tục nổi bật của các tân viện sĩ trong nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực kỹ thuật.
Đặc biệt, Viện đánh giá cao vai trò tiên phong của các tân viện sĩ trong việc phát triển những lĩnh vực công nghệ mới, tạo ra sự phát triển vượt bậc ở những ngành kỹ thuật truyền thống hoặc mang đến những cách tiếp cận đột phá trong việc giảng dạy ngành kỹ thuật.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara, đã được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này. Giáo sư Thục Quyên cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.
Chia sẻ nhân sự kiện này, Giáo sư Thục Quyên cho biết: “Việc được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ vừa là niềm vinh dự lớn lao cùng với đó là ý thức trách nhiệm về việc cần đóng góp nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của tôi sẽ không chỉ dừng ở những việc đang làm hàng ngày như nghiên cứu hay giảng dạy mà còn là trách nhiệm với cả xã hội. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ hỗ trợ thêm nhiều nhà khoa học nữ hơn nữa.”
Tiến sĩ Xuedong Huang, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Công nghệ Azure AI, Tập đoàn Microsoft, được bầu làm tân viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ do những đóng góp vượt bậc trong việc phát triển các sản phẩm, công nghệ ngôn ngữ và lời nói, bao gồm phát triển các hệ thống thông minh trên nền tảng đám mây.
Tiến sĩ Xuedong chia sẻ: "Được trở thành một phần của cộng đồng kỹ thuật uy tín này vừa là sự công nhận cho những đóng góp của tôi, vừa là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa trong tương lai. Tôi đam mê thúc đẩy các ranh giới của kỹ thuật và đổi mới để giải quyết những thách thức lớn hơn của xã hội. Tôi mong muốn hợp tác với những viện sĩ khác, cũng như với một cộng đồng lớn hơn, để thúc đẩy sự xuất chúng, khả năng lãnh đạo và nâng cao dịch vụ trong lĩnh vực kỹ thuật.”
Tiến sĩ Xuedong cho biết thêm, Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ có quan điểm tương đồng trong việc vận dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân loại. Ông mong muốn được chung tay cùng các chuyên gia tầm cỡ thế giới, để thúc đẩy hơn nữa tác động của khoa học và công nghệ với xã hội.
Việc trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ không chỉ là sự ghi nhận về chuyên môn và năng lực lãnh đạo vượt trội của các nhà khoa học. Đây còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, kết nối và lãnh đạo các dự án hợp tác nghiên cứu trọng điểm cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, các viện sĩ sẽ có thể hỗ trợ thế hệ nhà khoa học trẻ tiếp cận với kỹ thuật và hướng đến những ứng dụng thiết thực trong đời sống.
Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) được thành lập vào năm 1964, với sứ mệnh thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, thông qua việc thúc đẩy các nhóm ngành kỹ thuật, đưa ra tư vấn chuyên môn cho chính phủ trong những vấn đề kỹ thuật và công nghệ. Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) cùng với Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) và Viện Hàn lâm Y học Quốc gia (NAM) thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ (National Academies).
https://www.nae.edu/289843/NAENewClass2023
https://www.nae.edu/19580/About
Quỹ VinFuture: Quỹ VinFuture ra mắt vào 20/12/2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại – là quỹ hoạt động phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập.
Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu đô la Mỹ, là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới; Ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Ngoài ra, Quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEM.