Liên quan đến vụ hơn 100 công nhân Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm (Công ty đóng tàu Sông Cấm) phải nhập viện sau bữa ăn trưa với các triệu chứng giống ngộ độc thực phẩm như: Da nổi đỏ, chóng mặt, buồn nôn, ngứa tay chân, khó thở, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Hải Phòng khẩn trương chỉ đạo các bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân. Đồng thời, yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty đóng tàu Sông Cấm để tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng đã chỉ đạo Sở Y tế cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc và cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu có các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Với các cơ sở y tế, ông Lê Khắc Nam yêu cầu triển khai các biện pháp điều trị, chăm sóc tốt nhất cho các công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm.
Có thể nói, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các cơ quan chuyên môn đã rất nhanh chóng và tích cực vào cuộc, ngoài việc chỉ đạo kiểm tra rốt ráo, việc đưa các công nhân có biểu hiện giống ngộ độc đến bệnh viện điều trị rất kịp thời, do đó chưa có sự việc đáng tiếc xảy ra. Dù vậy, theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam cho thấy một số vấn đề cần được cơ quan chức năng lưu tâm, sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Đầu tiên là vấn đề đường đi của thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn của của các bếp ăn tập thể. Từ sự vụ xảy ra tại bếp ăn của Công ty đóng tàu Sông Cấm, thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, đơn giản chỉ có con cá, miếng thịt, lá rau,… để nấu bữa ăn trưa cho công nhân mà phải "qua tay" từ 2-3 doanh nghiệp với hoàng loạt công đoạn, trong đó có đơn vị chỉ làm khâu trung gian.
Cụ thể, Công ty TNHH dịch vụ Thành Hưng (Công ty Thành Hưng) là đơn vị cung cấp suất ăn (chế biến tại bếp ăn) cho Công ty Sông Cấm nhưng đơn vị này không có sẵn thực phẩm mà phải mua thông qua một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV cung ứng và Phát triển nông nghiệp Bắc Việt (Công ty Bắc Việt).
Theo ông Trịnh Văn Luyện - Giám đốc Công ty Bắc Việt, ngày 27/6 vừa qua, Công ty Bắc Việt đã cung cấp khoảng 130 tấn thực phẩm cho Công ty Thành Hưng để chế biến món ăn tại bếp của Công ty Sông Cấm, trong đó cá thu có 80kg, 30kg sườn bỏ sụn, 10kg lườn gà phi lê, 5kg thịt lợn vai sấn, 5 kg mỡ phần và 2 thùng dầu ăn.
Tất cả những thực phẩm nói trên được Công ty Bắc Việt thu mua lại của các doanh nghiệp, đầu mối khác nhau, riêng cá thu được mua từ Công ty CP chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nên cũng chưa phải là điểm cuối cùng trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Cũng theo ông Luyện, Công ty Thành Hưng là đối tác lớn nhất của Công ty Bắc Việt hiện nay, việc cung cấp thực phẩm cho doanh nghiệp này được thực hiện từ giữa năm 2023. Dù Công ty Bắc Việt đủ năng lực cung cấp thực phẩm như yêu cầu nhưng phía Công ty Thành Hưng vẫn nhập thêm thực phẩm từ một số đơn vị khác.
Như vậy, khi trải qua nhiều đơn vị trung gian, nhiều khâu mới mua được thực phẩm thì chắc chắn sẽ phát sinh chi phí để chi trả vì doanh nghiệp nào tham gia vào chuỗi cung ứng này cũng đều phải có lợi nhuận. Câu hỏi đặt ra là tại sao cùng một loại thực phẩm mà phải nhập từ nhiều đơn vị khác nhau? Nếu giá trị mỗi bữa ăn của công nhân được chi trả ở một mức nhất định nhưng có nhiều khâu, nhiều chi phí như vậy thì liệu có còn đảm bảo về định lượng hoặc chất lượng?
Vấn đề tiếp theo đó là khi làm việc với cơ quan chức năng, hoặc được hỏi, các đơn vị liên quan đều khẳng định đầy đủ thủ tục, giấy tờ, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù chưa có kết luận về nguyên nhân sự việc và các mẫu thực phẩm vẫn đang trong quá trình được kiểm tra nhưng sự việc đã xảy ra, cả trăm công nhân đều chung biểu hiện và đang được điều trị theo phác đồ của ngộ độc thì khó loại trừ nguyên nhân từ thực phẩm mà ra. Khi tất cả các doanh nghiệp liên quan đều khẳng định là đúng, là chuẩn mà hậu quả vẫn xảy ra thì lỗi nằm ở đâu, lỗ hổng chỗ nào?
Được biết, Công ty đóng tàu Sông Cấm hiện đang có hơn 1.000 cán bộ, công nhân. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã bỏ ra hàng tỷ đồng đều đư tư làm bếp ăn, mỗi bữa trưa hàng ngày có hơn 800 - 900 suất ăn.
Từ đầu năm 2024, việc cung cấp thực phẩm và nấu các suất ăn tại đây được Công ty Thành Hưng đảm nhận, tuy vậy, theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 13/6/2024, doanh nghiệp này mới được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hải Phòng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.